Nga với thách thức trừng phạt chưa từng có
Ngay sau khi Tổng thống Vladimir Putin ngày 24-2 thông báo mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Mỹ và các nước phương Tây đã đồng loạt triển khai một loạt các biện pháp trừng phạt chưa từng có đối với Nga đúng như những gì đã cảnh báo trước đó.
Có thể nói, Mỹ và phương Tây đã kích hoạt một cuộc chiến tranh khác, chiến tranh kinh tế, với mục tiêu gây thiệt hại lớn nhất có thể cho Nga.
Phương Tây đáp trả hành động quân sự của Nga ở Ukraine bằng các lệnh trừng phạt mạnh mẽ. Ảnh: AFP
Đòn trừng phạt hàng loạt
Đòn đánh được xem là mạnh nhất là loại 7 ngân hàng thương mại lớn của Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, cũng như trừng phạt Ngân hàng trung ương Nga, phong tỏa các tài sản của ngân hàng này ở nước ngoài.
Trong danh sách trừng phạt có các ngân hàng quốc doanh lớn nhất của Nga là Ngân hàng Ngoại thương (VTB), Ngân hàng Tiết kiệm (Sberbank), Gazprombank, Rosselkhozbank, và một số ngân hàng tư nhân như Sovcombank và MKB, cũng như áp dụng với 90 công ty con của các ngân hàng này, kể cả những ngân hàng hoạt động ở nước ngoài. Các hành động này nhắm vào gần 80% tổng tài sản ngân hàng ở Nga và, theo Bộ Tài chính Mỹ, được kỳ vọng sẽ có tác động sâu sắc, lâu dài đến nền kinh tế Nga. Với các ngân hàng thương mại, VTB, sở hữu gần 20% tổng tài sản ngân hàng của Nga, là ngân hàng hứng chịu các biện pháp trừng phạt nặng nề nhất.
Ngân hàng này bị phong tỏa tài sản ở Mỹ, cấm giao dịch bằng đồng USD và cấm thực hiện bất kỳ giao dịch nào với các đối tác Mỹ. Các hạn chế này cũng áp dụng cho các công ty con mà VTB sở hữu từ 50% cổ phần trở lên. Trong khi đó, tài sản của Sberbank, ngân hàng nắm giữ 1/3 tổng tài sản tài chính ở Nga, chưa bị đóng băng. Tuy nhiên, Sberbank phải tuân theo chỉ thị Trừng phạt tài khoản phải trả và đối tượng phải trả. Điều này có nghĩa là các công ty Mỹ phải từ chối tất cả các khoản thanh toán bằng USD từ ngân hàng của Nga. Ngân hàng trung ương Nga cũng không tránh khỏi làn sóng trừng phạt.
Do phương Tây áp đặt cấm vận, Ngân hàng trung ương Nga đã hao hụt đáng kể công cụ bình ổn thị trường tiền tệ. Đây chính là những nguyên nhân khiến giá đồng USD tại Nga tăng vọt, tới gần 40% đồng thời Ngân hàng trung ương Nga cũng phải nâng lãi suất cơ bản từ 9,5% lên tới 20% nhằm ngăn chặn việc người dân đổ xô rút tiền hàng loạt. Không dừng lại trong lĩnh vực tài chính, các biện pháp trừng phạt còn được áp dụng đối với nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế Nga. Đáng chú ý trong số này là việc nhiều hãng tàu biển lớn như Maersk Line, Hapag Lloyd, MSC, Ocean Network Express... thông báo việc ngừng hoặc ý định ngừng khai thác tuyến đường với Nga. Với động thái này, hàng hóa nhập/xuất khẩu vào Nga sẽ bị nghẽn nghiêm trọng, từ đó làm đình trệ cỗ máy kinh tế.
Những cú đòn liên tiếp đánh vào chuỗi cung ứng đã khiến cho thị trường hàng hóa tiêu dùng của Nga rúng động. Có thể nói các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây là rất ngặt nghèo, nhằm hủy hoại nền kinh tế Nga, và về lâu đài nó có thể khiến cho kinh tế Nga rơi vào khốn đốn nếu không có các biện pháp hóa giải.
Nga đã xây dựng một "pháo đài tài chính" vững chắc?
Dựa trên mô hình tính toán, các chuyên gia Viện Kinh tế Thế giới ở Kiel cho rằng cuộc chiến kinh tế sẽ khiến Nga phải trả giá đắt, và càng kéo dài, Nga sẽ càng chịu nhiều thiệt hại. Theo tính toán của họ, các lệnh trừng phạt có khả năng làm suy giảm nền kinh tế Nga hàng năm tới gần 10%.
