Báo Công An Đà Nẵng

Ngành công nghiệp ngọc bích Myanmar: Canh bạc chết người (Kỳ cuối: cần cải cách kịp thời)

Thứ sáu, 17/07/2020 15:36

Nguy cơ xảy ra tai nạn và cuộc khủng hoảng ma túy sẽ tiếp tục tồn tại trong những góc khuất của ngành công nghiệp khai thác ngọc của Myanmar. Vì vậy, chính phủ Myanmar cần nhanh chóng đưa ra những cải cách nghiêm ngặt.

Những người tìm ngọc trên các đống đất đá phế thải ở khu mỏ Hpakant.

“Vàng có giá trị, nhưng ngọc là vô giá”

Theo quan điểm của người Trung Quốc, tính biểu tượng của ngọc bích đã kéo dài hàng thiên niên kỷ, bắt nguồn từ thời kỳ đồ đá mới như một vật tượng trưng cho sự thịnh vượng và quyền lực của giới thượng lưu. Nhiều người Trung Quốc quan niệm đeo trang sức ngọc bích mang lại điềm lành, sự thịnh vượng và trường thọ. Nỗi ám ảnh của ngọc hầu như chỉ có ở Trung Quốc và nhu cầu về đá quý phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc. Nhìn chung, người Trung Quốc xem ngọc bích có giá trị nhiều hơn so với vàng.

Các mỏ ngọc tồn tại ở nhiều nơi khác trên thế giới như Guatemala, Nhật Bản, Nga và Mỹ, nhưng nguồn hàng đến Trung Quốc nhiều nhất từ Myanmar thông qua Vân Nam và ngọc Myanmar có chất lượng hàng đầu. 3 thập kỷ sau vào thập niên 1980, với những cải cách mở cửa thị trường mà Bắc Kinh đã đưa ra, nhu cầu ngọc bích tăng vọt trở lại, nhiều người chuyển sang nghề chế tác ngọc và bán trở lại Trung Quốc. Sự thịnh vượng của nền kinh tế mới nổi và nhu cầu cao đối với các sản phẩm xa xỉ ở Trung Quốc kể từ những năm 1990 khiến nhu cầu mua ngọc Myanmar của Trung Quốc gia tăng. Với tư cách là nước điều khiển giá ngọc bích trên toàn cầu, ngọc bích có giá trị cao ở thị trường Trung Quốc. Tại nước này, ngọc bích làm lu mờ giá trị của kim cương, hồng ngọc cũng như sapphire, những loại đá quý vốn rất phổ biến ở những nơi khác trên thế giới.

Tranh giành quyền kiểm soát

Vào những năm 1990, Quân đội Độc lập Kachin (KIA), một trong một số nhóm vũ trang sắc tộc đã chiến đấu với chế độ quân sự để giành quyền tự trị kể từ năm 1961 dọc theo các bang biên giới, đã để mất quyền kiểm soát các mỏ ngọc bích có giá trị ở Hpakant. Theo chính phủ Myanmar, KIA sẽ yếu đi nếu việc không thể nắm giữ các mỏ ngọc. Khi việc khai thác ngọc bắt đầu bùng nổ vào những năm 1990, thị trấn Hpakant đã biến thành một ổ chứa tội phạm, ma túy, mại dâm và buôn bán vũ khí.

Trong khuôn khổ hiến pháp năm 2008, quân đội duy trì quyền tự chủ và quyền lực trên phạm vi rộng đối với nhiều khía cạnh hoạt động trong nước. Nổi bật nhất là quyền sở hữu hai tập đoàn lớn gồm một số lượng lớn các doanh nghiệp, trong đó có một số hoạt động trong lĩnh vực khai thác ngọc. Từ năm 1994 đến 2011, trong gần 17 năm, lệnh ngừng bắn giữa chính quyền quân sự và KIA được giữ vững cho đến khi giao tranh nổ ra một lần nữa. Trong thập kỷ qua, hơn 100.000 người Kachin và cư dân bang Shan lân cận đã phải rời đi vì cuộc xung đột. Mặc dù đã giảm bớt quyền kiểm soát, KIA vẫn có những cách để thu lợi nhuận từ các hoạt động khai thác ngọc tại địa phương. Việc kiểm soát doanh thu từ các mỏ ngọc bích của Kachin là ưu tiên chiến lược của cả hai bên trong cuộc xung đột vũ trang đã hủy hoại Kachin trong sáu thập kỷ qua.

