Báo Công An Đà Nẵng

Ngân hàng khuyến cáo đảm bảo an toàn khi sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt

Thứ bảy, 24/06/2023 08:10
Người dân cần cảnh giác với tội phạm lừa đảo trên không gian mạng khi sử dụng dịch vụ TTKDTM.

Đa dạng, tinh vi các hình thức lừa đảo

Ông Võ Minh – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP Đà Nẵng cho biết, thời gian qua, một số đói tượng xấu đã lợi dụng kẽ hở của công nghệ thanh toán, công nghệ mạng và sự thiếu cảnh giác của người dân để lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong tài khoản bằng nhiều hình thức tinh vi.

Theo ông Minh, hình thức phổ biến nhất là các đối tượng xấu lừa khách hàng tự chuyển tiền bằng nhiều cách, như giả mạo cơ quan điều tra thông báo liên quan đến một vụ án bất kỳ và yêu câu khách hàng chuyển tiền để phục vụ điều tra; lừa tải ứng dụng gián điệp có biểu tượng của ngành Công an về điện thoại để có thể điều khiển điện thoại khách hàng từ xa và chiếm đoạt tiền trong tài khoản; giả mạo thông báo trúng thưởng từ ngân hàng hoặc các cty lớn và yêu cầu cung cấp mã OTP của khách hàng; giả mạo người thân, bạn bè nhờ chuyền tiền hộ, mua giúp thẻ điện thoại… Tinh vi hơn, các đối tượng còn cố ý chuyển nhầm tiền vào tài khoản của khách hàng, gọi điện lừa khách hàng chuyển trả lại vào một tài khoản khác. Khi đã xong bước này, sẽ có một đối tượng tự xưng là chủ tài khoản đã chuyển tiền nhầm trước đó gọi điện đến đòi lại tiền, đe dọa báo công an, cơ quan chức năng nếu không trả lại tiền.

“Chiêu thức” tiếp theo là đánh cắp thông tin bảo mật từ khách hàng. Bằng nhiều cách khác nhau, kẻ xấu thu thập các thông tin cá nhân của khách hàng để lừa đảo, chiếm đoạt tiền từ tài khoản ngân hàng hoặc sử dụng thông tin của khách hàng để mở và sử dụng tài khoản nhằm thực hiện các hành vỉ vi phạm pháp luật thông qua nhiều phương thức. Phổ biến nhất là giả mạo cán bộ ngân hàng, yêu cầu cung cấp mật khẩu, mã PIN, thông tin thẻ hoặc truy cập vào đường dẫn để xử lý sự cố liên quan đến các dịch vụ ngân hàng điện tử hoặc thẻ. Thông qua môi trường mạng, các đối tượng còn gửi email, tin nhắn có chứa đường dẫn truy cập vào webiste của dịch vụ chuyền tiền, nhận tiền từ nước ngoài, nhập thông tin đăng nhập tài khoản ngân hàng trực tuyến (Internet Banking), hoặc thông tin thẻ để nhận tiền. Thực chất đây là các website giả mạo thu thập các thông tin để lấy tiền trong tài khoản khách hàng.

Liều lĩnh và trắng trợn hơn, loại tội phạm này còn giả mạo cán bộ cơ quan chức năng, người thân quen của nạn nhân gọi “video call” yêu cầu nạn nhân nhìn thẳng, nghiêng trái, nghiêng phải để ghi hình. Sau đó chúng dùng hình ảnh đã thu thập được để mở tài khoản ngân hàng, ví điện tử mang tên bị hại và sử dụng cho mục đích lừa đảo hoặc các hành vi vi phạm pháp luật.

Thời gian gần đây, cơ quan công an cả nước, trong đó có Đà Nẵng đã làm rõ các vụ án liên quan đến mua, bán, thuê, cho thuê tài khoản ngân hàng. Ở hình thức này, các đối tượng thuyết phục, lôi kéo người dân mở tài khoản ngân hàng sau đó bán hoặc cho thuê lại và được trả một khoản tiền. Sau khi sở hữu tài khoản, loại tội phạm này sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội hoặc tiếp tục bán lại hoặc cho thuê lại để kiếm tiền. “Hành vi bán, cho thuê, cho mượn tài khoản thanh toán là hành vi vi phạm pháp luật và bị xử lý theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng”, ông Võ Minh cho hay.

Một đối tượng trong vụ án mua bán tài khoản ngân hàng bị Công an TP Đà Nẵng bắt giữ.

Người dân cần làm gì?

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP Đà Nẵng đánh giá, những vụ lừa đảo gần đây chủ yếu phát sinh từ sự cả tin, mất cảnh giác của người dân. Do đó, khách hàng khi sử dụng dịch vụ TTKDTM cần chủ động, tỉnh táo tìm hiểu một số điều cần lưu ý để đề phòng, tránh được những rủi ro đáng tiếc.

Trước tiên cần thực hiện đúng các hướng dẫn của ngân hàng, không dùng máy tính và mạng Internet công cộng để truy cập Internet Banking, không lưu lại tên đăng nhập và mã khóa bí mật trên các trình duyệt web. Khi không sử dụng hoặc kết thúc giao dịch, phải thoát khỏi Internet Banking, đồng thời cài đặt phần mềm diệt virus trên thiết bị cá nhân cài đặt ứng dụng này.

Tuyệt đối không cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu đăng nhập, mã xác thực OTP của dịch vụ ngân hàng điện tử, ngân hàng số cho bất kỳ ai, kế cả nhân viên ngân hàng. Người dùng cần thiết lập mã khóa bí mật Internet Banking khó đoán có tính bảo mật cao và thay đổi tối thiểu một năm một lần hoặc khi bị lộ, nghi bị lộ; không dùng chung mật khẩu đăng nhập ứng dụng này với các tài khoản mạng xã hội.

Một việc làm rất cần thiết là lưu số điện thoại đường dây nóng và thông báo ngay cho ngân hàng nếu xảy ra các sự cố: mất, thất lạc số điện thoại đăng ký nhận tin nhắn SMS, thiết bị lưu trữ khoá bảo mật tạo chữ ký số; bị lừa đảo hoặc nghi ngờ bị lừa đảo; bị tin tặc hoặc nghi ngờ bị tin tặc tấn công để được hướng dẫn xử lý kịp thời.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP Đà Nẵng cũng khuyến cáo người dùng tài khoản ngân hàng không truy cập vào các đường dẫn tới trang thông tin, ứng dụng giả mạo ngân hàng được gửi qua tin nhắn, email, mạng xã hội; không thực hiện các thao tác làm theo hướng dẫn từ các số điện thoại lạ gọi đến, kế cả đối tượng tự xưng là cán bộ ngân hàng và các cơ quan khác khi chưa xác minh được thông tin chính xác; không cho thuê, cho mượn hoặc bán tài khoản ngân hàng của mình cho người khác.

“Khi phát hiện các hành vi mua, bán, thuê, cho thuê tài khoản ngân hàng hoặc các trường hợp nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua tài khoản ngân hàng, người dân cần kịp thời báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để được xử lý”, ông Võ Minh khuyến cáo.

BẢO NAM