Báo Công An Đà Nẵng

Ngăn chặn nuôi cá lồng bè tự phát ở Khu kinh tế Dung Quất

Thứ hai, 22/04/2019 11:00

Trước tình trạng việc nuôi hải sản tự phát vẫn diễn ra, dẫn đến hiện tượng cá chết bất ngờ với số lượng lớn, gây thiệt hại cho người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của tàu thuyền, xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng Dung Quất… tỉnh Quảng Ngãi quyết liệt thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn nuôi cá lồng bè tự phát.

Các lồng bè nuôi tự phát ở vùng biển Khu kinh tế Dung Quất.

Trên sông Trà Bồng và trên biển thuộc Khu kinh tế Dung Quất thời gian qua có hơn 2.000 lồng bè nuôi hải sản tự phát. Các hộ nuôi trên sông đều là những hộ nuôi mới phát sinh, chính quyền địa phương mặc dù đã có khuyến cáo, yêu cầu không nuôi cá lồng bè trên sông, nhưng các hộ nuôi vẫn cố tình thả nuôi dẫn đến tình trạng hải sản chết hàng loạt. Ông Nguyễn Thanh Vũ- Chủ tịch UBND xã Bình Đông (H. Bình Sơn) cho biết, việc nuôi hải sản tự phát vẫn diễn ra, dẫn đến tình trạng cá chết bất ngờ với số lượng lớn, gây thiệt hại cho người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của tàu thuyền, xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng Dung Quất. "Trên địa bàn xã Bình Đông không cho phép nuôi cá lồng bè bởi những khu vực này không có quy hoạch nghề nuôi cá. Tuy nhiên do người dân nuôi gần 10 năm nay nên cơ quan chức năng cần có hướng giải quyết hỗ trợ, việc làm, an sinh để các hộ dân này chuyển đổi nghề nghiệp", ông Nguyễn Thanh Vũ chia sẻ.

Ông Trần Văn Kháng- Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Thạnh (H. Bình Sơn) cho biết, cuối năm 2018, hơn 100 tấn cá bớp của 38 hộ ngư dân nuôi hơn 3 tháng, trọng lượng từ 2 đến 3 kg/con bị chết đột ngột. Người dân bức xúc mang cá lên đường chặn ô-tô xuống cảng, khiến việc lưu thông ách tắc. Chỉ đến khi cán bộ xã, huyện đến giải thích rõ ràng, người dân mới nhận thấy lỗi hoàn toàn thuộc về mình và tự nguyện mang cá chết đi chôn lấp.

Theo ông Lê Hàn Phong- Phó trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất, từ năm 2014 đến nay, việc nuôi hải sản tại khu vực cửa sông Trà Bồng, sát cảng biển của nhiều nhà máy sản xuất công nghiệp nặng như Đóng tàu Dung Quất, Thép Hòa Phát, Dossan, Dăm gỗ Hào Hưng, Lọc dầu Bình Sơn… thuộc Khu kinh tế Dung Quất bùng phát mạnh. Tỉnh Quảng Ngãi cũng đang đẩy mạnh thu hút đầu tư vào Khu kinh tế (KKT) Dung Quất, cho nên việc xây dựng, tần suất tàu ra vào ngày càng nhiều. 

Hiện cảng Dung Quất có 9 cảng tổng hợp, cảng chuyên dùng, có thể tiếp nhận tàu hàng trọng tải 150 nghìn tấn. Mỗi năm, khu vực cảng biển nước sâu Dung Quất có hàng chục nghìn lượt tàu ra vào, xuất nhập khẩu hàng hóa như dầu thô, quặng, thiết bị công nghiệp nặng, sắt thép, dăm gỗ… Không chỉ vậy, khu vực cảng Dung Quất có 12 cầu cảng mới của các doanh nghiệp, nhà đầu tư đang được xây mới, mở rộng, nâng công suất… Công tác xây dựng công trình cảng và phụ trợ, nạo vét luồng lạch, vũng quay tàu… liên tục diễn ra. Trong khi đó vùng cảng biển Dung Quất hoàn toàn không phải là vùng quy hoạch nuôi trồng hải sản. Vì vậy, tình trạng nuôi trồng tự phát của người dân ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng. Để giảm thiệt hại cho cả người dân và doanh nghiệp, địa phương cần sớm vận động, giải thích, thậm chí có biện pháp cưỡng chế để chấm dứt việc nuôi hải sản tự phát tại vùng cảng biển Dung Quất.

Chính quyền địa phương thực hiện hỗ trợ kinh phí chuyển đổi nghề nghiệp và hỗ trợ khắc phục khó khăn cho các hộ nuôi trồng hải sản trong vùng nước cảng biển. Tỉnh Quảng Ngãi đang hỗ trợ 86 hộ nuôi cá lồng bè tại khu vực biển Dung Quất khoảng 8 tỷ đồng để thực hiện tháo dỡ lồng bè tự phát ở khu vực biển. Đồng thời, UBND H. Bình Sơn yêu cầu 3 xã có hộ dân nuôi cá lồng bè tự phát hoàn thành tháo dỡ trước ngày 30-4, nếu không thực hiện sẽ có biện pháp cưỡng chế, xử lý theo quy định.

T. Sự