Báo Công An Đà Nẵng

Ngày 2-5, không ghi nhận trường hợp tử vong có liên quan đến sởi

Thứ bảy, 03/05/2014 00:21

(Cadn.com.vn) - Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Ngày 2-5, tại 3 bệnh viện (Bệnh viện Nhi T.Ư, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư) có 29 trường hợp nhập viện nghi mắc bệnh sởi, giảm 3 trường hợp so với ngày 1-5. Trong ngày cả nước không ghi nhận trường hợp tử vong có liên quan đến sởi.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, ngày 2-5, cả nước ghi nhận thêm 47 trường hợp mắc sởi xác định. Như vậy, tích lũy từ đầu năm 2014 đến nay, cả nước ghi nhận 3.930 trường hợp mắc sởi xác định trong số 13.580 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 61/63 tỉnh, thành phố. Trong ngày, 23 tỉnh, thành phố không ghi nhận trường hợp nghi sởi mới.

Bệnh viện Nhi T.Ư hiện có 240 bệnh nhân đang điều trị sởi; 13 bệnh nhân nghi sởi nhập viện trong ngày 2-5 và không có trường hợp tử vong. Bệnh viện Bạch Mai có 80 bệnh nhân đang điều trị sởi; 5 bệnh nhân nghi sởi nhập viện trong ngày 2-5 và không có trường hợp tử vong. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư có 86 bệnh nhân đang điều trị sởi; 11 bệnh nhân nghi sởi nhập viện trong ngày 2-5 và không có trường hợp tử vong.

Cục Y tế dự phòng cho biết: Tính đến ngày 2-5, tỷ lệ tiêm vét vaccine sởi trên phạm vi toàn quốc đạt 85,1%, tăng 0,3% so với ngày 1-5-2014. Trong đó có 17 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ tiêm vét vaccine sởi cao trên 95%; 41 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ tiêm vét vaccine sởi từ 70-95% và 5 tỉnh, thành phố còn lại đạt tỷ lệ tiêm vét vaccine sởi từ 60-70% (gồm An Giang, TPHCM, Điện Biên, Thái Nguyên, Bình Phước).

Ngành Y tế đã tổ chức trực 24/24 giờ tại tất cả các đơn vị y tế dự phòng và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong dịp nghỉ lễ; đồng thời tiếp tục triển khai tiêm vét vaccine sởi tại tất cả các tỉnh, thành phố, đặc biệt là các tỉnh có tỷ lệ tiêm chưa đạt mục tiêu đề ra.

Bộ Y tế tiếp tục tập trung chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác phòng chống bệnh; tăng cường công tác truyền thông về phòng chống bệnh sởi, khuyến cáo người dân áp dụng các biện pháp phòng bệnh sởi trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5. Trong ngày 2-5, Đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống bệnh sởi tại tỉnh Nghệ An.

Khám, theo dõi thường xuyên cho trẻ mắc sởi.

* Từ đầu năm 2014 đến nay, Việt Nam ghi nhận 17.410 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 2 trường hợp tử vong. Mặc dù số mắc và tử vong có giảm so với cùng kỳ năm 2013 nhưng tại một số tỉnh, thành phố đã có số mắc tăng như TPHCM (tăng 28,9%), Bà Rịa - Vũng Tàu (tăng 34,4%), Cà Mau (tăng 15,5%)...

Trước tình hình trên, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; thực hiện ăn chín, uống chín, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi. Cha mẹ cần theo dõi sức khỏe của trẻ hàng ngày, khi phát hiện trẻ có biểu hiện bệnh cần cách ly và đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị. Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa.

Dấu hiệu của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Bệnh nặng có thể dẫn đến tử vong. Năm 2013, bệnh tay chân miệng gia tăng tại một số nước trong khu vực như Trung Quốc ghi nhận 2.071.237 trường hợp mắc, trong đó có 550 trường hợp tử vong; Nhật Bản ghi nhận 67.981 trường hợp mắc; Singapore ghi nhận 36.518 trường hợp mắc.

Trước đó, Bộ Y tế đã yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, tổ chức các chiến dịch tuyên truyền về vệ sinh cá nhân và vệ sinh sinh hoạt; phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục và đào tạo tổ chức tuyên truyền tại các trường học, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo về các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng trong trường học.

Đồng thời chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, thực hiện cách ly, kịp thời xử lý không để bùng phát bệnh trong cộng đồng. Sở y tế các tỉnh, thành phố tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân, lưu ý đối với các bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong; thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị; đặc biệt phòng việc lây nhiễm chéo giữa bệnh tay chân miệng với bệnh sởi, viêm phổi và viêm đường hô hấp khác...

Thu Phương