Báo Công An Đà Nẵng

Ngày ấy ở trại Davis (6)

Thứ bảy, 22/04/2017 11:52

* Kỳ cuối: Đón đoàn quân Giải Phóng

(Cadn.com.vn) - Từ cuối năm 1974 chúng tôi được học Nghị quyết Trung ương lần thứ 21, mà tinh thần chủ yếu là cách mạng miền Nam phải  dùng vũ trang cách mạng để giải quyết. Chúng tôi, những người sống giữa vòng vây quân thù, dựa vào văn bản của Hiệp  định Paris để đấu tranh, còn mong gì hơn tinh thần tấn công cách mạng đó.  Sau khi học Nghị quyết, tôi nghĩ trong thời gian sắp tới, có thể ta mở rộng vùng giải phóng Tây Nguyên và lúc đó có thể sử dụng sân bay Buôn Ma Thuột để làm nơi liên lạc với hậu phương và một khi vùng giải phóng mở rộng, chúng tôi sẽ đỡ bị o ép hơn, bởi khi quân dân ta đánh chiếm Buôn Ma Thuột, chắc chắn sẽ đánh chiếm Pleiku. Khi các đồng chí  Hungari đến báo cho Đoàn ta biết là ngày 16-3 phải đảm bảo  an toàn cho trực thăng của Ủy ban quốc tế đến Pleiku đón các đồng chí  Hungari và Ba Lan về Nha Trang  thì Đoàn ta phán đoán địch rút khỏi  Pleiku và báo cáo về hậu phương tin đó, từ ấy về sau thấy Ủy ban quốc tế rút nơi nào thì địch rút khỏi nơi đó. Ở trại Davis chúng tôi có được hình ảnh cuộc rút chạy của địch rất thê thảm qua báo chí Sài Gòn, đặc biệt là báo quân đội Mỹ "Sao và Vạch"  đăng nhiều ảnh rất rõ nét, tiếp đến là những chiến công dồn dập của quân dân ta trên khắp chiến trường như địch rút khỏi Quảng Trị, tan rã ở Huế, đại bại ở Đà Nẵng...

Đại tá Hà Cân.

Ở trại Davis, khi nghe tin giải phóng đến quê hương người nào thì người đó phải có cái gì đó chiêu đãi anh em. Đến lượt Quảng Nam- Đà Nẵng giải phóng,  anh Đoàn Văn Viên, một người anh em đồng hương và tôi lấy mấy chai rượu "Lúa mới", rang ít lạc gọi anh em trong Tiểu ban quân sự đến liên hoan.    Ngày 8-4, chúng tôi được nhìn thấy chiếc F5 ném bom Dinh Độc Lập, sau khi giải phóng Phan Rang, chúng tôi tin rằng ngày giải phóng Sài Gòn không còn bao lâu nữa. Chúng tôi được lệnh chuẩn bị chiến đấu bởi  địch có thể tấn công trại Davis. Riêng tôi, tôi không lo lắm khi lập luận lúc này địch có thể giữ ta làm con tin để cho sân bay Tân Sơn Nhất an toàn. Khả năng tấn công trại Davis chỉ ở những phút cuối trận đánh. Đến lúc đó chúng tôi cầm cự một ngày là bộ đội ta sẽ đến nơi thôi, vậy phải đào công sự chống được đạn pháo 130mm của ta. Một vấn đề đặt ra là làm sao để đào công sự mà địch không phát hiện vì xung quanh trại có 3,4 vọng gác của quân cảnh, chúng nó cứ bắt ghế nhìn chằm chằm vào trại.

 

