Báo Công An Đà Nẵng

Ngành TAND TP không để xét xử oan sai hay bỏ lọt tội phạm

Thứ sáu, 13/09/2013 11:27

(Cadn.com.vn) - Nhân kỷ niệm 68 năm Ngày truyền thống ngành TAND (13-9-1945- 13-9-2013), phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Văn Quận- Chánh án TAND TP Đà Nẵng về một số hoạt động và kết quả đạt được trên lĩnh vực cải cách tư pháp của ngành TAND TP.

P.V: Được biết, những năm qua, TAND TP Đà Nẵng luôn là một trong những đơn vị có tỷ lệ giải quyết các loại án cao của ngành, xin đồng chí Chánh án cho biết rõ hơn về những kết quả đã đạt được?

Chánh án TAND TP Đà Nẵng Nguyễn Văn Quận.

Đồng chí Nguyễn Văn Quận: Từ năm 2005 đến nay, toàn ngành TAND TP đã thụ lý 36.769 vụ, việc các loại, đã giải quyết 35.388 vụ việc, đạt tỷ lệ 96,24%. Từ năm 2010 đến nay, số án thụ lý giải quyết trung bình mỗi năm là 5.500 vụ với chất lượng, hiệu quả ngày càng nâng cao, không có tình trạng oan sai hay bỏ lọt tội phạm. Riêng năm 2011 và 2012,  ngành TA TP giải quyết án đạt tỷ lệ 98% trở lên, là một trong số ít các TA địa phương có tỷ lệ giải quyết án cao trong ngành TAND.

Trong công tác giải quyết án, cán bộ thẩm phán ngành TA TP luôn chú trọng đúng mức công tác hòa giải, tỉ lệ hòa giải thành hàng năm luôn đạt từ 30% trở lên. Trong năm 2013, TA TP đã đưa ra xét  xử nhiều  vụ án đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận quan tâm như: Vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản tại Ngân hàng SHB-Chi nhánh Đà Nẵng; một số vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản có giá trị lớn do các bị cáo: Nguyễn Thị Thu Tuyết; Phạm Ngọc Sơn, Lê Thị Gái thực hiện; những vụ trộm cắp lớn do các "siêu trộm": Đặng Ngọc Tân, Nguyễn Tuấn Vũ cùng đồng bọn thực hiện. Đặc biệt, TATP đã đưa ra xét xử lưu động các vụ lừa đảo liên quan đến các hồ sơ thuê, mua nhà chung cư trên địa bàn TP, TA đã áp dụng hình phạt nghiêm minh, đúng chính sách pháp luật hình sự nên được dư luận xã hội đồng tình, qua đó phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

P.V: Đồng chí có thể cho biết kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội trong ngành TAND TP Đà Nẵng cho đến thời điểm hiện nay?

Đồng chí Nguyễn Văn Quận: Có thể nói, năm 2013 là năm đầu tiên Quốc hội ban hành Nghị quyết về công tác đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật, đặt ra yêu cầu rất cụ thể nhằm nâng cao chất lượng công tác đối với mỗi ngành. Nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa của việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo TAND TP đã tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện đến toàn thể thẩm phán trong toàn ngành. Kết quả công tác từ đầu năm đến nay: toàn ngành TAND TP giảm 3 vụ án bị hủy do lỗi chủ quan (giảm 6,6%); khắc phục cơ bản tình trạng để án quá hạn luật định, cho hưởng án treo không đúng quy định pháp luật; xét xử lưu động 111 vụ, tăng 69 vụ so với cùng kỳ năm 2012, các sai sót về nghiệp vụ đã giảm. Từ nay đến hết năm 2013, ngành TA TP sẽ quyết liệt phấn đấu để tăng tỷ lệ giải quyết án, hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra.

P.V: Thưa đồng chí Chánh án, theo tinh thần Nghị quyết 49/NQ-TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 thì TA với vai trò là trung tâm trong hệ thống các cơ quan tư pháp và là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, vậy ngành TAND TP Đà Nẵng đã có những chuyển biến như thế nào về cải cách tư pháp?

