Báo Công An Đà Nẵng

Nga – NATO khó “xích lại gần nhau”

Thứ sáu, 17/06/2016 09:07

(Cadn.com.vn) - Mối quan hệ Nga-NATO trong thời gian qua luôn ở trong trạng thái “căng như dây đàn” và có thể đứt bất kỳ lúc nào.

NATO sẽ ra quyết định cuối cùng về việc triển khai 4 tiểu đoàn đa quốc gia
đến các nước Đông Âu, động thái khiến Nga tức giận. Ảnh: AFP

Trong động thái cho thấy Nga và NATO dường như khó có thể hóa giải bất đồng, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 16-6 chỉ trích cái mà ông cho rằng, “Nga đang mở rộng tầm ảnh hưởng ở Châu Âu, từ Bắc Cực đến Địa Trung Hải”.

 “Nga đang nỗ lực dùng các phương tiện quân sự để mở rộng tầm ảnh hưởng”, AFP dẫn lời ông Stoltenberg nhấn mạnh. Theo ông, NATO đang theo dõi sát sao các cuộc tập trận lớn và quy mô của phía Nga cũng như các hoạt động vũ trang mạnh mẽ ở khu vực biên giới nước này, từ vùng Bắc Cực, Baltic, biển Đen đến Địa Trung Hải. “Chúng tôi đang quan sát các hoạt động quân sự lớn ở biên giới của NATO - ở Bắc Cực, Baltic, từ biển Đen cho đến Địa Trung Hải”, nhà lãnh đạo liên minh quân sự này nhấn mạnh đồng thời khẳng định, đây là lý do khiến NATO phải có phản ứng.

Mối quan hệ NATO-Nga vốn luôn căng thẳng trong suốt thời gian qua, nhất là sau sự việc Mỹ tiếp tục đặt thêm các hệ thống lá chắn tên lửa ở các nước Đông Âu, ngay trước cửa nhà của Moscow. Mới đây nhất, trong động thái tiếp tục chọc giận Nga, NATO hôm 15-6 quyết định gia cố các tuyến phòng thủ từ khu vực biển Baltic đến biển Đen. Nói về việc này, Tổng Thư ký Stoltenberg khẳng định, đây là thông điệp rõ ràng mà NATO muốn gửi đến Nga rằng, “nếu bất cứ đồng minh nào bị tấn công, toàn bộ liên minh sẽ đáp trả”.

Chỉ trước đó vài ngày, liên minh quân sự cũng quyết định triển khai 4 tiểu đoàn đa quốc gia đến các nước Đông Âu gồm Ba Lan, Estonia, Latvia và Lithuania nhằm tăng cường khả năng phòng thủ trước Nga. Theo kế hoạch, tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO diễn ra ở thủ đô Warsaw của Ba Lan, dự kiến diễn ra vào ngày 8-7 tới, NATO sẽ thông qua vấn đề này. Theo giới chuyên gia, 4 tiểu đoàn này, bao gồm 1.000 quân mỗi tiểu đoàn, đánh dấu hoạt động đồn trú quân sự lớn nhất của NATO kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Estonia, Latvia, Litva và Ba Lan lâu nay vẫn đề nghị NATO đưa các tiểu đoàn quân sự đến những nước này vì cho rằng, an ninh khu vực này đang bị đe dọa kể từ sau cuộc khủng hoảng Ukraine cũng như sự kiện bán đảo Crimea sáp nhập về với Nga. Việc NATO quyết định triển khai số lượng quân lớn như thế này cũng không nằm ngoài mục đích cảnh báo Nga rằng, bất kỳ hành động leo thang nào của Moscow cũng đều có nguy cơ dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự với liên minh này.

Khi nói về quyết định này, Tổng Thư ký NATO cũng cho biết, đây là phản ứng phù hợp với những hành động khiêu khích của Nga. “Moscow đang cố gắng xây dựng một khu vực ảnh hưởng thông qua các phương tiện quân sự... Vì vậy chúng ta phải hành động”, ông Stoltenberg nhấn mạnh, biện minh cho quyết định triển khai 4 tiểu đoàn đến Đông Âu gây mâu thuẫn này.

Moscow phản ứng gay gắt trước quyết định được đánh giá là khá khiêu khích này của NATO. Moscow cũng phản ứng tức giận trước thông tin tàu khu trục Hải quân Mỹ USS Porter – tàu gần đây được trang bị hệ thống tên lửa mới - đi vào biển Đen trong đợt triển khai thông thường. Một quan chức cấp cao của Nga cảnh báo, NATO không nên thiết lập lực lượng hải quân trên biển Đen, vì việc này sẽ hủy hoại an ninh khu vực cũng như mối quan hệ vốn rất mong manh giữa Moscow và NATO. Theo Công ước Montreux, các quốc gia không thuộc vùng biển Đen không được phép để tàu chiến lưu lại đây quá 21 ngày. Trong số các thành viên NATO, chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ, Romania và Bulgaria là những quốc gia có bờ biển Đen.

Rõ ràng, trong bối cảnh Moscow đang căng thẳng với NATO liên quan đến hàng loạt vấn đề, những động thái được đánh giá là khiêu khích gần đây của liên minh quân sự này được cho là có thể sẽ hoàn toàn “giết chết” mối quan hệ giữa hai bên.

Khả Anh