Ngày ấy chúng tôi đi!
Mỗi khi có dịp ôn lại kỉ niệm những chuyến công tác lên biên giới những năm đầu vào nghề báo, tôi và chị đồng nghiệp Kim Hoa (nay là biên tập viên) vẫn không khỏi xúc động. Trong số ký ức vẫn còn tươi nguyên ấy, tôi nhớ nhất chuyến cùng nhau vượt suối, băng ngàn lên Trạm Biên phòng Yên Hợp, Đồn Biên phòng (ĐBP) 585 (xã Thượng Hóa, H.Minh Hóa) cuối tháng 7-2000 viết bài về đời sống đồng bào người Rục.
Tác giả cùng CAH Minh Hóa tại cột mốc biên giới phía tây tỉnh Quảng Bình. |
1. Hôm đó, sau khi làm việc tại ĐBP Cửa khẩu Cha Lo, sáng thứ 7, chúng tôi theo xe CAH Minh Hóa xuôi QL12A trở về thị trấn Qui Đạt. Trên xe, nghe anh Bé, anh Tư kể chuyện đồng bào người Rục ở các bản Mò O Ồ Ồ, Yên Hợp, Ón, hai chị em ngỏ lời nhờ các anh chở lên ĐBP 585 liên hệ lên Trạm BP Yên Hợp. Dù nốt ruột về nhà ngày cuối tuần nhưng nhìn vẻ mặt khẩn khoản của chị em tôi, họ không nỡ từ chối. Lên tới ĐBP 585, nghe anh Bé trình bày nguyện vọng, lãnh đạo Đồn vui vẻ mời chúng tôi dùng cơm trưa, nghỉ ngơi lại sức rồi sẽ cử người đưa lên Trạm. Từ Đồn lên Trạm mất hơn 5 giờ đi bộ. Thấy tôi mang giày cao gót, các anh ái ngại: "Đi giày đó sao băng ngàn, vượt qua những lèn núi cao?". Rồi họ bảo cánh lính tìm cho tôi đôi giày vải cỡ nhỏ nhất mà vẫn rộng, phải buộc cả dây giày vào cổ chân mới đi được. Người nhận nhiệm vụ đưa chúng tôi lên Trạm BP Yên Hợp là anh Nguyễn Bá Hải. Vừa mới từ Trạm xuống Đồn để nhận lương thực, nếu không có sự xuất hiện bất ngờ của chúng tôi, anh sẽ ở lại Đồn một đêm, hôm sau mới về lại Trạm. Thấy chúng tôi áy náy, Hải cười bảo: "Không sao, được các chị lên thăm, viết bài về đời sống đồng bào Rục là hạnh phúc rồi. Bởi hồi nào tới giờ, chưa có nhà báo nữ lên đấy".
2. Đã từng cắt rừng, lội bộ cả ngày trời trên cung đường mòn Hồ Chí Minh đoạn qua H.Hiên (nay Tây Giang, Quảng Nam) lên đồn ĐBP 645, nhưng khi trèo qua những lèn núi, dốc cao, băng qua thung lũng nằm giữa đại ngàn Trường Sơn, chúng tôi thấm thía sự hiểm trở của miền sơn cước phía Tây Quảng Bình này. Đi được một đoạn, dây giày buộc nơi cổ chân bung ra, tôi đành tháo ra đi chân đất, đá dăm đâm vào chân đau buốt. Tầm 5 giờ chiều, anh Hải dừng lại thông báo: "15 phút nữa đến trạm đó hai chị em!". Tôi và chị Hoa mừng quýnh vì cứ sợ phải ngủ giữa rừng. Quên đi mệt nhọc, chị Hoa đề nghị "họp" nhóm. Nhìn vẻ mặt nửa cười, nửa nghiêm của chị, anh Hải hồi hộp. Chị Hoa dặn anh Hải, lên đến Trạm đừng giới thiệu chúng tôi là phóng viên Báo Công an Đà Nẵng mà nói tôi là cô giáo, bạn gái của Hải từ Ninh Thuận lên thăm, còn chị là đồng nghiệp của tôi". (Trước đây, anh Hải từng công tác tại BP tỉnh Ninh Thuận). Anh Hải và tôi đồng ý màn kịch này.
Đến nơi, chúng tôi thực hiện y chang kịch bản đã thống nhất trước khiến Chiến-người cùng Trạm tin ngay và rất xúc động. Nghỉ ngơi, uống nước xong, chợt nhớ ra điều gì, anh Chiến kéo Hải ra ngoài nói nhỏ, sau đó quay vào nói hai chị em cứ nghỉ ngơi cho khỏe, anh vào bản có chút việc. Đến lúc đó, tôi mới quan sát Trạm. Đó là một mái nhà tranh nhỏ, xung quanh là rừng cây. Ngoài chiếc bàn làm việc, có 2 chiếc giường tre nhỏ. Cạnh đó là chái bếp. Trước sân là khuôn đất bằng phẳng dẫn lối ra suối. Một lát sau, anh Chiến về xách theo mấy quả trứng gà, lá ngò gai, rau dớn. Thấy tôi bước xuống chái bếp tránh mặt. Anh Chiến xuống theo, vừa múc nước cho tôi rửa mặt, vừa lựa lời khen anh Hải. Đến lúc này tôi đành thú thật: "Cho chị em em xin lỗi. Thật ra, chúng em là phóng viên Báo Công an Đà Nẵng lên công tác". Một thoáng ngỡ ngàng rồi anh Chiến vui trở lại: "Là nhà báo sao? Không sao, có khách lên thăm là quý rồi". Chị Hoa cũng đi xuống, xin lỗi vì đã "lừa" anh. Anh cười, xúc động cho biết, từ khi lên công tác Trạm BP Yên Hợp đến nay, chưa có một nữ nhà báo nào đặt chân đến. Hai chị em tôi là những người đầu tiên.
