Báo Công An Đà Nẵng

Ngành sáng tác văn học ngày càng khó tuyển người tài

Thứ tư, 13/12/2017 09:39

Ngày 12-12, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức hội thảo “Đào tạo tài năng sáng tác văn học” với sự tham dự của các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học, giảng viên đến từ nhiều cơ sở đào tạo tại Hà Nội. Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Phạm Thu Hương, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết: Nhiều năm nay, số lượng sinh viên đăng ký dự thi vào khoa Sáng tác và Lý luận – Phê bình Văn học ngày càng ít. Nếu trước đây, nhà trường tuyển sinh mỗi năm một lần thì hiện nay hai năm mới tuyển sinh một lượt nhưng số lượng sinh viên vẫn rất hạn chế. Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tiến hành “Dự án đào tạo, bồi dưỡng tài năng trong lĩnh vực sáng tác văn học giai đoạn 2017-2030”, bắt đầu tuyển sinh từ năm 2018. Hội thảo lần này nhằm tổng hợp kinh nghiệm và góp ý từ các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu để xây dựng tiêu chí lựa chọn sinh viên tài năng cho ngành sáng tác văn học; lựa chọn giảng viên đáp ứng yêu cầu đào tạo, xây dựng chương trình đào tạo chuẩn, phù hợp với các sinh viên tài năng. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Văn Giá, Trưởng khoa Sáng tác và Lý luận - Phê bình Văn học, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội chia sẻ: Đào tạo sinh viên viết văn tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã có lịch sử gần 40 năm. Giai đoạn nào cũng có những gương mặt tài năng đóng góp vào diện mạo văn học chung của đất nước. Tuy nhiên, việc đào tạo những người viết văn càng ngày càng khó khăn bởi theo xu hướng vận động của xã hội, viết văn không được coi là một nghề mưu sinh. Bên cạnh đó, do quan niệm viết văn cốt để nổi tiếng chứ không phải viết vì nhân tâm, vì xã hội nên không cần đào tạo cũng có thể viết văn, nổi tiếng, phần lớn nhờ truyền thông...

Tại hội thảo, đa số các nhà nghiên cứu, giảng viên đều thống nhất rằng: Yếu tố cốt lõi và khó nhất trong đào tạo tài năng sáng tác văn học là tìm được những sinh viên có năng khiếu, yêu nghề, bởi đây là một nghề đặc thù. Theo nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, nghề viết văn chủ yếu dựa vào năng khiếu nhưng nếu được đào tạo bài bản, những người có năng khiếu sẽ trưởng thành nhanh chóng. Do vậy, nhiệm vụ của nhà trường là trang bị cho sinh viên vốn kiến thức văn hóa, kỹ năng sáng tác; tạo cơ hội cho các em được tiếp xúc với các nhà văn, nhà thơ có tên tuổi với từng cá tính độc đáo. Từ đó, các em có thể tích lũy kinh nghiệm trong quá trình học tập, sáng tác, thể hiện tài năng.

Việt Hà