Báo Công An Đà Nẵng

Ngành du lịch Đà Nẵng lên kế hoạch “về tắm ao ta”

Thứ bảy, 16/05/2020 08:10

Tại cuộc họp bàn kế hoạch để đưa hoạt động du lịch nhanh chóng phục hồi, các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở dịch vụ, các hiệp hội và Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng xác định: trong bối cảnh dịch bệnh trên phạm vi thế giới chưa có dấu hiệu an toàn thì khai thác thị trường nội địa là ưu tiên hàng đầu. Đây là xu thế đi ngược của ngành du lịch nhưng là điều tất yếu trong kế hoạch ngắn hạn, ít nhất cho đến hết năm 2020.

Từ nay đến cuối 2020, Đà Nẵng sẽ tập trung khai thác thị trường khách du lịch nội địa. Trong ảnh: Du khách tắm biển Đà Nẵng dịp lễ 30-4, 1-5.

“Thay đổi khẩu vị” cho khách trong nước

Theo Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Trương Thị Hồng Hạnh, nhu cầu du lịch và chi tiêu của người dân sẽ luôn tồn tại, tuy nhiên sẽ có sự thay đổi mang tính tức thời khi bị tác động khách quan mà cụ thể trong thời điểm hiện tại là đại dịch Covid-19. Để bắt đầu phục hồi, du lịch Đà Nẵng cần có các gói sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu, xu hướng của du khách khi mà mùa hè năm nay sẽ không còn là cao điểm nội địa, khách quốc tế cũng gần như là chưa có. “Sau cách ly xã hội chống dịch, khi dịch bệnh trong nước đã có dấu hiệu an toàn, hoạt động du lịch được mở lại, tần suất các chuyến bay trong nước tăng lên thì du khách sẽ cân nhắc các điểm đến gần. Các đơn vị cần tập trung khai thác các tour ngắn ngày, mang lại những trải nghiệm ngắn nhưng đủ dịch vụ, làm hài lòng du khách”, bà Hạnh cho hay.

Dự báo về xu hướng du lịch trong nửa sau của năm 2020, đặc biệt là trong mùa hè, ông Huỳnh Đức Trung – Trưởng phòng Quản lý lữ hành của Sở Du lịch Đà Nẵng cho rằng, lượng du khách sử dụng phương tiện cá nhân hoặc ô-tô các tuyến cố định chặng ngắn trong các tỉnh từ Nghệ An đến Bình Định sẽ chiếm phần lớn trong khách nội địa. Trong thời gian này sẽ rất ít khách đoàn, trường học, doanh nghiệp như các cao điểm mùa hè khác mà chủ yếu là các nhóm bạn trẻ, gia đình. Với các thị trường như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hải Phòng, Quảng Ninh…, Sở Du lịch cũng sẽ phối hợp các hãng hàng không trong nước có chính sách ưu đãi, kích cầu đi lại. Trong số này, các nội dung trong biên bản ghi nhớ giữa Đà Nẵng và Vietnam Airlines cũng được kích hoạt để đủ hấp lực cho du khách lên lịch trình các chuyến đi phù hợp thời gian, giảm chi phí. “Riêng điểm đến, cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp phải nhanh chóng bắt tay vào việc hình thành các gói sản phẩm ngắn ngày có chất lượng như du lịch nghỉ dưỡng biển, sinh thái, giải trí và chăm sóc sức khỏe. Cơ sở lưu trú, khu điểm du lịch cần có ưu đãi về giá nhưng duy trì chất lượng dịch vụ bằng hoặc tốt hơn trước đây”, ông Trung cho hay.

