Báo Công An Đà Nẵng

Ngành Công Thương 5 thành phố vươn lên đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế

Thứ sáu, 11/07/2014 09:00

(Cadn.com.vn) - Hôm nay (11-7), tại TP Đà Nẵng sẽ diễn ra Hội nghị ngành Công Thương 5 thành phố trực thuộc trung ương lần thứ IV gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ.

Đây đều là các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, giữ vai trò đầu tàu theo vùng, đồng thời là động lực phát triển cho cả quốc gia. Nhiều vấn đề sẽ được đưa ra bàn thảo tại hội nghị này xoay quanh nội dung:

KHÓ KHĂN VẪN CÒN NHIỀU

Nhìn lại chặng đường suốt từ năm 2013 cho đến hết 6 tháng đầu năm 2014, các địa phương đều có chung nhận định, mặc dù có một vài dấu hiệu tích cực cho thấy các hoạt động kinh tế đang phục hồi trở lại sau suy thoái nhưng triển vọng kinh tế toàn cầu nhìn chung chưa vững chắc, nhất là đối với các nền kinh tế phát triển.

Ở trong nước, sức mua của người dân vẫn còn chưa cao, thị trường xuất khẩu gặp khó khăn do ngày càng có nhiều hàng rào kỹ thuật của các nước, lãi suất ngân hàng tuy có giảm nhưng do tiêu thụ sản phẩm còn chậm nên việc vay vốn để đầu tư của doanh nghiệp (DN) hạn chế... Những yếu tố bất lợi trên đã có tác động mạnh đến SXKD của DN, việc làm của người lao động và đời sống xã hội.

Bước sang năm 2014, theo đánh giá của nhiều người, trong nước, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lãi suất huy động và cho vay của ngân hàng có xu hướng giảm nhẹ; đặc biệt Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và đồng đô la Mỹ tăng 1% để hỗ trợ xuất khẩu, lạm phát tiếp tục được kiềm chế, nguồn cung dồi dào nhưng sức mua trên thị trường vẫn còn khá trầm lắng.

Ngoài ra, thời gian gần đây, tình hình biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp, bước đầu ảnh hưởng đến động thái phát triển KT-XH và đời sống dân cư cả nước. Tuy vậy, năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014, ngành Công Thương 5 thành phố vẫn duy trì và đạt mức tăng trưởng khá so với bình quân chung cả nước.

Với đóng góp hằng năm gần 45% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, gần 40% kim ngạch xuất khẩu của cả nước đã khẳng định sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại của 5 thành phố tiếp tục duy trì và phát huy vai trò chủ lực trong phát triển ngành Công Thương cả nước và phát triển ngành Công Thương của các vùng kinh tế trọng điểm cũng như phát triển KT-XH của từng địa phương.

Nhiều ý kiến trước thềm hội nghị cũng thẳng thắn nhìn nhận, dù đã rất cố gắng để đạt được những chỉ tiêu quan trọng nhưng hoạt động ngành vẫn còn một số tồn tại cần phải thảo luận sâu để có những đề xuất cơ chế chính sách; kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền nhằm sửa đổi bổ sung cho phù hợp.

Đó là cơ cấu ngành công nghiệp dù có sự chuyển biến tích cực, đúng định hướng nhưng còn chậm so với yêu cầu phát triển. Cơ cấu công nghiệp tại các địa phương còn tồn tại những mặt hạn chế như: Hàm lượng giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp còn thấp, tỷ lệ sản xuất gia công còn cao; công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển.

Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đạt thấp do khủng hoảng nợ công tại Mỹ, EU... nên nhu cầu nhập khẩu hàng Việt Nam giảm, nhiều nước tập trung cho xuất khẩu, giảm hàng tồn kho... làm cho số lượng, quy mô đơn hàng của một số ngành chủ lực tăng không bằng cùng kỳ.

Khách đến tham quan, mua sắm tại hội chợ được tổ chức ở Đà Nẵng.

TĂNG CƯỜNG LIÊN KẾT ĐỂ PHÁT TRIỂN

Ông Phan Văn Kha, Giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng, đơn vị đăng cai cho rằng, hoạt động liên kết, phối hợp trao đổi kinh nghiệm công tác quản lý Nhà nước giữa 5 thành phố nhằm hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp, thương mại phát triển ngày càng được đẩy mạnh, triển khai tích cực, chủ động và hiệu quả.

Nhiều hội chợ, triển lãm tại 5 thành phố trực thuộc trung ương đã được tổ chức, giúp các doanh nghiệp học tập kinh nghiệm, trao đổi thông tin về tiềm năng, cơ hội đầu tư, liên kết. Tuy nhiên, ông Kha cũng thừa nhận rằng, hình thức và nội dung hợp tác giữa các thành phố còn khá đơn giản, đa số chỉ mới dừng lại ở mức độ trao đổi thông tin, trao đổi kinh nghiệm.

Việc phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư như diễn đàn đầu tư, hội chợ triển lãm, trưng bày giới thiệu sản phẩm chủ lực chưa được tiến hành thường xuyên. Ngay bản thân các DN của các thành phố cũng chưa tận dụng được tiềm năng, thế mạnh của nhau để cùng tạo ra sức mạnh trong hợp tác. Cơ chế hợp tác liên kết chưa cụ thể, xác thực và chưa mang tính pháp lý chặt chẽ.

Giảm thiểu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, hạn chế các tác động tiêu cực trong bối cảnh tình hình biển Đông tiếp tục bất ổn cũng là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm. Do vậy, trong 6 tháng cuối năm 2014, các DN cần phải có kế hoạch hoạt động hiệu quả hơn khi bước sang năm 2015, vì đây là thời điểm việc tham gia của Việt Nam vào các thể chế kinh tế quốc tế và khu vực bắt đầu có hiệu lực. Nhiều giải pháp cũng sẽ được đại diện của 5 thành phố thông qua tại hội nghị lần này.

Trong đó tập trung vào việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, thúc đẩy phát triển SXKD và đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường; phát triển các loại hình dịch vụ trình độ cao; gia tăng mạnh công tác xúc tiến thương mại tại thị trường nội địa; hoàn thiện nhanh cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp hiện có; đề xuất những cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp mũi nhọn; tăng cường hợp tác, liên kết theo thỏa thuận đã ký kết giữa 5 thành phố...

Phương Kiếm