Báo Công An Đà Nẵng

Ngành điện chủ động các phương án sẵn sàng ứng phó với tình hình mưa bão

Thứ năm, 10/09/2020 15:59

Chuẩn bị bước vào mùa mưa bão năm 2020, nhiều cơ quan, đơn vị, trong đó có ngành điện đã và đang chuẩn bị các phương án để kịp thời ứng phó một cách có hiệu quả khi có thiên tai xảy ra. P.V Báo Công an TP Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với ông Võ Hòa - Phó Giám đốc Cty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng) chung quanh nội dung này.

Ông Võ Hòa - Phó Giám đốc PC Đà Nẵng.

P.V: Thưa ông, chuẩn bị bước vào mùa mưa bão năm 2020, PC Đà Nẵng đã chuẩn bị phương án gì để chủ động ứng phó với thiên tai?

Ông Võ Hòa: Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, trong năm 2020, dự báo tình hình lũ sẽ phức tạp, có khoảng 10- 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động, trong đó có từ 4-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Mưa lớn sẽ xảy ra nhiều vào giai đoạn cuối năm từ tháng 8 trở đi, tập trung ở khu vực Trung và Nam Trung Bộ. Nắm bắt được tình hình đó, thực hiện chỉ đạo của Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC), PC Đà Nẵng đã thành lập Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) do Phó Giám đốc Kỹ thuật làm trưởng ban. Theo đó, đơn vị đã chủ động triển khai các phương án phòng chống thiên tai cho các công trình đường dây và trạm điện; chuẩn bị nhân lực, vật lực để thực hiện tốt các phương án ứng phó, triển khai khắc phục thiệt hại khi bị ảnh hưởng bởi bão, lũ và các tình huống thiên tai khác.

P.V: Những công việc cụ thể đã được triển khai cho đến thời điểm hiện tại của ngành điện là gì, thưa ông?

Ông Võ Hòa: PC Đà Nẵng chú trọng kiểm tra tại các vị trí xung yếu dễ xảy ra sự cố, gây ảnh hưởng đến đường dây cung cấp điện chung toàn thành phố như: các khu vực cột điện được lắp dựng ở triền dốc, bờ sông, bờ suối, bờ kênh thoát lũ tại các xã Hòa Nhơn, Hòa Phú, Hòa Bắc (H.Hòa Vang), những khu vực lưới điện ở địa hình thấp, thường xuyên bị ngập lụt trong các mùa mưa bão hàng năm. Ngoài ra, nhằm đảm bảo an toàn hành lang lưới điện khi mùa mưa bão cận kề, các Điện lực trực thuộc đã lập kế hoạch phối hợp cụ thể, cắt tỉa cây xanh nhằm đảm bảo kỹ thuật khi cắt tỉa cành cây cũng như thu dọn cành cây kịp thời, bảo đảm vệ sinh.

Đối với các khu vực có cây cối rậm rạp gây khó khăn cho việc phát quang hành lang tuyến và có nguy cơ cao xảy ra sự cố như tại các xã Hòa Châu, Hòa Phước, Hòa Tiến, Hòa Bắc, Hòa Ninh, Hòa Phú (H.Hòa Vang) hay khu vực bán đảo Sơn Trà (Q.Sơn Trà), các Điện lực cũng đã lắp đặt thí điểm tấm ốp chống động vật leo trụ điện. Thực tế cho thấy, sau khi lắp đặt, các vị trí nói trên không còn xảy ra tình trạng động vật xâm nhập gây sự cố hành lang an toàn lưới điện. Đến nay, các đơn vị đã phát quang hành lang tổng cộng 36 xuất tuyến với 836 vị trí, lắp tấm ốp trên cột điện để ngăn ngừa động vật leo trèo 10 xuất tuyến; đã gửi 66.587 email về các biện pháp đảm bảo an toàn điện; đồng thời gửi thông tin đề nghị các cơ quan báo đài hỗ trợ tuyên truyền.

Công nhân PC Đà Nẵng duy tu, bảo dưỡng các TBA.

PV: Thưa ông, công tác quản lý vận hành lưới điện trong mùa mưa bão đã được ngành điện triển khai đến đâu, đặc biệt là ở những khu vực trọng điểm?

