Báo Công An Đà Nẵng

Ngăn chặn dòng chảy ma túy vào Đà Nẵng (Kỳ cuối: Siết chặt "đầu ra")

Thứ tư, 28/08/2019 17:10

Song song với sự phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, quá trình đô thị hóa nhanh đã làm cho diện mạo thành phố Đà Nẵng không ngừng thay đổi. Chính nhờ kinh tế tăng trưởng khá đã thúc đẩy đời sống nhân dân cải thiện đáng kể, thành phố trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách và thu hút nhiều lao động từ các nơi đến mưu sinh. Đây chính là lợi thế, nhưng đồng thời cũng là nhân tố dễ làm nảy sinh các vấn đề xã hội phức tạp. Bên cạnh tội phạm thì tệ nạn ma túy cũng phát sinh nhiều vấn đề, nhất là việc kiểm soát người nghiện, người sử dụng ma túy...

Các hội, đoàn thể gặp gỡ thân nhân người nghiện, người sử dụng ma túy bàn giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ con em họ thoát khỏi ma túy. 

Quản lý chặt chẽ người nghiện, sử dụng ma túy

Nhằm phục vụ đắc lực cho yêu cầu kiểm soát chặt chẽ nguồn cầu về ma túy, nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình mục tiêu không có người nghiện ma túy không được kiểm soát trong cộng đồng trên địa bàn thành phố, thời gian qua, CA các đơn vị, địa phương đã thực hiện nghiêm túc kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn của Giám đốc CATP. Trong đó chú trọng tập trung rà soát, thống kê, lập hồ sơ, nhập số liệu, thông tin vào phần mềm quản lý người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy. Việc thực hiện nghiêm túc và hiệu quả kế hoạch này đã bước đầu giúp cho CA các đơn vị, địa phương có sự đánh giá đúng tình hình, nhất là đối với cấp cơ sở, đồng thời cũng nhận thấy được những tồn tại, thiếu sót trong công tác quản lý, từ đó có phương hướng khắc phục.

Bên cạnh đó, trong những năm qua, với quyết tâm của lãnh đạo thành phố, sự nỗ lực, phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành trong việc lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện ma túy, việc quan tâm giải quyết các vấn đề xã hội cho người sau cai nghiện..., công tác tổ chức cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện cũng đạt được những kết quả đáng kể. Theo Sở LĐ-TB-XH, thực hiện Chỉ thị 37 của Thành ủy, Sở đã phối hợp với các ngành, địa phương tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp từ tuyên truyền, giáo dục, phòng ngừa tệ nạn ma túy đến tổ chức cảm hóa, giáo dục thanh thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy; đẩy mạnh công tác cai nghiện tại gia đình - cộng đồng, lập hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đảm bảo thủ tục, quy trình; coi trọng công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người sau cai nghiện tại cộng đồng...

Theo ông Trần Công Nguyên - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, Sở đã phối hợp với các ngành chức năng tham mưu HĐND thành phố ban hành 2 Nghị quyết; UBND thành phố ban hành 11 Quyết định và 9 kế hoạch về công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện và công tác cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ thanh thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy. Đồng thời ban hành nhiều công văn chỉ đạo nhằm tạo hành lang pháp lý để các đơn vị, địa phương phối hợp lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện cũng như công tác quản lý, giúp đỡ người cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng, người sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú. 

Liên quan đến công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, ông Nguyên cho biết, hiện đã có 56/56 xã, phường thành lập Tổ công tác cai nghiện ma túy. Việc lập hồ sơ, tổ chức điều trị, cắt cơn, giải độc được tiến hành theo quy trình, có sự phân công theo dõi, kèm cặp, kiểm danh, kiểm diện, đánh giá định kỳ; kịp thời tìm hiểu hoàn cảnh của từng trường hợp để có giải pháp hỗ trợ vốn, giới thiệu tạo việc làm, nhằm giúp họ hoàn thành tốt chương trình cai nghiện. Qua 5 năm, các địa phương đã lập hồ sơ đưa vào cai nghiện tại gia đình, cộng đồng được 744 trường hợp; trong đó, có 573 người tiến bộ được chứng nhận hoàn thành thời gian cai nghiện, chưa tái nghiện chiếm tỷ lệ 77%; hiện nay có 35 người đang cai nghiện.

