Báo Công An Đà Nẵng

Nga với cuộc khủng hoảng đồng rouble

Thứ năm, 18/12/2014 09:00

(Cadn.com.vn) - Bộ Tài chính Nga ngày 17-12 tuyên bố sẽ bán ngoại tệ dự trữ để hỗ trợ đồng rouble đang bị mất giá kỷ lục.

Đồng rouble tiếp tục xuống mức thấp kỷ lục trong ngày 17-12, sau khi nước Nga trải qua “Ngày thứ 3 đen tối” khi cả chứng khoán, đồng rouble, trái phiếu và giá dầu đều lao dốc, động thái làm gia tăng nhiều mối nguy cho nền kinh tế toàn cầu.

Mối lo càng gia tăng khi Reuters dẫn lời một quan chức Ủy ban Châu Âu (EC) cho biết đang quan ngại về những diễn biến gần đây và không mong muốn chứng kiến nền kinh tế quốc gia Liên Xô cũ rơi vào khó khăn. “Chúng tôi đang lo lắng theo dõi những diễn biến kinh tế ở Nga”, quan chức trên nhấn mạnh khi phát biểu tại cuộc họp báo ở Berlin trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh Châu Âu (EU) bắt đầu từ ngày 18-12 tại Brussels, Bỉ.

Đồng rouble tiếp tục mất giá trong ngày 17-12. Ảnh: AP

Đồng rouble liên tục mất giá

Việc đồng rouble giảm đến 10% trong 2 ngày qua khiến kinh tế ở Nga ảm đạm. Các nhà đầu tư lo ngại, Moscow có thể không thể trả nợ nước ngoài - hành động sẽ gây ra thiệt hại hàng trăm tỷ cho những đối tượng cho vay nước ngoài. Khi đồng rouble không ngừng sụt giảm, giá dầu thô liên tục trượt giá, các nhà đầu tư hôm 17-12 bắt đầu tìm kiếm an toàn khi mua trái phiếu và bán cổ phiếu.

Trong tình hình này, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry “trấn an”, các biện pháp trừng phạt có thể được dỡ bỏ nhanh chóng nếu Tổng thống Nga có biện pháp giảm căng thẳng, từng bước giúp chấm dứt xung đột ở đông Ukraine. “Các biện pháp trừng phạt có thể được dỡ bỏ trong một vài tuần hay vài ngày, tùy thuộc vào lựa chọn của Tổng thống Putin”, ông Kerry nói với các phóng viên tại London. 

Mặc dù thừa nhận Nga bị tổn hại từ các lệnh trừng phạt, nhưng Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, đó không phải là vấn đề của riêng Moscow mà là của cả EU, Mỹ và các nước khác. Ngoại trưởng Nga cũng cho rằng, các biện pháp trừng phạt của phương Tây là nỗ lực ép buộc thay đổi chế độ ở Moscow.

Nga bắt đầu năm 2014 với nền kinh tế lớn thứ 8 thế giới, với GDP quốc doanh đạt 2.100 tỷ USD, theo Ngân hàng Thế giới (WB). Nhưng hiện nay, một đồng rouble trị giá ít hơn so với 2 xu tiền Mỹ, mất khoảng 50% giá trị so với đồng USD kể từ tháng 1. Điều này có nghĩa là GDP của Nga đã giảm một nửa theo đồng USD, đưa nó gần như ngang bằng với Mexico và Indonesia là nền kinh tế lớn thứ 15 trên thế giới.

Đe dọa kinh tế toàn cầu

Trong bối cảnh các nền kinh tế ở Châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ Latinh vẫn còn ốm yếu, mối đe dọa mới xuất hiện từ đồng tiền mất giá của Nga và các lệnh trừng phạt của phương Tây đang khiến nền kinh tế toàn cầu đứng trước nhiều nguy cơ.

Một số nhà phân tích lo ngại, căng thẳng sẽ tiếp tục leo thang giữa Nga với Mỹ và các đồng minh Châu Âu. Nhà Trắng lại tăng thêm áp lực vào Điện Kremlin khi Tổng thống Obama cam kết sẽ ký dự luật đã được Quốc hội thông qua, có thể vào cuối tuần này, theo đó áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Moscow.  Cùng với các biện pháp trừng phạt này, rủi ro kinh tế và địa chính trị có thể lan tỏa khắp các châu lục.

Ở Nga, hiện Thủ tướng Dmitry Medvedev và Thống đốc ngân hàng trung ương Elvira Nabiullina, đang nỗ lực hành động nhanh chóng. Thủ tướng Medvedev đã có cuộc họp với ngân hàng và quan chức chính phủ hôm 16-12 để thảo luận tình hình. Trong khi đó, Bộ Tài chính hôm 17-12 cho biết đang cân nhắc việc đồng rouble bị đánh giá cực kỳ thấp và sẽ bắt đầu bán số ngoại tệ chưa dùng đến ra thị trường.

Người Nga đang đặt kỳ vọng và niềm tin rất cao vào Điện Kremlin trong nỗ lực giải quyết bài toán đồng rouble lần này. Và đó là lý do vì sao Tổng thống Vladimir Putin một lần nữa được người Nga bình chọn là “Nhân vật của năm”, theo kết quả công bố hôm 17-12. Các nghiên cứu xã hội học của Quỹ Công luận cho biết, ông Putin dẫn đầu danh sách này kể từ năm 1999.

Vì vậy, cần có tâm lý chung là… hãy chờ đợi!

Khả Anh