Báo Công An Đà Nẵng

Ngân hàng 2014: Đường đua mới

Thứ tư, 01/01/2014 10:14

(Cadn.com.vn) - Tín dụng tăng trưởng chậm khiến cho các ngân hàng thương mại (NHTM) lo lắng, âm thầm bước vào cuộc đua mới trên thị trường bán lẻ. Dường như họ bắt đầu tập trung nguồn lực, tìm kiếm thêm lợi nhuận nhằm bù đắp “lỗ hổng” nợ xấu đã xử lý rủi ro trong năm qua. Đường đua năm 2014 mở ra khá quyết liệt với những khúc quanh hiểm trở, hứa hẹn nhiều bất ngờ với sự tham gia của nhiều “tuyển thủ” ngoại.

Năm 2014, cuộc chạy đua thị phần giữa các NH sẽ cực kỳ gay cấn.

Bỏ sỉ theo lẻ

Bán lẻ được đánh giá là xu hướng tất yếu của nền kinh tế. Mặc dù mới phát triển ở giai đoạn đầu nhưng nó đã và đang góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Các chuyên gia tính toán, trung bình mỗi năm, các nhà bán lẻ đóng góp vào khoảng 14% GDP của cả nước. Dự đoán, mức đóng góp của thị trường bán lẻ vào GDP sẽ tăng lên mức 23% trong năm 2014. Điều này cho thấy, thị trường NH bán lẻ của Việt Nam sẽ trở thành “miếng bánh” hấp dẫn khi nhu cầu của khách hàng cá nhân ngày càng cao.

Tại sao các NH có xu hướng bỏ sỉ theo lẻ? Thứ nhất, khi nền kinh tế ổn định, tăng trưởng mạnh, các NH tập trung bán buôn vì nó đem lại lợi nhuận cao. Thế nhưng, khi suy giảm, hàng loạt các tập đoàn, DN, nhà máy thua lỗ, mất khả năng thanh toán nên những khoản cho vay đầu tư trước đây bắt đầu chuyển sang nợ xấu. Do vậy, để hạn chế rủi ro, cân đối tài chính, các NH buộc phải ráo riết chuyển hướng đầu tư, tìm kiếm lợi nhuận ở thị trường bán lẻ.

Thứ hai, dân số Việt Nam đã đạt tới 90 triệu người. Số người tiếp cận các dịch vụ NH đến nay ở mức 30%, dự báo còn rất lớn. Bên cạnh đó, khả năng tiếp nhận thông tin của thế hệ trẻ nhanh, số người sử dụng mobile, internet... ngày càng nhiều. Chính vì vậy, thị trường bán lẻ tại Việt Nam sẽ phát triển mạnh, các dịch vụ NH mới sẽ thay thế dần các sản phẩm truyền thống. Năm 2013, thị trường thẻ đạt gần 60 triệu thẻ (2/3 dân số), mạng lưới thanh toán rộng khắp với hơn 16.000 máy ATM, hàng trăm nghìn đơn vị chấp nhận thanh toán trực tuyến cùng với sự “bùng nổ” của  mobile banking và internet banking. Việt Nam hiện có 33 triệu người sử dụng thương mại điện tử, trong đó hơn 70% thực hiện giao dịch được chuyển khoản qua hệ thống NH.

 

Cuộc đua giành thị phần

Ông Timothy James Charlton (Tổng Biên tập Tạp chí Asian Banking and Finance) phân tích, thị trường NH bán lẻ tại Việt Nam đang trở nên cạnh tranh với các cuộc chạy đua ráo riết về công nghệ, mạng lưới và tiện ích dịch vụ. Với “cuộc chiến” này, 5 năm tới, thị trường NH sẽ chứng kiến mức tăng đột biến về tỷ lệ người dân được tiếp cận các dịch vụ NH hiện đại. “Kho vàng” lớn đã khiến cho các NHTM âm thầm đưa vào tầm ngắm, đặc biệt là khối cổ phần và nước ngoài. Họ bắt đầu chuyển hướng đầu tư, tập trung khai thác triệt để miền đất hứa này.