Ông Võ Hòa: Bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, rà soát các vị trí xung yếu, PC Đà Nẵng giao nhiệm vụ cho các đơn vị lập kế hoạch và tổ chức kiểm tra các hệ thống tiếp địa, thí nghiệm định kỳ các trạm biến áp (TBA) phụ tải, thiết bị đường dây cũng như xử lý dứt điểm các tồn tại. Đối với 9 TBA 110kV tự động hóa Cty đang quản lý được các đơn vị thường xuyên kiểm tra tình trạng vận hành để kịp thời xử lý các tình huống bất thường. Các đường dây 110kV cũng được tăng cường kiểm tra nhằm hạn chế thấp nhất các nguy cơ mất an toàn có thể xảy ra. Bên cạnh đó, Cty còn tổ chức rà soát phương thức kết lưới của 85 xuất tuyến trung thế 22 kV đang vận hành để sẵn sàng chuyển đổi phương thức nhằm khôi phục nhanh phụ tải khi xảy ra sự cố tại khu vực; sử dụng camera nhiệt kiểm tra các vị trí tiếp xúc xấu trên lưới điện và xử lý ngay; kiểm tra các máy phát điện dự phòng, máy biến áp lưu động, thiết bị chiếu sáng phục vụ tại hiện trường, hệ thống thông tin liên lạc, phương tiện vận tải, phương tiện thi công nhằm bảo đảm phương tiện, thiết bị luôn trong tình trạng hoạt động.

Cty cũng yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác quản lý vận hành hệ thống SCADA kết nối về trung tâm điều khiển của 9 TBA 110 kV không người trực, 126 Reclser, 66 dao cách ly cắt có tải kín (LBS) nhằm kịp thời phát hiện các hư hỏng, bất thường, đề ra các biện pháp xử lý. Để bảo đảm nguồn điện cung ứng cho các KDC, KCN trong thời gian tới, trước mắt là mùa mưa bão, PC Đà Nẵng đã và sẽ tiếp tục triển khai các dự án nâng cấp lưới điện như: dự án cung cấp điện cho KCN dịch vụ thủy sản Thọ Quang, lưới điện dọc tuyến biển Phạm Văn Đồng, thay thế dàn thanh cái 22 kV C41 tại TBA 110 kV An Đồn, Liên Trì, khai thác đường dây 22 kV sau TBA 110 kV Hòa Khánh 2 sang tải trong KCN Hòa Khánh, thay dây 22 kV khu vực Hải Châu, Thanh Khê... Ngoài ra, cùng với việc thi công các dự án nâng cấp, cải tạo lưới điện, PC Đà Nẵng tiếp tục triển khai lắp đặt các Recloser, Dao cách ly cắt có tải (LBS), chỉ thị báo sự cố (FI) nhằm nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, đồng thời đẩy nhanh đầu tư dự án tự động hóa lưới điện phân phối DAS với 13 xuất tuyến 22 kV ở các khu vực Hải Châu, Cẩm Lệ, Thanh Khê, dự kiến quý IV-2020 sẽ đưa vào vận hành.

P.V: Ngành điện có khuyến cáo gì đối với khách hàng sử dụng điện trong mùa mưa bão năm nay?

Ông Võ Hòa: Song song với các giải pháp kỹ thuật, PC Đà Nẵng cũng chú trọng việc tuyên truyền, hướng dẫn đến khách hàng các biện pháp sử dụng điện an toàn trong mùa mưa bão. Đơn vị cũng chủ động trong công tác phối hợp với chính quyền, các cơ quan chức năng nhằm ngăn ngừa các sự cố đáng tiếc khi bão, lũ xảy ra. Nhiều biện pháp đảm bảo an toàn điện mùa mưa bão được Cty thường xuyên đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như gửi email đến từng khách hàng. Trong trường hợp có tình huống khẩn cấp, khách hàng vui lòng liên hệ Tổng đài CSKH 19001909 để được hướng dẫn, giải đáp cụ thể.

P.V: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

PHƯƠNG KIẾM (thực hiện)