Theo trang mạng Irrawaddy, vào giữa tháng 6 vừa qua, “KIA đã cảnh báo người dân ở Kutkai, phía bắc bang Shan rằng, các cuộc đụng độ có thể nổ ra trong khu vực bất cứ lúc nào giữa các nhóm vũ trang dân tộc và quân đội Myanmar".

Thay đổi do đại dịch

Mặc dù cho đến nay, Myanmar hầu như không bị ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch Covid-19 nhưng với hơn 300 trường hợp nhiễm bệnh, nước này đã đóng cửa hầu hết các hành lang được sử dụng để buôn bán và buôn lậu ngọc, cụ thể là qua biên giới Trung Quốc. Điều này đã có ý nghĩa kinh tế lớn đối với những người buôn bán ngọc, vì họ không thể tồn tại nếu không có người mua. Trước những tuyệt vọng về kinh tế do đại dịch gây ra, nhiều người đã chuyển sang làm việc tại chợ đen cho các ông chủ ngọc địa phương.

Chợ ngọc bích Mandalay đã đóng cửa hồi tháng 3 vừa qua sau khi chính phủ cấm người dân tụ tập đông người. Hiện tại, chợ này vẫn đóng cửa nhưng việc mua bán ngọc vẫn diễn ra trong bí mật. Những hạn chế đi lại nội bộ và các biện pháp kiểm dịch tại chỗ trong nước đã hạn chế sự di chuyển của người dân, các chuyến bay bị tạm dừng và hoạt động kinh doanh của Trung Quốc đã chậm lại đáng kể, nhưng biên giới vẫn mở và một số người vẫn qua lại.

Tương lai của ngành công nghiệp ngọc bích rất không chắc chắn trong những ngày này, ít nhất là cho đến khi mùa mưa kết thúc. Việc đóng cửa các cửa khẩu biên giới và ngừng các hoạt động thương mại khiến Myanmar mất đi hàng triệu USD mỗi ngày kể từ tháng 1, nhiều người mất việc mà không có nguồn thu nhập nào.

Chờ đợi những cải cách

Chừng nào còn có ngọc vẫn còn ở Hpakant, những cảnh báo từ các nhóm nhân quyền và các nhóm xã hội dân sự vẫn tồn tại. Tai nạn sẽ tiếp tục xảy ra, và ma túy sẽ tiếp tục tồn tại trong những góc khuất của ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD này.

Myanmar lên kế hoạch tổ chức cuộc tổng tuyển cử vào ngày 8-11 tới. Chính phủ càng chần chừ trong việc đưa ra những cải cách nghiêm ngặt đối với ngành khai thác ngọc, sẽ có thêm nhiều mạng sống mất đi. Thảm kịch hôm 2-7 hoàn toàn có thể phòng ngừa được, và nó đóng vai trò như một lời cảnh tỉnh khẩn cấp cho chính phủ. Chính phủ nên ngay lập tức đình chỉ hoạt động khai thác quy mô lớn, bất hợp pháp và nguy hiểm ở Hpakant và đảm bảo các Cty trá hình tham gia vào các hoạt động này không còn hoạt động nữa.

AN BÌNH

>> Ngành công nghiệp ngọc bích Myanmar: Canh bạc chết người (Kỳ 2: Hành trình từ mỏ đến chợ rồi đến Trung Quốc)

>> Ngành công nghiệp ngọc bích Myanmar: Canh bạc chết người (Kỳ 1: Máu và nước mắt)