Báo Công An Đà Nẵng

Ngày ấy ở trại Davis (4)

Thứ năm, 20/04/2017 07:15

* Kỳ 4: Chứng kiến Mỹ rút quân khỏi quê hương Quảng Nam- Đà Nẵng

(Cadn.com.vn) - Trên bàn họp của Ban liên hợp Quân sự bốn bên, phía ta đòi đi giám sát các đợt Mỹ rút quân như văn bản của Hiệp định đã ghi. Đối phương đồng ý nhưng chỉ để chúng ta đi vào những ngày cuối thời hạn Mỹ rút quân. Ngày 28-3-1973, tôi giám sát tổ rút quân ở Tân Sơn Nhất. Khi chúng tôi ra đến sân bay vào khoảng trưa thì thấy một chiếc B707 của hãng World Airways đã đậu ở vị trí 17-19 hiện nay của sân đậu Tân Sơn Nhất, lính Mỹ  được chở ra  trên những chiếc xe ca, có người còn đem theo cả vợ người Việt. Chúng tôi yêu cầu phía Mỹ cho xem danh sách. Một điều lạ là không thấy lính Mỹ da đen, tất cả đều mặc đồ kaki nhạt, mũ ca lô xanh, cấp cao nhất là quân hàm đại tá.

Đại tá Hà Cân.

Ngày 29-3-1973, tôi đi Đà Nẵng để chứng kiến Mỹ rút khỏi Đà Nẵng. Cùng đi có 2 nhà báo Phương Nam và Hoàng Tuấn Nhã (Báo Nhân dân). Từ Tân Sơn Nhất chúng tôi đi máy bay Volpar, loại máy bay nhỏ 12 chỗ ngồi, sau hai giờ bay thì hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng ở phía tây Khu quân sự. Thật là xúc động sau 27 năm xa quê hương, từ trên máy bay nhìn xuống, đất Quảng thật là xơ xác, phía đông là một dải cát trắng xóa chạy dài từ Tam Kỳ ra Thăng Bình, Điện Bàn, Hòa Vang... Vùng Gò Nổi quê hương tôi vốn rất trù phú, ngày trước nổi tiếng giàu có như Phú Bông, Bảo An... nhà ngói, nhà lầu như thành phố mà nay như vùng cát trắng. Bọn Mỹ đã hủy diệt bằng mọi cách nhằm xây dựng vành đai trắng quanh Đà Nẵng. Thật xót thương cho những chiếc cầu Chiêm Sơn, Kỳ Lam ngã gục dưới dòng sông, cầu Câu Lâu thay đổi nhích lên phía trên, nhìn Hội An không rõ lắm, chỉ thấy một vùng cây xanh... Đến sân bay Đà Nẵng, tôi đứng nhìn xung quanh, phía tây là dãy núi Phước Tường, phía bắc là đèo Hải Vân, đông bắc là bán đảo Sơn Trà, phía đông là Non Nước. Tất cả như quen thuộc, núi non là núi non ấy nhưng lở loét, nham nhở  với những lô cốt, công sự, đường kéo pháo..., lòng tôi quặn lên một nỗi đau khôn tả. Chúng tôi đi xem khu lính Mỹ tập trung chờ ra máy bay, cũng mặc đồ kaki và một khu khác mặc đồ đi trận. Tôi rút bút bi làm que đếm, không ngờ động tác này của tôi được phóng viên báo Times Magazine đưa lên báo và báo Đông Phương của Sài Gòn lúc ấy đăng lại nhưng hình tôi bị cắt mất cái đầu và thay vào đó một hình thoi với chú thích: "Sĩ quan Việt Cộng đếm lính Mỹ như đếm tù". Bài báo đó hằn học tường thuật cuộc ra đi của lính Mỹ và hỏi "tại sao để cho Việt Cộng làm càn". Tại buổi rút quân, một số lính Mỹ được C130 chở sang Thái Lan, một số  vẫn còn chờ. Thì ra chúng chờ tin một giặc lái cuối cùng lên máy bay ở sân bay Gia Lâm,  Hà Nội thì mới chịu ra lệnh cho lên máy bay ở Đà Nẵng. Tôi lên máy bay kiểm tra thấy các đại tá ngồi ở hàng đầu. Máy bay cất cánh rời bầu trời Đà Nẵng. Danh chính ngôn thuận từ đây quân Mỹ đã rút khỏi nước ta sau những ngày ào ạt đổ bộ vào quê hương Đà Nẵng 1965.

Những binh lính và sĩ quan quân đội Mỹ cuối cùng rút khỏi miền Nam Việt Nam
tại sân bay Đà Nẵng, ngày 29-3-1973.

