Ngày ấy ở Điện Biên
(Cadn.com.vn) - Tháng 12-1953, đang là chính trị viên đại đội thuộc Đại đoàn 312, tôi bỗng nhận được lệnh điều động về làm phóng viên Báo QĐND. Đầu tháng 3-1954, tôi được phân công làm báo ở Điện Biên Phủ thay anh Phú Bằng. Anh gặp tôi, hỏi:
- Cậu đã sử dụng đài chưa?
Tôi thú nhận:
- Mình ở nông thôn! Đi bộ đội dù đã có chức vụ là chính trị viên đại đội nhưng chưa được sờ tới đài lần nào.
- Tớ không làm nhiệm vụ này nữa nên Tổng biên tập chỉ thị bàn giao cho cậu. Đây là làn sóng của Đài BBC, Tiếng nói Hoa Kỳ và các đài khác. Cậu có trách nhiệm ghi đầy đủ tin tức, đưa anh Văn duyệt trước khi đăng báo.
Tôi mới được điều động về Báo QĐND và có lẽ là người duy nhất ở Bộ Quốc phòng không biết rõ anh Văn là bí danh của ai. Lần đầu tiên đưa duyệt bài, nhận ra anh Văn là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi sợ quá, không dám đưa bài anh duyệt vì chữ tôi quá xấu, bài viết bị xóa lem nhem.
Duyệt xong bài, đưa trả tôi, anh Văn nói:
- Quả là chữ xấu quá, bài viết rất bẩn.
Tôi thanh minh:
- Thưa anh! Trước Cách mạng Tháng Tám tôi đi ở cho địa chủ. Vì tôi ít học nên chữ xấu.
-Nay cậu làm báo là lôgíc rồi!
Chắc nhìn thấy nét mặt tôi thộn ra, vẻ ngờ nghệch, anh Văn hỏi tiếp:
-Cậu có biết lô gíc là gì không?
Tôi đáp lại thành thật:
-Thưa anh, tôi không biết tiếng Tây.
-Cậu có mang theo sổ tay không?
- Có ạ!
Anh Văn cầm sổ viết chữ lôgíc to, choán cả 2 trang giấy bảo tôi: "Về hỏi anh em sẽ rõ".
Là phóng viên mới, tôi sợ không dám hỏi ai. Mãi tới năm 1994, nhân kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, được gặp lại anh Văn, tôi nhắc lại chuyện cũ. Anh cười rất tươi:
- Cậu đã là nhà văn có 41 tác phẩm được xuất bản rồi à? Bây giờ cậu hiểu lôgíc không phải là tiếng Tây rồi chứ?
Về chỉ huy sở của Bộ Tổng tư lệnh đặt ở Mường Phăng, tôi bỡ ngỡ đủ điều. Ở đơn vị chiến đấu, chúng tôi buộc phải im lặng, nhất là khi bò sát hàng rào dây thép gai, giật bộc phá tạo ra cửa mở để xông vào trung tâm diệt địch. Ở trụ sở có thể nói to, hát, đánh cờ, búng bóng, ăn cơm canh nóng, kể cho nhau nghe nhiều chuyện lạ đó đây. Các cán bộ theo dõi kéo pháo vào, ca ngợi nhiều gương sáng. Các anh phờ phạc vì thiếu ngủ, kém ăn nhưng vui vì chứng kiến nhiều chuyện đặc biệt về những ngày kéo pháo ra. Sau này, tôi được nhiều đánh giá, nhiều kết luận của những nhà quân sự nổi tiếng thế giới: Võ Nguyên Giáp đã vô cùng sáng tạo, dám vượt qua tất cả những ai chủ trương kéo pháo vào để đưa ra chiến thuật kéo pháo ra, đánh lấn, đã gặt hái được đại thắng chấn động địa cầu. Ở Mường Phăng, tôi nghe khá nhiều chuyện về Đờ Cát. Đờ Cát gửi thư có tính khiêu khích thách Đại tướng Võ Nguyên Giáp thắng được y. Ngày 30-11-1953, Đại tướng Hăng-ri Na-va và Trung tướng Cô-nhi đến tận đại bản doanh của Đại tá quý tộc, người đã được tặng thưởng Bắc đẩu BộI tinh thượng hạng và 16 huân chương các loại, có cái họ, tên dài dằng dặc tới 41 chữ: Crichian Mari Phécdinnăng Đờ la Coroa Đờ Catxtơri, trao trọng trách làm tư lệnh chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đờ Cát hãnh diện lắm. Ông ta là con nhà võ, có ông tổ được phong tước Thống Chế rồi làm Bộ trưởng Hải quân. Tại dinh cơ của bá tước Đờ Cát còn treo hàng loạt chân dung các vị tiền bối mà mọi người dễ nhận ra có một thống chế, một đô đốc, 8 trung tướng. Đờ Cát-xtơ-ri hy vọng rằng chân dung của mình với lon cấp tướng sẽ làm đẹp thêm bảo tàng riêng của dòng họ.
