Báo Công An Đà Nẵng

Nga và OPEC lại lình xình về cắt giảm sản lượng dầu mỏ

Thứ hai, 09/03/2020 11:45

Việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đồng minh chủ chốt của Nga không đạt được sự đồng thuận về việc cắt giảm sản lượng khai thác dầu có thể khiến giá dầu thô giảm sâu do những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đối với hoạt động kinh doanh sản xuất của thế giới.

Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak đến cuộc họp của OPEC tại Vienna hôm 6-3.   Ảnh: Europost

Kẻ muốn, người không

Trong cuộc họp chính thức tại Vienna (Áo) hôm 5-3, các Bộ trưởng OPEC nhất trí cắt giảm thêm 1,5 triệu thùng dầu/ngày trong quý 2-2020, nhằm bảo vệ giá dầu trong bối cảnh kinh tế chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19. United Arab Emirates (UAE) - nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất trong OPEC - hy vọng các nhà sản xuất trong và ngoài khối, trong đó có Nga, nhất trí với kế hoạch trên, đồng thời muốn kéo dài thỏa thuận cắt giảm 2,1 triệu thùng dầu/ngày cho đến cuối năm nay. Theo thỏa thuận cũ, mức cắt giảm 2,1 triệu thùng/ngày chỉ còn thời hạn hết tháng 3-2020.

Đợt cắt giảm sâu nhất

Đây là đợt cắt giảm sâu nhất của tổ chức này kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Nhu cầu dầu mỏ sụt giảm trên quy mô toàn cầu, vì nhiều quốc gia giới hạn đi lại trong mùa dịch, dẫn đến hoạt động sản xuất và kinh doanh gián đoạn. Việc cắt giảm sản lượng nhằm vực dậy giá dầu vốn đã sa sút do ảnh hưởng của dịch Covid-19 bùng phát nghiêm trọng trên thế giới. Tuy nhiên, trong cuộc họp với các nước ngoài khối ngày 6-3, OPEC+ (trong đó có Nga) đã không đạt được thỏa thuận về cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ sau khi Nga từ chối siết chặt nguồn cung để đối phó với những tác động tiêu cực của dịch Covid-19.

Nga thừa nhận dự báo tăng trưởng đối với nhu cầu dầu năm 2020 bị cắt giảm, nhưng cho rằng còn quá sớm để đánh giá các tác động này. Theo đó, Moscow từ chối đề xuất cắt giảm thêm 1,5 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm 2020, nói rằng họ chỉ sẵn sàng gia hạn mức cắt giảm 2,1 triệu thùng/ngày hiện tại. Và OPEC đã đáp trả bằng cách loại bỏ mọi giới hạn sản xuất của chính họ. Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết, OPEC+ đã không nhất trí về kế hoạch giảm sản lượng khai thác. Phát biểu với báo giới, ông cho biết từ ngày 1-4 tới, sẽ không có nước nào trong OPEC+ có nghĩa vụ phải tuân thủ việc giảm sản lượng. Trong khi đó, đa số bộ trưởng các nước khác, trong đó có Saudi Arabia, đã rời cuộc họp mà không đưa ra bình luận nào.

Tổng Thư ký OPEC, ông Mohammed Barkindo cho biết, các nước đã quyết định hoãn đưa ra quyết định cuối cùng của cuộc họp. Ông bày tỏ lạc quan rằng, OPEC và các nước ngoài khối sẽ tiếp tục các cuộc tham vấn: "Ông Alexander Novak và nhóm làm việc của ông ấy đã cam kết thực hiện Tuyên bố hợp tác. Trong quá trình làm việc, nhóm của ông Novak đóng vai trò tin cậy và họ muốn thực hiện tuyên bố hợp tác. Tuy nhiên, có vài vấn đề nan giải, họ có một số vấn đề riêng của mình không giống với một số quốc gia chúng tôi. Tôi vẫn tin rằng họ sẽ trở lại tuyên bố này”.

 “Sự bùng phát của Covid-19 đã tạo ra tình thế chưa từng có với mối nguy hiểm lớn và yêu cầu cần phải có hành động”, OPEC đưa ra thông cáo cho hay, đồng thời hé lộ tổ chức này sẽ tiếp tục tổ chức cuộc họp khác vào ngày 9-6. Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh cho biết, OPEC sẽ tiếp tục thảo luận với Nga và các nước khác ngoài khối để đạt được thỏa thuận.

Giá dầu chạm đáy

Giá dầu chạm mức thấp nhất kể từ năm 2017 trong phiên 6-3 khi thỏa thuận giữa OPEC và các đồng minh, dẫn đầu là Nga, đã thất bại ở Vienna. Động thái của hai bên, chính thức khép lại tuần trăng mật kéo dài 3 năm giữa Nga và OPEC.

Giá dầu Brent giao tháng 5 sụt 6,5% xuống còn 46,73 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ WTI giao tháng 4 lao dốc khoảng 6,3%, về mức 43,01 USD/thùng. Đây là lần đầu tiên giá dầu Brent rơi về mức thấp 47 USD/thùng kể từ giữa tháng 7-2017. Giá dầu Brent đã lao dốc gần 33% kể từ đầu năm 2020 đến nay, khiến các nước phụ thuộc vào lĩnh vực dầu mỏ cũng như nhiều công ty khai thác dầu đá phiến của Mỹ cũng như các doanh nghiệp năng lượng khác rơi vào tình trạng khó khăn. Nhu cầu dầu mỏ đã chịu ảnh hưởng nặng nề do sự bùng phát dịch Covid-19. Hồi đầu tháng 2-2020, OPEC đã đề xuất cắt giảm sản lượng 600.000 thùng/ngày do nhu cầu của Trung Quốc giảm sút vì dịch bệnh.

Nga là quốc gia ngoại khối, đã hợp tác cùng OPEC trong chính sách về sản lượng dầu kể từ năm 2016. Việc Nga từ chối tham gia vào kế hoạch của OPEC không phải là điều bất ngờ, bởi trước đó nước này đã bác bỏ kêu gọi của tổ chức này về việc cắt giảm sản lượng mạnh hơn cho đến cuối năm nay. Trong thỏa thuận cũ, Nga đã từng chần chừ nhưng quyết định đặt bút ký vào phút cuối.

Thất bại trong các cuộc đàm phán về chính sách điều hành sản lượng có thể ảnh hưởng sâu rộng hơn khi lãnh đạo OPEC, Saudi Arabia và Nga đã sử dụng các cuộc đàm phán dầu mỏ để xây dựng mối quan hệ đối tác chính trị rộng lớn hơn trong vài năm qua sau khi hỗ trợ hiệu quả cho các phe đối lập trong cuộc chiến Syria. Bob McNally - người sáng lập của Tập đoàn Năng lượng Rapidan cho biết, việc Nga từ chối hỗ trợ cắt giảm nguồn cung khẩn cấp sẽ làm suy giảm nhiều đối với năng lực của OPEC+ trong việc ổn định giá dầu mỏ. "Sau đó, nó sẽ phá vỡ mối quan hệ chính trị và tài chính vừa chớm nở giữa Nga và Saudi Arabia. Kết quả sẽ là khiến thị trường dầu biến động và dẫn đến biến động địa chính trị", ông McNally nói.

AN BÌNH