Khoảng tháng 2-1974 tôi được cử làm sĩ quan liên lạc của Ủy ban quốc tế, giám sát nhân viên ngụy bị bắt ở Quảng Nam, Đà Nẵng. Theo thỏa thuận, từ Tân Sơn Nhất chúng tôi đi Đà Nẵng bằng máy bay C46 chuyến hàng tuần theo lộ trình Tân Sơn Nhất- Pleiku- Đà Nẵng- Phú Bài. Ra đến Đà Nẵng, một trung tá VNCH tên Vinh ra đón và đề nghị chúng tôi về trụ sở liên hợp bên An Đồn. Viên sĩ quan ngụy  nói: "Bên đó chúng tôi chuẩn bị đàng hoàng rồi, mời các ông về đó nghỉ, rất an toàn". Tôi từ chối và nói:  "Chúng tôi ra đây theo yêu cầu của Ủy ban quốc tế, chúng tôi không có việc gì làm ở Ban Liên hợp hai bên". Y nói: "Các ông không về liên hợp thì các ông không được rời sân bay". Nắm chắc được ý lần này ta trả người cho nó chứ không phải nó trả cho ta, tôi nắn gân: "Nếu các ông không để chúng tôi vào thành phố thì chốc nữa máy bay quay lại, chúng tôi về Tân Sơn Nhất". Nghe vậy, tên sĩ quan ngụy nói:  "Vậy các ông ở lại đây, tôi xin ý kiến". Hai mươi phút sau chúng tôi được trả lời là mời chúng tôi về khách sạn với mấy ông quốc tế. Chúng tôi lên xe về phố qua chợ Mới, đường Phan Đình Phùng, đến khách sạn mà đoàn Hungari và Ba Lan ở trên đường Pasteur. Khi chúng tôi bước vào, cô lễ tân hơi hoảng nhưng được đồng chí Hungari giới thiệu, cố ấy giao chìa khóa cho chúng tôi ở cùng một phòng. Sắp xếp xong chỗ nghỉ tôi leo lên sân thượng ngay để xem mình ở chỗ nào của Đà Nẵng. Vật kiến trúc tôi nhìn thấy đầu tiên là tháp nước và sân bóng đá Đà Nẵng, và đây là ngôi nhà của Nhẫn, có giàn hoa giấy kỉ niệm tình bạn của tôi và Nhẫn. Hồi ấy từ Hội An ra Huế học phải ra Đà Nẵng đi bằng xe lửa và tôi hay ở lại nhà Nhẫn. Trời mưa lắc rắc, xuống salon khách sạn ngồi chơi, cô tiếp tân nói: "Thấy các ông bước vào, tôi hoảng hồn muốn xỉu, không biết sao Việt Cộng lại tới đây, xin hỏi thật mấy ông, mấy ông có gia đình không?" Tôi trả lời: "Cô này hỏi mới hay chứ! Chúng tôi cũng là người, cũng biết yêu đương, thương nhớ tại sao không". "Bởi vì nghe người ta nói là Việt Cộng vô gia đình, hôm nay gặp các ông tôi muốn hỏi cho rõ thôi! Bây giờ vợ con ông ở đâu?". Tôi chỉ lên núi Phước Tường và nói: "Ở bên kia núi đó thôi". Đồng chí Hungari nói tiếng Pháp khá, nói với chúng tôi: "Trong số nhân viên khách sạn có bọn mật vụ và chỉ điểm đó". Tôi trả lời: "Tất nhiên là như vậy, sau vài ngày ở đây tôi sẽ chỉ cho đồng chí biết cô nào là mật vụ?". Trước khi đi ngủ, tôi đến phòng đồng chí Ủy ban quốc tế nói chuyện. Mọi việc ở đất nước này đối với đồng chí đều lạ, nhất là cuộc chiến đấu của ta, các đồng chí không hiểu chúng ta tổ chức và chiến đấu như thế nào. Sáng ngủ dậy chúng tôi xếp chăn ngay thẳng, vuốt khăn trải giường tử tế. Một nhân viên làm phòng đến hỏi: "Tối qua các ông không ngủ đây à?". "Không ngủ đây thì ngủ đâu?". "Vì  chúng tôi thấy chăn ra ngay thẳng". Chúng tôi đã quen với nếp sống bộ đội giải phóng ngủ dậy phải xếp chăn màn và không quen để người khác phục vụ mình.

Sau khi ăn sáng chúng tôi lên xe đi đến bãi trực thăng. Xe chạy theo bờ sông Hàn, qua những nơi mà hồi nhỏ tôi hay đến: Bưu điện, Maria, một số cầu tàu mà tôi không phân biệt được, bãi trực thăng trong sân nhà làm việc của Ủy ban quốc tế gần cửa sông Hàn người ta gọi là TREM. Tôi lên trực thăng của Ủy ban quốc tế bay một vòng vào Hội An và ngược dòng Thu Bồn. Tôi cố tìm ngôi nhà của ba mẹ và tôi nhận ra ngay ngôi nhà của mình do vị trí và hình thù đặc biệt của nó. Hội An nhỏ xíu tôi thuộc lòng trong bàn tay, gần 30 năm xa cách, từ trên cao nhìn xuống tôi không nhầm lẫn nơi nào được. Ngược dòng Thu Bồn, tôi có dịp nhìn kỹ vùng Gò Nổi mà năm ngoái tôi nhìn thấy một vùng đất trắng. Thu Bồn có vẻ cạn hơn ngày xưa.

Khu trao trả là khe Đá Mài vùng giáp ranh giữa ta và địch, có lán trại và y tá. Cuộc trao trả nhanh gọn vì ta chỉ trao trả 5 nhân viên dân sự, trong đó có hai phụ nữ. Không biết ngày xưa ác ôn ra sao chứ bây giờ nhìn bủng rí và hiền khô. Ngày hôm sau đi dự trao trả ở Tam Kỳ, chúng tôi bay vào Kỳ Quế ở phía tây cách Tam Kỳ độ 10 phút bay. Địa phương đón tiếp chu đáo và tôi nhắc các địa phương sau khi máy bay cất cánh các đồng chí cho sơ tán ngay đề phòng tụi nó phản trắc. Chiều  về lại Đà Nẵng tôi nhờ một viên sĩ quan Ba Lan mua cho con trai một món quà đồ chơi là chiếc xe chạy pin và gửi ra Hà Nội. Ngày hôm sau chúng tôi trở về Tân Sơn Nhất bằng C46 và hoàn thành hai cuộc trao trả ngay trên quê hương thân yêu của tôi, với bao cảm xúc lạ thường của đứa con xa quê ngót 30 năm dài đằng đẵng.

Mai Phúc (lược ghi)
(còn nữa)