Báo Công An Đà Nẵng

Ngân hàng - “đích ngắm” của tội phạm

Thứ bảy, 19/10/2013 10:26

(Cadn.com.vn) - Làm giả CMND, giấy tờ có giá, sao chép dữ liệu và móc nối với cán bộ ngân hàng (NH) là những thủ đoạn của bọn tội phạm trong hoạt động kinh doanh tiền tệ. Lợi dụng những khó khăn kinh tế nhất thời, tội phạm trong nước câu kết với nhau, kể cả với tội phạm nước ngoài đã thực hiện những hành vi phạm tội gây tổn thất tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Những thủ đoạn táo bạo

Ngày 15-8-2013, một nhóm 3 người đến một chi nhánh NHTMCP trên địa bàn tỉnh Bắc Giang làm thủ tục rút 72 tỷ đồng. Nghi ngờ sổ tiết kiệm (STK) giả, NH lập biên bản tạm giữ để làm rõ, hẹn hôm sau đến giải quyết. Sau đó, NH này đã khẩn trương xác minh nơi phát hành STK. Họ nhận được thông tin, đây chính là STK do Hội sở của NH này phát hành với số tiền gửi chỉ 1 triệu đồng nhưng đã tất toán trước đó 1 ngày (14-8). Đến 15 giờ ngày 16-8, đúng hẹn, 3 vị khách hôm trước đến đề nghị rút tiền. Nhận thấy vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, NH báo cáo với cơ quan CA. Ngay lập tức, CA tỉnh Bắc Giang đã tạm giữ các đối tượng để làm rõ.

Bằng một thủ đoạn táo bạo hơn, nhóm tội phạm khác đã tiến hành lừa đảo qua nghiệp vụ mua bán ngoại tệ. Cuối tháng 8-2013, một nhóm khách hàng (2 nam, 1 nữ) vào khu vực giao dịch của một NH. Một người xưng tên là Trần Trung Khiêm, tự giới thiệu là người quen của lãnh đạo Hội sở (cấp trên) đề nghị gặp vị giám đốc NH này. Qua trao đổi, lãnh đạo NH phát hiện nhiều dấu hiệu bất thường, bí mật chỉ đạo các bộ phận giao dịch hết sức cảnh giác, kiểm tra cẩn thận lượng ngoại tệ mang vào NH. Sau khi nhận 2 tệp tiền 100USD từ khách hàng để kiểm đếm, nhân viên thu ngân phát hiện có dấu hiệu giả mạo. Khi dùng máy soi tiền, thủ quỹ phát hiện lượng ngoại tệ là tiền giả và báo cáo ngay với lãnh đạo cùng các cơ quan chức năng.

Cùng thời điểm, thanh tra NHNN và bộ phận giao dịch phối hợp với CA lập biên bản tạm giữ 3 đối tượng nêu trên, thu giữ 187 tờ USD. Cơ quan CSĐTTPVTTQLKT&CV đã khởi tố, tiến hành điều tra mở rộng vụ án.

3 đối tượng người nước ngoài dùng thẻ ATM giả rút tiền bị bắt giữ.

Bút “phù thủy”

Ngoài các thủ đoạn trực tiếp nêu trên, các nhóm tội phạm còn sử dụng bút “phù thủy” để sửa chữa các hồ sơ tín dụng, giấy nhận nợ và tẩy xóa STK. Bút “phù thủy” có nhiều loại, dùng vào nhiều mục đích khác nhau. Đáng lo ngại nhất là lô bút bi hiệu Firixon Ball 3 có thể tẩy xóa được sau khi viết. Đây là loại bút gồm 3 ruột mực khác nhau (đỏ, đen và xanh), kích thước ngòi bút khoảng 0,5mm. Cơ quan quản lý cho biết, về cảm quan, hình thức và màu mực của loại bút này không khác gì so với bút bình thường. Tuy nhiên, sau khi viết trên giấy, chỉ cần dùng nhiệt hơ hoặc đầu bút cọ xóa, toàn bộ nội dung trên giấy sẽ biến mất.

