Báo Công An Đà Nẵng

Ngăn ngừa những biến tướng trong nghi lễ tín ngưỡng thờ Mẫu

Thứ sáu, 17/11/2017 13:06

Từ khi tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt chính thức được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nhiều người quan tâm đến loại hình văn hóa này vui mừng nhưng cũng không tránh khỏi lo lắng. Lo vì những biến tướng trong thực hành nghi lễ tạo nhận thức sai lệch về giá trị di sản vốn rất có ý nghĩa này. Hội thảo khoa học "Thực hành tín ngưỡng thời Mẫu trên địa bàn Hà Nội - Nhận diện, bảo tồn và phát triển" do Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội phối hợp cùng Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức ngày 16-11 đã đề cập vấn đề trên và đề xuất những giải pháp bảo tồn, phát triển.

Trước đây, không ít các giải pháp được đặt ra nhằm chấn chỉnh những lệch lạc trong tục thờ Mẫu như chủ trương cấm đốt vàng mã, tổ chức các cuộc tọa đàm khoa học, liên hoan diễn xướng hầu đồng nhằm chấn hưng nghi lễ hầu thánh... Nhưng đó chỉ là những giải pháp tạm thời, ít hiệu quả, nhiều nghi lễ hầu đồng tiếp tục bị biến dạng tạo nên những nhận thức méo mó về nghi lễ này. Những hiện tượng lệch chuẩn này đã phá vỡ nét đẹp thuần phong mỹ tục, mất đi nét đẹp văn hóa tâm linh.

Giữa năm 2017, Bộ VH-TT&DL đã triển khai Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt. Song để chương trình đi đúng mục đích cần có thái độ tích cực của cả các cơ quan quản lý văn hóa, các tổ chức xã hội và cộng đồng. Theo đó, Nhà nước cần xây dựng quy chế quản lý hoạt động thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, quy định rõ hoạt động của đền, điện thờ Mẫu, trách nhiệm của thủ nhang, đồng thầy đối với thực hành tín ngưỡng, nghi lễ hầu đồng ở các đền, điện thờ Mẫu nhằm định hướng bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống của tín ngưỡng thờ Mẫu, ngăn chặn hiện tượng biến tướng, mê tín trong thực hành nghi lễ hầu đồng.

N.D