Mặc dù vậy, cũng có quan điểm cho rằng trong những năm vừa qua Nga đã nỗ lực xây dựng một "pháo đài tài chính" cho phép nước này có thể đối phó với các lệnh trừng phạt mới của phương Tây mà không tổn hại nhiều. Theo quan điểm của các nhà phân tích, trong thời gian vừa qua Nga đã tích cực tăng cường dự trữ, giảm nợ công xuống một trong những mức thấp nhất trong số các nền kinh tế lớn trên thế giới, đồng thời đạt được thặng dư ngân sách.
Bộ trưởng Tài chính Nga, ông Anton Siluanov từng cho biết kinh tế Nga có thể chịu được các lệnh trừng phạt. Ông nói thêm rằng Nga đã tạo ra một tấm đệm an toàn dưới hình thức Quỹ Tài sản Quốc gia và nó sẽ giúp bảo vệ nền kinh tế. Tờ Financial Times cũng ghi nhận quá trình phi USD hóa nền kinh tế do chính quyền Nga khởi xướng. Nga ngày càng giảm sự phụ thuộc vào đồng USD bằng cách chuyển đổi cả tiền tiết kiệm và các khoản thanh toán ngoại thương sang các đồng tiền khác, như Euro và nhân dân tệ. Theo ngân hàng ING, trong giai đoạn 2014-2019, tỷ trọng đồng USD trong các dòng chảy tài chính và thương mại của Nga đã giảm 15-20%.
Tuy nhiên, trước mắt, Nga vẫn phải áp dụng một loạt các biện pháp mạnh để ổn định thị trường tiền tệ. Ngoài việc tăng lãi suất chủ đạo lên tới 20%, Chính phủ Nga cũng yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu lớn phải bán ra 80% nguồn ngoại tệ thu được. Thêm vào đó, Nga đưa vào áp dụng thuế khi mua ngoại tệ ở mức tới 30%, đồng thời Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga cũng đã thông qua trong lần xem xét thứ nhất (mỗi dự luật cần được thông qua 3 lần) dự luật bãi bỏ áp thuế giá trị gia tăng 20% đối với người mua vàng thỏi để khuyến khích người dân tích trữ vàng thay cho ngoại tệ.
“Lỗ hổng lớn” trong các lệnh trừng phạt
Đó là lĩnh vực năng lượng.
Trong khi các nước phương Tây tăng cường các biện pháp trừng phạt Nga, hai ngân hàng chủ chốt xử lý các sản phẩm năng lượng của Nga, vốn chiếm 60% tổng lượng hàng xuất khẩu của Moscow, vẫn không nằm trong danh sách trừng phạt, như điều mà phương Tây đã làm là loại các tổ chức tài chính khác của Nga khỏi hệ thống giao dịch SWIFT toàn cầu.
Động thái này của các quốc gia phương Tây cho thấy một thực tế kinh tế khó khăn. Trong khi các nền kinh tế hàng đầu của EU phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga, Mỹ lo ngại việc đẩy giá khai thác lên và không muốn đặt các đồng minh châu Âu của mình dưới áp lực quá lớn. Bên cạnh đó, cả Brussels và Washington có thể lo ngại tác động đến nền kinh tế toàn cầu đang mong manh nếu ngăn chặn nhà cung cấp lớn thứ ba thế giới khỏi các thị trường năng lượng. Điều này có nghĩa là bất chấp các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga trên diện rộng chưa từng có, lĩnh vực để gây áp lực tài chính lớn đối với Moscow vẫn chưa được tận dụng.
Thực tế thì công cụ quan trọng nhất của Moscow để đối phó với kịch bản trên là xuất khẩu năng lượng bền vững, bao gồm cả thị trường phương Tây, trong đó có Mỹ. “Nga là nhà sản xuất dầu mỏ và chất lỏng lớn thứ ba thế giới (sau Mỹ và Saudi Arabia) vào năm 2020. Nga là nhà sản xuất khí tự nhiên lớn thứ hai năm 2020 (sau Mỹ)”, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết. Liên minh châu Âu mua khoảng 40% khí đốt từ Nga - và sự phụ thuộc đó đã tăng lên trong những năm gần đây. Đức – quốc gia có tiếng nói lớn nhất EU – là bạn hàng lớn nhất của Nga. Năm 2021, Nga thu 119 tỷ USD từ việc bán khí đốt cho EU. Số tiền này chiếm 36% thu ngân sách của Nga.
Tờ Politico lưu ý rằng Mỹ hiện vẫn tiếp tục nhập khẩu khoảng 540.000 thùng dầu của Nga mỗi ngày. Theo logic rằng nếu Mỹ ngừng nhập khẩu, Nga có thể phải bán dầu cho nơi khác. Nhưng vấn đề này không chỉ là lỗ hổng của châu Âu. Ở Mỹ, một vấn đề chính trị quan trọng là sự nhạy cảm của người tiêu dùng Mỹ với giá dầu cao.
KHẢ ANH