Ngân hàng Nhà nước phản bác Moody's
* Thống đốc Nguyễn Văn Bình giải đáp cử tri TP Đà Nẵng và tỉnh Long An về tình hình nợ xấu ở các ngân hàng
(Cadn.com.vn) - Ngày 21-2, đúng 3 ngày sau khi cơ quan xếp hạng tín dụng hàng đầu thế giới - Moody's, công bố Báo cáo triển vọng hệ thống ngân hàng 2014, trong đó đánh giá tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam ít nhất phải chiếm 15%, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ra thông cáo báo chí phản bác.
Cùng lắm chỉ khoảng 9%
Thông cáo báo chí của NHNN viết: “18-2-2014, Moody's công bố Báo cáo triển vọng hệ thống ngân hàng 2014, trong đó đánh giá tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam ít nhất phải chiếm 15%. Tuy nhiên, theo số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng (TCTD), tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam tăng từ 4,08% (cuối năm 2012) lên 4,73%/ tổng dư nợ tín dụng vào tháng 10-2013.
Khi tình hình kinh tế vĩ mô được cải thiện và dần phục hồi, cộng với những nỗ lực của hệ thống TCTD, diễn biến nợ xấu đã có những tín hiệu khả quan. Đến cuối tháng 12-2013, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống đã giảm mạnh về mức 3,63% tổng dư nợ tín dụng. Đây là số liệu nợ xấu của NHNN được xác định dựa trên cơ sở quy định của pháp luật hiện hành và các thông tin chính thức”.
Cũng theo NHNN, để có được những kết quả trên, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã tích cực, chủ động thực hiện các giải pháp để kiềm chế nợ xấu gia tăng và xử lý nợ xấu như: Cơ cấu lại nợ để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay phục vụ sản xuất; kiểm soát chặt chẽ và tiết giảm chi phí hoạt động, tích cực đôn đốc, thu hồi nợ, trích lập dự phòng và xử lý nợ xấu bằng dự phòng rủi ro; bán nợ, xử lý tài sản đảm bảo; thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng và hạn chế nợ xấu phát sinh mới. Đáng chú ý là, việc thành lập và đưa vào hoạt động Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC).
Bên cạnh đó, biện pháp cơ cấu lại nợ theo Quyết định 780/QĐ-NHNN thực sự có ý nghĩa hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc tiếp tục được vay vốn ngân hàng với lãi suất hợp lý hơn nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro nợ xấu tăng trở lại nếu kinh tế vĩ mô và điều kiện sản xuất kinh doanh, thị trường bất động sản chậm được cải thiện. Nếu tính toán một cách thận trọng, nợ xấu bao gồm cả nợ xấu được cơ cấu lại theo Quyết định 780/QĐ-NHNN thì tỷ lệ nợ xấu cũng chỉ khoảng 9%.
NHNN khẳng định: Do không có chuẩn mực thống nhất về cách phân loại nợ nên các cơ quan, tổ chức khác nhau có thể đưa ra số liệu nợ xấu không giống nhau đối với cùng một đối tượng là bình thường.
Nhưng các số liệu, thông tin về nợ xấu và hoạt động ngân hàng do cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm đưa ra là đáng tin cậy và có cơ sở pháp lý hơn. Do vậy, những thông tin thị trường và những nghiên cứu, đánh giá chất lượng tín dụng của cơ quan, tổ chức không có chức năng quản lý Nhà nước chỉ có ý nghĩa tham khảo.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình |
Nợ xấu đã được xử lý một bước
Cũng trong ngày 21-2, tại website của NHNN đăng tải ý kiến của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình trả lời kiến nghị của một số cử tri của Đà Nẵng và Long An bày tỏ lo ngại về tình hình nợ xấu hiện nay tại các ngân hàng.
Trong đó, Thống đốc khẳng định “Nợ xấu phát sinh từ chủ quan và hoàn cảnh nền kinh tế” và nêu 5 giải pháp tổng thể xử lý nợ xấu và phòng ngừa, hạn chế nợ xấu gia tăng trong tương lai cần triển khai từ nay đến năm 2015, gồm: nhóm giải pháp đối với TCTD, nhóm giải pháp đối với khách hàng của TCTD, nhóm giải pháp về cơ chế chính sách, nhóm giải pháp về thanh tra, giám sát và giải pháp thành lập công ty mua bán nợ xấu (VAMC).
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, những giải pháp xử lý nợ xấu của ngành Ngân hàng trong thời gian vừa qua đã đem lại kết quả quan trọng bước đầu là nợ xấu đã được xử lý một bước, tốc độ tăng nợ xấu chậm lại, doanh nghiệp tiếp tục được vay vốn ngân hàng với lãi suất hợp lý góp phần giảm bớt chi phí hoạt động cho khách hàng vay do không phải chịu lãi suất phạt quá hạn và được vay với lãi suất thấp hơn. Đây là các giải pháp thực sự có ý nghĩa đối với cả doanh nghiệp và ngân hàng.
Tuy nhiên, để việc tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp đạt hiệu quả thì các bộ, ngành cũng cần phải triển khai đồng bộ các giải pháp về hỗ trợ đầu tư, tăng tổng cầu và hỗ trợ các doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện vay vốn ngân hàng, như: rà soát các công trình để tiếp tục ưu tiên bố trí vốn cho các công trình trọng điểm, cấp bách, hiệu quả; giải quyết tình trạng nợ đọng của ngân sách đối với doanh nghiệp nhằm khơi thông nguồn vốn đầu tư; hoàn thiện thủ tục pháp lý về đầu tư và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...
Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, sản xuất kinh doanh chậm phục hồi, chỉ bằng các giải pháp xử lý nợ xấu của ngành Ngân hàng nói trên chưa bảo đảm nợ xấu của các TCTD được xử lý một cách vững chắc, triệt để, đồng thời ngăn chặn hoàn toàn nguy cơ nợ xấu gia tăng trở lại.
Nhưng nếu 5 nhóm giải pháp tổng thể xử lý nợ xấu nêu tại Đề án xử lý nợ xấu và Đề án thành lập VAMC được triển khai đồng bộ, quyết liệt và với sự tham gia tích cực của tất cả các bộ, ngành, địa phương, TCTD, khách hàng vay thì Việt Nam có thể xử lý thành công được nợ xấu theo mục tiêu đã đề ra trong Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Nguyễn Lê