Thời điểm “tung” truyền thông online

Theo đại diện các doanh nghiệp, trong bối cảnh khó để tổ chức các chuyến khảo sát, xúc tiến thì việc tăng cường truyền thông online với việc tận dụng mạng xã hội một cách triệt để sẽ là giải pháp tối ưu. Bà Phan Thị Thanh – Giám đốc Cty Đà Nẵng Thanh cho biết, bắt đầu từ ngày 1-5 đơn vị đã đón những đoàn khách nội địa đầu tiên sau thời gian cách ly xã hội. Khai thác lâu năm ở thị trường khách quốc tế như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, châu Âu, nay trở lại thị trường nội địa gặp rất nhiều khó khăn. “Khoảng giữa tháng 4, đội marketing bắt đầu chạy quảng cáo online trên mạng xã hội, google. Hầu hết khách cũng đang thăm dò, hỏi giá, so sánh dịch vụ. Hiện tại thì bắt đầu có khách đều rồi. Cuối tuần này chúng tôi đón 5 đoàn khách trong nước. Đây không phải là số lượng lớn nếu so với trước đây, nhưng trong bối cảnh hiện tại thì cũng là tín hiệu vui để khởi động trở lại sau thời gian đóng băng”, bà Thanh cho biết.

Ông Nguyễn Đức Quỳnh - Phó Chủ tịch Hội khách sạn Đà Nẵng, Phó Tổng Giám đốc điều hành Furama Resort cho rằng, việc xây dựng các cuộc triển lãm ảo, công bố sản phẩm bằng chương trình quảng bá online sẽ nhanh chóng đưa được hình ảnh một thành phố an toàn đến với du khách, vì bản thân họ cũng có xu hướng tìm kiếm thông tin mới trên mạng. Ngành du lịch thành phố cần chủ động kịch bản, kế hoạch truyền thông thường xuyên, liên tục để có thể quảng bá kịp thời hình ảnh điểm đến Đà Nẵng hấp dẫn và mới mẻ trong điều kiện an toàn về dịch bệnh. Việc này không chỉ thể hiện sự đảm bảo để thu hút du khách trong nước ở thời điểm hiện tại mà tạo tiền đề sẵn sàng đón khách quốc tế khi thế giới an toàn, các đường bay quốc tế mở lại. Cùng quan điểm này, ông Đoàn Hải Đăng - Giám đốc Vietravel - Chi nhánh Đà Nẵng cho rằng, khi các gia đình, nhóm bạn nhận thấy được sự an toàn thì sẽ săn sản phẩm trên… điện thoại thông minh, đây là thời điểm các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng sản phẩm, chủ động tìm kiếm, chuyển hướng thị trường, quảng bá dịch vụ của mình qua các kênh facebook, zalo, website để chào bán, giới thiệu sản phẩm tới khách hàng.

Theo bà Trương Thị Hồng Hạnh, song song với việc xác định thị trường nội địa là ưu tiên trong thời điểm hiện tại, du lịch Đà Nẵng phải đảm bảo đáp ứng được “khẩu vị” của du khách và khiến họ cảm thấy an toàn cả về giá cả, dịch vụ và sức khỏe. Đây là thời điểm mà cộng đồng các doanh nghiệp cần chứng minh sự đoàn kết, cộng sinh để khôi phục hoạt động du lịch bằng thương hiệu vốn có. “Xây dựng Đà Nẵng thành điểm đến an toàn, nghĩa là an toàn cho cả du khách, cả người dân và chính người làm du lịch. Sắp tới, Sở và cơ quan chức năng sẽ có đợt kiểm tra, rà soát chất lượng dịch vụ, việc đáp ứng các yêu cầu cần thiết đối với cơ sở dịch vụ để cùng nhau đảm bảo mang đến cho du khách giá trị tốt nhất”, bà Hạnh cho hay.

CÔNG KHANH

ĐẨY MẠNH LIÊN KẾT VÙNG ĐỂ TRAO ĐỔI DU KHÁCH

Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đề nghị Sở Du lịch thành phố triển khai các biện pháp để tăng cường hiệu quả liên kết vùng nhằm trao đổi khách, thúc đẩy giao thương kinh tế thông qua hiện thực hóa các ghi nhớ liên kết phát triển du lịch với các địa phương như Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Lâm Đồng, Hải Phòng, Nghệ An, Đắk Lắk. Ông Dũng cũng cho rằng, thành phố cần sớm công bố chương trình kích cầu du lịch, quỹ xúc tiến du lịch để tạo hiệu ứng trong cộng đồng doanh nghiệp. Thông qua các kênh của Hiệp hội, hiện có khoảng 78 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình kích cầu với các sản phẩm độc đáo, khác biệt, vừa giảm giá vừa tăng tiện ích cho du khách.