Đồng chí Nguyễn Văn Quận: Chuyển biến thì nhiều, tôi chỉ nêu một số kết quả nổi bật như: Toàn ngành đã xây dựng được đội ngũ cán bộ thẩm phán ngày càng lớn mạnh về mọi mặt, tăng 42 chức danh thẩm phán, 44 thư ký và 2 chức danh khác. Chất lượng đội ngũ cán bộ thẩm phán được nâng cao cả về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, nhiều đồng chí có trình độ thạc sĩ luật hoặc đang theo học sau đại học. Về cơ sở vật chất,  trụ sở TAND TP và TA một số quận, huyện được đầu tư xây dựng khang trang, trang thiết bị hiện đại, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ về lâu dài. Việc tổ chức điều hành phiên tòa được đổi mới theo hướng dân chủ, khách quan, xem xét đầy đủ các chứng cứ tại phiên tòa.

Trong xét xử án hình sự, HĐXX không còn tâm lý xét hỏi theo hướng buộc tội, bảo vệ cáo trạng mà đã thực sự là trọng tài, lắng nghe, đánh giá với thái độ khách quan, công bằng trên cơ sở chứng cứ đã được các bên tranh luận làm rõ để ra các bản án, quyết định đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã hoàn thành Đề án thành lập các TAND sơ thẩm khu vực phù hợp với vị trí địa lý, số lượng án thụ lý giải quyết hàng năm của các TA quận, huyện.

Một buổi xét xử của TAND TP Đà Nẵng.

P.V: Thưa đồng chí Chánh án, sau khi trụ sở mới của TAND TP Đà Nẵng được đưa vào sử dụng đầu năm 2013, việc bố trí  chỗ ngồi của những người tiến hành tố tụng trong phiên tòa hình sự có sự thay đổi, cụ thể là bàn của đại diện VKS và bàn của luật sư đặt ngang hàng nhau và đặt thấp hơn so với bàn của HĐXX đang gây nhiều tranh cãi. Ý kiến của  đồng chí về vấn đề này như thế nào?

Đồng chí Nguyễn Văn Quận: Theo tôi, việc đổi mới vị trí ngồi của những người tiến hành tố tụng và luật sư như của TAND TP Đà Nẵng hiện nay là rất hợp lý, thể hiện tinh thần thay đổi từ mô hình tố tụng xét hỏi sang mô hình tố tụng xét hỏi kết hợp tranh tụng. HĐXX giữ vai trò tài phán, nhân danh Nhà nước ban hành bản án nên phải ngồi ở vị trí biệt lập và cao nhất, còn đại diện VKS và luật sư bào chữa lần lượt giữ các vai trò buộc tội và gỡ tội, hai bên có vai trò ngang nhau trong tố tụng nên cần phải ngồi ngang hàng nhau để thuận tiện và cũng thể hiện dân chủ bình đẳng giữa các bên trong tranh tụng.

Việc bố trí bàn Kiểm sát viên ngồi ngang với luật sư không có nghĩa hạ thấp vai trò VKS, ngồi ở vị trí nào thì Kiểm sát viên cũng như VKS đều thực hiện chức năng nhiệm vụ theo quy định pháp luật. Việc bố trí hội trường xét xử như trên là theo tinh thần Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp và phù hợp với xu thế tiến bộ mà chúng ta đang hướng tới. Đến nay chúng tôi chưa nhận được phản ánh từ các cơ quan có liên quan, ngược lại các tòa án địa phương cũng ủng hộ việc thay đổi này, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình tranh tụng này. Hiện nay, một số tòa án cấp quận, huyện ở Đà Nẵng chưa thay đổi theo mô hình mới là do diện tích phòng xử quá chật hẹp, nếu tòa nào diện tích phòng xử án đủ rộng thì cũng sẽ tiến hành thay đổi theo mô hình tiến bộ này.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí Chánh án về cuộc trao đổi này.

K.Thanh
(thực hiện)