Tác giả cùng anh em công nhân Công ty LICOGI 10 trên cung đường Hồ Chí Minh đoạn qua H.Hiên (nay Tây Giang, Quảng Nam). |
3. Ra suối tắm trở vào, chúng tôi đã thấy mâm cơm bày trên bàn: một tô canh mỳ tôm nấu với rau dớn, đĩa trứng chiên. Anh Chiến hóm hỉnh: "Tối nay, Trạm mời hai chị em ăn món canh "tình yêu" của lính" và giải thích: vì đọt rau dớn quấn vào nhau như đang hôn nên CBCS đặt cái tên thi vị đó. Không biết có phải vì đói hay vì tấm lòng chân thành của anh Chiến, anh Hải mà chưa bao giờ chị em tôi ăn cơm ngon đến vậy.
Tối hôm đó, chúng tôi theo chân anh Chiến vào bản gặp đồng bào Rục. Dưới ánh sáng của 2 cây đèn pin, chúng tôi lầm lũi đi trong đêm, người đi sau dẫm trên dấu chân người đi trước như trong "Dấu chân người lính" của Nguyễn Minh Châu. Vào bản nghe đồng bào Rục kể chuyện được BĐBP 585 dựng nhà rồi vào hang đá ở rừng sâu vận động bà con người Rục ra bản ở, dạy chữ, hướng dẫn bà con cách phát rẫy trồng ngô...mà thấy thương quý sao những người lính nơi biên cương. Dù được BĐBP lo đến vậy, nhưng tập quán, thói quen ở trong hang đá không giữ chân được bà con người Rục ở lâu tại bản. Hết chất đốt, bà con rút tranh từ mái nhà để nấu ăn. Sau đó, bỏ vào hang đá trong rừng sâu sống. BĐBP phải dựng lại nhà, lặn lội vào rừng tìm, vận động về lại bản. Chuyện đồng bào Rục đổi trâu, bò, mùng được cấp để lấy rượu uống, BĐBP tuyên truyền, vận động mãi mà vẫn không bỏ được...Nghe mà phục sự kiên trì, nhẫn nại của BĐBP 585 xiết bao.
Khi chúng tôi về trạm, phát hiện ở góc nhà có một con gà nhốt trong lồng tre. Hai anh bảo biết tin Trạm có khách, bà con đem biếu gà. Sau một hồi trò chuyện, hai anh mắc màn rồi bảo chị em tôi vào ngủ ở 2 chõng tre. Còn họ thì ra ngoài hiên, mắc võng nằm. Nhưng chuyện vẫn không dứt. Nhờ thế, chúng tôi biết, hai anh quê ở miền xuôi tỉnh Quảng Bình. Anh Chiến đã có vợ con ở quê nhà, anh Hải thì chưa. Đến tầm 3 rưỡi sáng, chúng tôi mới chợp mắt chút để sáng mai còn lấy sức băng rừng. Một lát, chúng tôi giật mình bởi tiếng gà kêu, giọng hai anh thốt lên khe khẽ: "Sổng mất rồi!" rồi cùng chạy vào rừng tìm. Hửng sáng, 2 anh trở về, mặt thất thểu vì không tìm được gà. Thì ra, do không ngủ được, hai anh dậy sớm bắt gà làm thịt nấu cháo đãi khách, quýnh quáng thế nào để gà sổng mất. Vậy là món chia tay tiễn chúng tôi xuống núi lại là trứng gà chiên và món canh "tình yêu". Xuống dưới chân núi, ngước lên, chúng tôi thấy họ vẫn còn đứng nhìn theo...
4. Hai năm sau, tôi lên lại Minh Hóa công tác. Khi cùng cô thiếu úy trẻ đội CSHS CAH Minh Hóa Đinh Thị Hải Tình đi xe máy lên thực tế tại đèo Đá Đẽo- nơi con đường 20 Quyết Thắng đang thi công, tôi tình cờ gặp lại anh Hải đang đi làm nhiệm vụ. Gặp tôi, anh mừng rỡ: "Đúng là trái đất tròn. Ai có thể ngờ lại được gặp em trên miền sơn cước đầy nắng, gió, sương mù này". Anh mời chúng tôi về Trạm BP Yên Hợp giờ đã nằm ngoài mặt đường lộ, nhựa trải phẳng lì. Bà con đồng bào Rục, Khùa, Sách cũng dời nhà ra mặt đường. Trẻ em đồng bào Rục giờ đã biết ước mơ lớn lên làm cô giáo, làm kỹ sư điện...16 năm rồi tôi không lên lại Trạm Yên Hợp. Mỗi lần đọc báo, hay tin đồng bào các dân tộc Rục, Khùa, Sách nhờ BĐBP 585 nên giờ đã biết trồng lúa nước, đời sống ngày càng được cải thiện, chợt nhớ chuyến đi đầy kỷ niệm thấm đẫm nghĩa tình đồng đội, tình người trong trẻo năm nào. Càng thấy trân quý sự hy sinh lặng thầm của những chiến sĩ nơi biên cương Tổ quốc.
(Minh Hóa tháng 7-2000, Đà Nẵng tháng 6-2018)
Ký: Phan Thủy