Báo Công An Đà Nẵng

Ngày càng xuất hiện nhiều dấu hiệu dị thường của thiên tai

Thứ bảy, 04/04/2015 09:19

(Cadn.com.vn) - Ngày 3-4, tại hội thảo chia sẻ kết quả và tổng kết tiểu dự án “Thành lập văn phòng điều phối về biến đổi khí hậu” nằm trong chương trình Mạng lưới các thành phố Châu Á có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu (ACCCRN) do Quỹ Rokefeller tài trợ, ông Đinh Phùng Bảo – Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ đánh giá:

PHỨC TẠP, BẤT THƯỜNG

Trên cơ sở thống kê, phân tích các chỉ số khí hậu có sự đối sánh, ông Đinh Phùng Bảo cho rằng, những biến đổi bất thường của thời tiết và khí hậu đã tác động đáng kể đến đời sống xã hội của Đà Nẵng. Các yếu tố được nói đến do ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu là sự tăng nền nhiệt độ, sự thay đổi về tình hình mưa và nước biển dâng.

Cụ thể từ số liệu tại 3 trạm khí tượng Đà Nẵng, Tam Kỳ và Trà My trong 3 thập niên vừa qua, nền nhiệt độ tại các trạm đồng bằng đã tăng 0,2 đến 0,3 độ so với thập niên trước đó. Tổng lượng mưa năm có xu hướng tăng rõ rệt (15-25mm/năm), cả vùng đồng bằng và miền núi cao, lượng mưa tăng không chỉ trong mùa mưa (10-20mm/năm) mà cả mùa khô cũng tăng lên (5-10mm/năm).

Số lượng bão đổ bộ vào Đà Nẵng tính trung bình 1-2 cơn/năm (nhiều hơn Quảng Nam và Thừa Thiên – Huế), nhưng điều đáng lo ngại là cường độ bão có sự thay đổi rõ rệt, số lượng bão mạnh (cấp 12 trở lên) xuất hiện nhiều hơn. Cạnh đó, mưa lớn dị thường cũng đã gây hậu quả không nhỏ tới đời sống dân sinh của Đà Nẵng, tiêu biểu trong số này là mưa gây ra các trận đại hồng thủy vào các năm 1999, 2007, 2009 và mới đây nhất là đợt mưa cuối tháng 3-2015.

“Thông thường, trong những tháng đầu năm, Đà Nẵng cũng như khu vực Trung Trung Bộ nói chung lượng mưa không đủ bù cho lượng bốc hơi. Nhưng riêng năm 2015, chỉ trong tháng 3 có 2 trận mưa lớn đã gây nên lũ trên nhiều lưu vực. Trận mưa vừa qua báo động sự dị thường của thời tiết do tác động của biến đổi khí hậu”, ông Đinh Phùng Bảo khẳng định. Trong khi đó, một số ý kiến khác lại lưu ý đến hiện tượng lũ lụt với việc chế độ thủy văn trong những năm gần đây diễn biến rất phức tạp. Có năm mưa – lũ vượt giá trị lịch sử nhưng có năm lại gần như không xuất hiện lũ. Cạnh đó, sự gia tăng mực nước biển làm cho mặn có xu hướng ngày càng xâm nhập sâu hơn vào lòng sông.

Việc nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân trong công tác ứng phó với thiên tai là nhiệm vụ được Đà Nẵng đặc biệt quan tâm. Trong ảnh: Lãnh đạo thành phố kiểm tra tình hình sơ tán của người dân trước bão Nari 2013.

ĐÀ NẴNG ĐÃ PHẢN ỨNG RA SAO?

Với việc phải thường xuyên đối mặt với bão lũ, đặc biệt là phải chứng kiến những hậu quả nặng nề về người và tài sản trong những năm qua, chính quyền và nhân dân TP Đà Nẵng ngày càng chủ động hơn trong công tác ứng phó với các hiện tượng cực đoan của thời tiết, của biến đổi khí hậu. Điểm đáng ghi nhận nhất chính là việc thành phố đã xây dựng được phương án phòng chống và khắc phục hậu quả ứng phó với các kịch bản thiên tai với 6 tình huống: bão và bão mạnh (gió từ cấp 8 đến cấp 11), bão rất mạnh và siêu bão (cấp 12 trở lên), lũ, lũ quét, vỡ hồ chứa và sóng thần.