Nhờ có mạng lưới rộng khắp, kênh phân phối dày đặc, các NH nội đang có lợi thế tại sân nhà, chiếm tới 90% thị phần bán lẻ. Tuy nhiên, vùng đất màu mỡ này đang có nguy cơ bị lấn chiếm từ các NH nước ngoài như ANZ, HSBC, Standard Chartered, HSBC, Shinhan Vina... Trước nguy cơ sống còn đó, một số NHTMCP bắt đầu cố gắng tạo dựng dấu ấn riêng nhằm giành lấy thị phần. Cho vay tiêu dùng cá nhân được xem là “trận địa” đầu tiên để các NH “so găng” với nhau. Nhiều NH nội buộc phải hạ lãi suất cho vay đối tượng này xuống 10-11%/năm khiến chênh lệch lãi suất thực hưởng (sau khi trừ chi phí) chỉ còn lại 1-2%.

Không thua kém, các NH ngoại tiếp tục khuyến mãi thông qua nghiệp vụ phát hành thẻ tín dụng. HSBC đã liên kết 50 cửa hàng đối tác để triển khai Chương trình ưu đãi mua sắm trả góp, cho phép khách mua hàng, trả dần trong vòng 12 tháng với lãi suất 0%. Chương trình “Thỏa ước mơ Tết với vay tiêu dùng ANZ” được áp dụng với mức lãi suất 1,38%/tháng đã cho thấy NH này không từ bỏ một cơ hội nào trên “đường đua”. Hạn mức vay tại ANZ có thể lên đến 500 triệu đồng, kỳ hạn vay linh hoạt tối đa 60 tháng. Không kém, Standard Chartered Việt Nam quảng bá, hiện NH cho phép khách hàng đăng ký vay tiêu dùng trực tuyến, đảm bảo gửi kết quả xét duyệt hồ sơ trong vòng 24 giờ, giá trị khoản vay lên tới 500 triệu đồng.

“Ngôi vương” thuộc về ai?

Tại diễn đàn NH Đông Nam Á 2013 tổ chức mới đây, các chuyên gia kinh tế và lãnh đạo những tổ chức tín dụng (TCTD) cho biết, NH bán lẻ tại Việt Nam là thị trường bền vững. Ông Godfrey Swain (Giám đốc Khối KH bán lẻ và quản lý tài sản, HSBC tại Việt Nam) cho rằng, trong bối cảnh dân số và thu nhập của người dân ngày càng tăng, thị trường bán lẻ tại Việt Nam đã mở ra nhiều cơ hội cho các NH. Do vậy, các NH đang tìm cách cải tiến, nâng cao chất lượng, tạo điều kiện cho khách hàng được hưởng các giá trị gia tăng nhiều nhất.

Chặng đua đầu tiên đã cho thấy vài “bứt phá” của một số NH, điển hình là Techcombank đã nhận giải thưởng “NH bán lẻ tiêu biểu” năm 2013 do Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDG) tổ chức trong khuôn khổ ASEAN Banker Forum 2013; OceanBank đoạt được giải thưởng “NH bán lẻ tốt nhất Việt Nam 2013” do tạp chí Global Banking & Finance Review bình chọn; VPBank đoạt giải “NH bán lẻ sáng tạo nhất Việt Nam 2013”; SHB là “NH bán lẻ tăng trưởng nhất Việt Nam 2013”.

Không thua kém, khối NH nước ngoài cũng giành được nhiều giải. NH ANZ Việt Nam đoạt được giải thưởng “NH bán lẻ tốt nhất Việt Nam” trong hạng mục giải thưởng dành cho các Dịch vụ tài chính bán lẻ quốc tế xuất sắc năm 2013 của tạp chí Asian Banker, đồng thời đoạt luôn giải thưởng “Dẫn đầu về kích hoạt thẻ”. Trong đợt vinh danh này, Standard Chartered nhận giải thưởng “NH bán lẻ trực tuyến tốt nhất Việt Nam”, năm thứ hai liên tiếp từ Global Finance.

Câu chuyện đi tìm “vương miện” của thị trường bán lẻ trong hệ thống NH thời gian tới được dự báo đầy kịch tính, nhất là cuộc đua xây dựng mô hình “NH bán lẻ hoàn hảo” đang bước vào giai đoạn cạnh tranh khốc liệt. Ai sẽ đoạt ngôi vương trong năm 2014? Phải chờ, nhưng vấn đề cốt lõi, đường đua mới này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự thành công của Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015” đã được Chính phủ phê duyệt.

Văn Khoa