Về công tác tổ chức cai nghiện tập trung tại cơ sở xã hội Bầu Bàng, theo ông Nguyên, đang được tiến hành đồng bộ và chặt chẽ. Cơ sở đã phối hợp với các cơ sở đào tạo dạy nghề cho 250 học viên, xóa mù và phổ cập tiểu học cho 52 học viên, dạy bổ túc văn hóa cho 43 học viên.

Hàng chục thanh thiếu niên tụ tập, sử dụng ma túy tại các quán bar, vũ trường bị phát hiện, xử lý.

Tăng cường quản lý sau cai

Song song với việc tập trung cho công tác cai nghiện, công tác quản lý và giải quyết các vấn đề xã hội sau cai cũng được cấp ủy, chính quyền các cấp tại Đà Nẵng quan tâm giải quyết. Cụ thể, sau khi hoàn thành thời gian cai nghiện tập trung, học viên được địa phương phối hợp với gia đình đón về cộng đồng; được chính quyền, đoàn thể quan tâm, chăm lo giúp đỡ cả về tinh thần lẫn vật chất. Trong thời gian quản lý sau cai nghiện, các ban, ngành, đoàn, thể các cấp đã tổ chức nhiều hoạt động, chương trình như gặp mặt, đối thoại, thăm hỏi, động viên, giao lưu văn hóa, thể thao.... Qua đó, nắm bắt tình hình cuộc sống, tâm tư, nguyện vọng của đối tượng nhằm đề xuất hỗ trợ khó khăn đột xuất; hỗ trợ học nghề, giới thiệu tìm việc làm, hỗ trợ sinh kế và vay vốn ưu đãi giải quyết việc làm. Đến nay thành phố đã hỗ trợ động viên 250 người cai nghiện ma túy thành công sau 5 năm không tái nghiện với mức hỗ trợ 10 triệu đồng/người (trong đó có 148 người nhận kinh phí hỗ trợ với mức 2 triệu đồng/người).

Bên cạnh những giải pháp nêu trên, thì tại Đà Nẵng, thời gian qua cũng đã xuất hiện nhiều mô hình dự phòng nghiện ma túy phát huy hiệu quả tích cực. Điển hình như mô hình hỗ trợ, giúp đỡ thanh thiếu niên mới sử dụng trái phép chất ma túy do Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Thành đoàn trực tiếp theo dõi, kèm cặp, giúp đỡ. Ngoài ra mô hình Câu lạc bộ "Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy" do Chi cục phòng, chống TNXH (Sở LĐ-TB-XH) triển khai 3 năm qua tại 6 phường trên địa bàn thành phố cũng phát huy hiệu quả. Mô hình đã thu hút 224 hội viên tham gia. Bên cạnh việc giúp đỡ bằng các hình thức như hỗ trợ học nghề, học văn hóa, động viên trở lại lớp học..., các học viên còn được quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn ưu đãi; hỗ trợ khó khăn đột xuất, giới thiệu việc làm... Qua sinh hoạt đã tổ chức đánh giá xếp loại định kỳ với kết quả đến nay có 176 em tiến bộ (tỷ lệ gần 79%), trong đó có nhiều em trở thành "cánh tay nối dài" tuyên truyền về phòng chống ma túy tại cơ sở...

Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 37 và Quy chế phối hợp lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện ma túy trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, hầu hết những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong công tác cai nghiện và quản lý sau cai đã được UBND thành phố chỉ đạo, các ngành hướng dẫn kịp thời. Việc triển khai thí điểm mô hình cảm hóa, giáo dục và dự phòng nghiện đã mang lại những kết quả khả quan; công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng mặc dù mới triển khai nhưng đã có kết quả đáng khích lệ; công tác quản lý sau cai nghiện được duy trì tốt đã giúp cho nhiều người sau cai ổn định cuộc sống hòa nhập cộng đồng. "Có thể nói, công tác cai nghiện thời gian qua đã góp phần hạn chế số người sử dụng, nghiện ma túy và làm cho tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố được đảm bảo", ông Nguyên khẳng định.

D.N.H