Đánh chiếm đồi D1.
Để khích lệ viên đại tá đang cầm đầu tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Na-va phong Đờ Cát lên thiếu tướng. Điều oái oăm đáng nực cười là bộ lon tướng địch đã thả dù rơi sang trận địa ta. Đờ - Cát không điện về Hà Nội xin bộ lon mới. Viên tướng trao cho tên binh nhì da đen làm bộ lon giả và đeo bộ lon này ra hàng ta sáng 7-5-1954.
Cũng sáng 7-5-1954, ta nhận được báo cáo và thấy dấu hiệu địch đầu hàng, tôi và phóng viên nhiếp ảnh Triệu Đại được phép rời trụ sở Báo QĐND ở Mường Phăng chạy về thung lũng Điện Biên. Thú vị quá! Cờ hàng của địch ngày càng nhiều. Bất kỳ tên quan, tên lính địch nào thấy vật gì trắng là xé thành nhiều mảnh trải trên miệng hầm. Họ dùng áo sơ mi, khăn mặt, khăn mùi xoa trắng, cả bông băng trắng, giấy trắng làm dấu hiệu không kháng cự nữa. Vì sợ ta bắn tỉa, họ nấp trong hầm, xâu những vật có màu trắng vào lưỡi lê hoặc choàng lên báng súng rồi đưa khỏi miệng hầm. Khoảng từ trưa đến tối, cờ hàng ngày một nhiều hơn.
Chiếc loa công suất lớn, tiếng nói vang rất xa, thường dùng cho công tác địch vận đã dùng để thông báo tình hình: Cả Bộ tư lệnh Pháp do tướng Đờ Cát cầm đầu đã đầu hàng. Ta ra lệnh cho toàn bộ binh lính địch hạ vũ khí, đi qua cầu Mường Thanh, theo đường 41 về nơi tập trung. Điện Biên Phủ lúc đó địch còn 12.000 tên. Một điều đặc biệt thú vị là tướng Đờ Cát và toàn bộ Bộ tư lệnh của ông ta cũng ở trong đám hàng binh đó. Có lẽ do quá quan liêu hoặc sợ chết không dám rời hang ổ trú ẩn nên Đờ Cát không biết những kẻ dưới quyền ông ta sống như thế nào? Khi bị áp giải qua chiến hào quân Pháp phòng ngự, Đờ Cát và những người theo ông ta, dù đã kiềm chế không đưa tay lên bịt mũi, nhưng cũng nhăn mặt vì mùi hôi bốc lên tới lợm mửa. Hồi này, Điện Biên đã có mưa nên các chiến hào ngập bùn. Sĩ quan, binh lính Pháp mặc quần đùi, cởi trần, lông lá, râu ria lởm chởm. Họ đã sống những ngày ở địa ngục trần gian vì phải hít thở mùi nước giải, phân của chính họ thải ra từng ngày, mùi bông băng đầy máu mủ xông ra từ vết thương đồng đội, mùi xác người chết chôn không sâu bị thối rữa, ruồi bay từng đàn.
Lễ mừng chiến thắng tại lòng chảo Điện Biên Phủ.