Cạnh đó đã phát hành 18.500 cuốn sổ tay hướng dẫn phòng chống thiên tai, phòng tránh bão lũ cho cộng đồng. Phương án này được xây dựng trên nguyên tắc 4 tại chỗ, đảm bảo 3 giai đoạn trước, trong và sau thiên tai phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Trong mỗi phương án ứng phó, gần như Đà Nẵng đặt người dân vào trung tâm của nhiệm vụ truyền thông, tổ chức ứng phó, sơ tán và khắc phục, dưới sự hướng dẫn của chính quyền cơ sở.

Đà Nẵng cũng là địa phương khai thác và vận dụng tốt các khoản tài trợ từ bên ngoài cho các dự án liên quan đến chống biến đổi khí hậu. Tiêu biểu trong số này chính là các tiểu dự án do Quỹ Rokefeller hỗ trợ thông qua Viện Chuyển đổi môi trường và xã hội Hoa Kỳ (ISET). Chỉ từ tháng 1-2011 đến tháng 1-2012, Đà Nẵng đã tiếp nhận 5 tiểu dự án mang lại hiệu quả cao trong thực tiễn là Mô hình thủy văn, thành lập Văn phòng điều phối về biến đổi khí hậu, Quỹ Xoay vòng nhà ở chống bão, Giáo dục tích hợp biến đổi khí hậu tại Q. Cẩm Lệ và Quản lý tài nguyên nước.

Mặc dù cùng “đệ đơn” cùng 2 địa phương khác là Bình Định và Cần Thơ nhưng Đà Nẵng đã trở thành địa phương duy nhất của Việt Nam và là 1 trong 67 thành phố đầu tiên trên thế giới được hưởng lợi từ chương trình 100 thành phố có khả năng chống chịu. Một trong 5 tiểu dự án của chương trình được xem là thành công nhất đến thời điểm hiện tại chính là nhà ở chống bão với 322 hộ được hưởng lợi. Không chỉ khẳng định sự hiệu quả khi tất cả những ngôi nhà trong dự án này đều an toàn trong bão Nari năm 2013, mà từ nguồn tài trợ ban đầu của Quỹ Rokefeller, hiện Ngân hàng Phát triển Châu Á đã đồng ý tài trợ nghiên cứu nhân rộng dự án.

Bài toán của Đà Nẵng hiện tại, theo nhiều chuyên gia chính là khó khăn trong việc lồng ghép các dự án vận động tài trợ từ bên ngoài vào hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai của địa phương. Cạnh đó, việc nâng cao năng lực cho cán bộ và cộng đồng thời gian qua chưa thực sự thường xuyên, liên tục mà vấn đề cơ bản nhất vẫn là thiếu kinh phí cho các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, diễn tập thực tế...

Theo đánh giá của BCH PCLB&TKCN thành phố, trong phương án phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai, một số kịch bản khó như siêu bão, lũ quét, vỡ hồ chứa vẫn còn hạn chế như chưa thực sự chi tiết trong việc khoanh vùng khu vực cần sơ tán, độ an toàn địa điểm sơ tán đến, bản đồ sơ tán, mức độ, phạm vi ảnh hưởng của từng kịch bản thiên tai. Một số đơn vị, địa phương vẫn còn lúng túng trong việc xây dựng phương án cho chính mình. BCH PCLB&TKCN cho hay, ngoài việc tiếp tục hoàn thiện các tình huống cho từng kịch bản, phải nâng cao hiệu quả của phương châm “4 tại chỗ” với cơ chế chỉ huy tập trung, thống nhất giữa các cấp, các ngành. Quan trọng nhất là nâng cao ý thức lấy phòng tránh là chính cho các tầng lớp nhân dân.

Phó chủ tịch UBND TP Phùng Tấn Viết cho rằng, việc thực hiện tốt công tác ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố vừa là thách thức lớn nhưng cũng tạo nên những cơ hội phát triển mạnh hơn, sức đề kháng tốt hơn. Bởi lẽ khi hoạt động này được triển khai đồng bộ, mạnh mẽ từ cấp chính quyền đến cộng đồng dân cư sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro, hiểm họa cho người dân. Ngoài việc nâng cao hiểu biết của cán bộ, nhân dân, thành phố cũng sẽ vận dụng, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tài trợ thông qua các dự án vì mục đích nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu của cộng đồng dân cư.

Đông A