Thời gian gần đây, trong giới học sinh, sinh viên rộ lên phong trào sử dụng loại bút “phù thủy” (loại mực phát quang lfluorecein) với mục đích quay cóp bài vở. Thế nhưng, đối với giới NH, sự nguy hại từ loại bút này là công năng có thể xóa đi rồi viết lại từ đầu. Bởi thế, khi phát hiện một số hồ sơ tự mất chữ ký, một NH đã khuyến cáo tất cả đơn vị trực thuộc sử dụng bút của mình khi giao dịch với khách hàng để tránh rủi ro xảy ra. Nhiều người còn lo ngại, loại bút “phù thủy” này sẽ bị kẻ xấu sử dụng để quỵt nợ khi ký kết hợp đồng mua bán, kinh doanh.

Viện Khoa học Hình sự cho biết, sau khi giám định một số loại bút “phù thủy” tự mất màu có nguồn gốc từ Trung Quốc, họ khẳng định, chúng có thể bị sử dụng vào những mục đích xấu trong giao dịch, mua bán... Do vậy, nếu phát hiện, người dân nên báo cáo với các cơ quan chức năng để ngăn chặn kịp thời. Khi cần, nạn nhân có thể đến nhờ các Phòng KTHS của cơ quan CA để nhờ khôi phục lại những chữ đã bị phai mất.

Biện pháp phòng chống

Thủ đoạn của tội phạm trong ngành NH ngày càng tinh vi, biến hóa khôn lường. Để giảm thiểu rủi ro, các cơ quan thanh tra, giám sát đã lên tiếng cảnh báo nhằm phát hiện và ngăn chặn những hoạt động lừa đảo, rình rập thường xuyên tại NH và các điểm giao dịch liên quan. Thời gian gần đây, với sự phối hợp chặt với cơ quan CA, các NH ngày càng tỏ ra thận trọng trong công tác cho vay, huy động vốn và kinh doanh ngoại hối cũng như các dịch vụ liên quan.

Hội thảo phòng chống tội phạm trong lĩnh vực NH được Hiệp hội NH Việt Nam tổ chức.

Một vấn đề đáng quan tâm hiện nay, với tư cách là “động mạch” chính của nền kinh tế, các NH phải rà soát, kiểm tra thường xuyên các đơn vị chấp nhận thẻ (máy POS để quẹt thẻ khi thanh toán) để phối hợp chặt chẽ hơn trong quá trình vận hành. Để làm được điều này, các NH phải mở lớp tập huấn chuyên môn, hướng dẫn sử dụng, cập nhật các phần mềm tiên tiến, đồng thời trang bị các kiến thức phòng, chống tội phạm trong việc thanh toán thẻ. Về bút “phù thủy”, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến cho người dân cách nhận biết loại bút nguy hiểm, không để tội phạm lợi dụng thực hiện các hành vi phạm pháp. Để phòng ngừa hiệu quả, các “nhà băng” phải hướng dẫn khách hàng sử dụng bút của NH để ký các giao dịch phát sinh với NH.

Khi thẻ ATM ngày càng trở nên phổ biến, NH là người chịu trách nhiệm về những sai sót trong nghiệp vụ của mình khi để xảy ra tổn thất về tài sản. Do vậy, để ngăn chặn các giao dịch đáng ngờ, các “nhà băng” phải kịp thời phát hiện các thiết bị lạ (để ăn cắp thông tin của khách hàng) gắn trên máy ATM. Để ngăn ngừa loại tội phạm này, NHNN đã chỉ đạo các NH đồng loạt trang bị hệ thống thiết bị phòng chống (Anti-Skimming) tại máy ATM để ngăn chặn kẻ gian lắp đặt trái phép các thiết bị sao chép thông tin chủ thẻ. Với thiết bị này, tội phạm sẽ không lắp được thêm các thiết bị gắn trên đầu đọc thẻ tại máy ATM, nếu có lắp được chip đọc trộm, khách hàng cũng không thể đưa thẻ vào máy để giao dịch. Chủ thẻ có thể dễ dàng nhận biết được máy ATM có gắn Anti-Skimming bằng dấu hiệu khi đưa thẻ vào giao dịch, họ nhận thấy thẻ bị rung, giật.

Nền kinh tế đang cần một thời gian dài mới thoát khỏi suy giảm. Càng khó khăn, các nhóm tội phạm càng manh động và táo bạo, đặc biệt là trong lĩnh vực NH và các ngành liên quan. Hơn bao giờ hết, NH cùng với các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ, thông báo cho người dân trên các phương tiện thông tin đại chúng về các thủ đoạn của bọn tội phạm lừa đảo trong và ngoài nước để có những biện pháp hữu hiệu ngăn chặn.

Văn Khoa