Dụng cụ đào hầm được đưa từ Hà Nội vào, xong hầm ẩn nấp, chúng tôi bắt đầu moi hang chuột sang nhà bên. Phải mất 15 ngày mới hoàn thành hệ thống hầm liên hoàn, từ hầm chỉ huy có thể đi đến các hầm khác bằng đường ngầm dưới đất, địch hoàn toàn không biết. Ngày 28-4 chúng tôi nghe tiếng nổ lớn, tiếng bom nghe rất gần, tôi nghĩ chắc trong sân bay Tân Sơn Nhất, tối nghe BBC nói máy bay ném bom chiều  nay bay về hướng Bắc, máy bay của ta chăng?      Không ai bảo ai, chúng tôi nhận  định trận đánh lớn vào Sài Gòn bắt đầu, quân ta đã chiếm Biên Hòa, Long Thành rồi,  các anh em trong trại bình tĩnh kiểm tra lại mọi thứ đã chuẩn bị: 1 chiếc balô sẵn sàng cơ động, lương khô, súng đạn để dưới hầm... 3 giờ sáng ngày 29-4, pháo bắn cấp tập vào sân bay Tân Sơn Nhất, mảnh đạn bay rào rào trên nhà, pháo vẫn bắn vào lúc nhặt, lúc thưa, tôi nhìn qua lỗ châu mai thấy máy bay vẫn cất cánh, đến trưa thì hết hẳn, sở chỉ huy Đoàn thông báo quân ta đã vào đến thành phố. Chiều hôm đó nhìn sang phía  nhà binh không còn thấy lính gác. Chúng tôi đoán pháo ta từ Nhơn Trạch bắn vào đây vì nghe tiếng súng phía đông thành phố. Tối 29-4,  nằm dưới hầm chúng tôi nghe tiếng xe tăng  chạy ngoài đường băng. Sáng 30-4, sau trận pháo cấp tập nữa thì dừng hẳn, chúng tôi nhận được thông báo quân ta đã tiến vào các đường phố Sài Gòn. Sở dĩ nhận được các bước tiến của quân ta vì  được cấp trên cho biết tần số liên lạc của bộ đội. Có người đi từng nhà gọi: "Ra chào đón bộ đội ta vào thôi!". Nhìn ra đường,  giày lính vứt thành hàng dài. 9 giờ 30, ra cổng đón bộ đội ta vào, gặp chúng tôi hỏi: "Trụ sở Đoàn ta ở đâu"? "Đây chứ ở đâu". Mỗi người một mảnh vải  trắng cài lên  túi áo bên trái là ám hiệu để nhận nhau. Cảnh gặp bộ đội ta thật cảm động. Có một số anh không còn mũ. Trước khi bộ đội ta vào, Đoàn đã cho kéo cờ giải phóng trên tháp nước. Chúng tôi vừa thu xếp đồ đạc cá nhân vừa theo dõi chiến sự đang phát triển vào trung tâm thành phố. Mở đài nghe Nguyễn Hữu Hạnh,  phụ tá Tổng tham mưu trưởng Quân đội VNCH kêu gọi lính ngừng bắn tìm cách liên lạc với bộ đội giải phóng và sung sướng nhất là khi nghe Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đầu  hàng. Lệnh của trưởng Đoàn tất cả không ai được ra khỏi trại, đến ngày 2-5 chúng tôi được đi một vòng ra phố. Cách mạng thực sự là ngày hội của quần chúng. Nhân dân đổ ra đường xem bộ đội ta tiến vào thành phố qua các ngả đường.  Mấy ngày sau xin phép Đoàn, tôi tìm đến căn nhà 750/12 Phan Thanh Giản, gõ cửa và hỏi một cháu bé: "Có phải nhà bà Hà Thị Lê đây không? Má cháu có nhà không?". "Dạ có". Lê nhìn thấy tôi, gọi lớn: "Mạ ơi! anh Cân về".  Mạ tôi từ dưới đi lên, tôi ôm mạ và khóc. Mạ  cũng khóc và nói: "Mạ tưởng con không về chớ"! Khi ngồi uống nước, mạ nói: "Con nói thiệt đi, ba con còn sống không?" Còn sống chứ sao không, ba ở Hà Nội vừa mới gửi thư cho con". Một phần của gia đình tôi đoàn tụ trong nước mắt và hạnh phúc ở Sài Gòn. Chiều hôm đó, ba tôi, vợ con tôi và các em ở Hà Nội cũng nhận được tin tôi gặp được mạ ở Sài Gòn, ai nấy vỡ òa hạnh phúc trong  những ngày vui  chung của dân tộc. Thế là 26 năm tôi mới gặp lại Mạ tôi. Hơn một phần tư thế kỷ trôi qua, chỉ có dân tộc ta mới có sức chịu đựng sự chia ly thế này.

Mai Phúc (lược trích)