Đờ Cát lắc đầu chán ngán. Ta chiến thắng, ta đại thắng. Lợi dụng thời gian Pháp tuyên bố ngừng ném bom để nhận các sĩ quan, binh sĩ bị thương do ta trao trả nên các đơn vị lớn tranh thủ rút nhanh về hậu phương. Do tôi phải giúp đạo diễn Tiến Lợi quay phim và Khắc Tiếp cần viết tường thuật trao trả tù binh bị thương nên đã ở lại Điện Biên thêm hai ngày. Trước đêm nhận lệnh về hậu phương, chúng tôi tổ chức liên hoan có nội dung tố những nỗi khổ ở Điện Biên. Chưa rõ ai là tác giả bài thơ mà qua 58 năm tôi vẫn thuộc:
Ăn cơm cá mắm
Tắm nước Nậm Rôm
Nằm ôm bọ chó
Hứng gió Kà Tầy (tên của Thủ tướng Lào hồi đó)
Chỉ ai ở trong cuộc mới thông cảm. Khổ nhất là gió Lào. Báo QĐND được đặt trụ sở ngay trên hầm Đờ Cát. Chúng tôi đã kiếm chiếc dù rất to, căng kín hầm nhưng không sao ngăn được gió. Gió Lào thổi như phả lửa vào từng lỗ chân lông khiến ta có cảm giác mặt da bị nướng rát bỏng. Ta chợp mắt hoặc hít thở đều thấy mắt mình, mũi và trong cổ mình chứa đầy không khí nóng. Chúng tôi đang sức ăn, sức ngủ nhưng ai cũng mất ngủ, không chỉ vì gió Lào mà còn do đàn bọ chó quái ác không rõ từ đâu bay ra mà lắm thế. Chúng tôi đã luộc kỹ màn, quần áo, và trước khi ngủ đã chặn màn rất kỹ, ấy thế mà có rất nhiều bọ chó chui vào đốt. Điều khổ sở nữa với chúng tôi là tắm và giặt.
Ở Điện Biên có con sông Nậm Rôm (còn gọi là Nậm Rốm) khá rộng, ngày nào chúng tôi cũng buộc phải tắm giặt nhưng mỗi lần về lại ngứa ngáy khắp người nhiều khi đang bơi giữa sông, bỗng thấy xác trâu, bò, lợn, chó, mèo và cả xác người chết trương phình, thối rữa trôi gần mình; lại còn những bãi phân người, phân súc vật, bông băng dính đầy máu mủ và cả những cành cây, gốc cây dạt vào bờ. Ăn uống cũng thứ nước đó, tắm giặt cũng thứ nước đó. Khổ nhất là thức ăn vì chỉ có món cá mắm mặn chát, bị mọt nên đắng quá, rất khó nuốt. Vừa rời Điện Biên được 2 ngày, tôi và Khắc Tiếp lại được lệnh quay lại mặt trận để trao trả tù binh nữ duy nhất là nữ y tá Đờ Ga-la cho phía Pháp. Xong việc này, tôi và Khắc Tiếp gặp rủi ro vì hết thời gian ngừng bắn nên hai chúng tôi bị máy bay B26 oanh tạc hai lần.
Ngày 7-5-1989, tôi và Khắc Tiếp được mời thăm lại chiến trường xưa. Cả hai chúng tôi đều cố lục trí nhớ nhưng không tài nào nhận ra nơi đã đặt trụ sở Báo QĐND 35 năm về trước. Chiều hôm đó, tôi và Khắc Tiếp rủ nhau ra sông Nậm Rôm tắm. Mát quá chừng, nước trong vắt. Năm 2004, tôi cũng như hàng vạn cựu chiến binh khác hứng thú thăm lại chiến trường xưa. Tôi được các bạn đồng nghiệp ở Báo Điện Biên đưa đi thăm rất nhiều địa phương, được ăn ngủ tại khách sạn. Không một chút cảm giác là có gió Lào vì phòng nào cũng có điều hòa, bữa cơm nào cũng có đủ cá tươi, cá biển nên bói cũng không ra cá mắm. Có lẽ người dân Điện Biên hôm nay không biết con bọ chó như thế nào. Các cô thanh nữ, những chàng trai mặc quần áo dân tộc phóng xe máy vun vút trên đường. Tôi đi trên đường phố Điện Biên. Không hề có ăn mày. Gần như những nhà mặt phố đều xây nhiều tầng, rất đẹp. Điện Biên đã thay đổi hoàn toàn.
Nguyễn Trần Thiết