Báo Công An Đà Nẵng

Ngày đẫm máu ở Kabul

Thứ hai, 25/07/2016 09:54

(Cadn.com.vn) - Ngày 24-7, Afghanistan tổ chức quốc tang các nạn nhân vụ đánh bom tự sát nhằm vào một cuộc biểu tình hòa bình ở thủ đô Kabul một ngày trước đó. Vụ tấn công khiến ít nhất 80 người thiệt mạng, chủ yếu là các thành viên của nhóm người thiểu số Hazara - cộng đồng người Shiite từ lâu bị đàn áp tại Afghanistan - và hơn 230 người bị thương. Đây là cuộc tấn công đẫm máu nhất ở Kabul kể từ năm 2001.

Trong bài phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Ashraf Ghani thề sẽ trả đũa những kẻ đã gây ra vụ tấn công kinh hoàng trên. Đại sứ LHQ tại Afghanistan cho rằng, vụ tấn công là một “tội ác chiến tranh”.

Người dân Afghanistan cầu nguyện cho các nạn nhân vụ đánh bom. Ảnh: EPA

Tấn công chết người

Vụ tấn công ở Kabul xảy ra gần tòa nhà Quốc hội Afghanistan và Đại học Kabul. “Chúng tôi đang biểu tình hòa bình thì nghe thấy tiếng nổ và sau đó tất cả mọi người thoát ra ngoài và la hét. Tôi nhìn thấy nhiều người chết và hầu hết trong số họ dính đầy máu. Không có ai giúp đỡ các nạn nhân. Cảnh sát xuất hiện và tôi nghe tiếng súng nổ. Sau đó, tôi không biết xảy ra chuyện gì nữa”, một người biểu tình cho biết. Nạn nhân còn bao gồm những người đứng xem và các nhân viên của Lực lượng Quốc phòng và An ninh Afghanistan (ANSDF).

2 kẻ đánh bom tự sát kích nổ số thuốc được giấu trong thắt lưng, còn kẻ thứ ba đã bị ANSDF bắn chết trước khi kịp kích nổ thiết bị mang trong người. Tổ chức Hồi giáo cực đoan IS nhận trách nhiệm về vụ tấn công. Như vậy, đây là lần đầu tiên tổ chức khủng bố này thực hiện thành công một cuộc tấn công quy mô lớn ở Kabul. Gần đây nhất, cả IS và Taliban đều nhận trách nhiệm về vụ đánh bom tự sát ở Kabul hồi tháng 6-2016 giết chết 14 nhân viên bảo vệ người Nepal. Tuy nhiên lần này, Taliban tại Afghanistan ngay lập tức phủ nhận trách nhiệm về vụ đánh bom.

Cuộc biểu tình với sự tham gia của khoảng 10.000 người Hazara nhằm phản đối việc thay đổi kế hoạch xây dựng tuyến đường dây truyền tải điện 500 KV qua trung tâm tỉnh Bamiyan, khu vực nghèo đói và bị cô lập ở phía tây Kabul, nơi có cộng đồng người Hazara lớn nhất Afghanistan. Trước đó, chính phủ tuyên bố không cho chạy tuyến đường dây qua Bamiyan nữa mà thay vào là chạy qua đèo Salang, phía bắc thủ đô Kabul tới Turkmenistan vì sẽ tiết kiệm được hàng triệu USD trong chi phí xây dựng.

Trước đây, người dân tộc thiểu số Hazara nhiều lần bị những kẻ Hồi giáo cực đoan tấn công. Năm 2015, 7 người Hazara bị các phiến quân ở tỉnh Zabul bắt cóc và chặt đầu, gây ra các cuộc biểu tình ở thủ đô Kabul sau đó.

Bất ổn ngày càng tăng

Đây là vụ tấn công mới nhất trong một loạt những vụ bắt cóc và đánh bom ở Kabul, làm dấy lên những lo ngại về an ninh ở thủ đô của Afghanistan.

Bộ Ngoại giao Mỹ đề nghị Tổng thống Ghani cho phép hỗ trợ trong quá trình điều tra vụ tấn công này. Trong một thông báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, ông John Kirby nói: “Những kẻ sát nhân chịu trách nhiệm về vụ đổ máu này không đại diện cho tương lai của Afghanistan và sẽ không thể giành ưu thế”. Trong thời gian qua, Mỹ cấm các nhà ngoại giao đi lại bằng đường bộ từ sân bay quốc tế của thành phố đến cơ quan ngoại giao mà thay vào đó, họ được đưa đón bằng trực thăng. Trong khi đó, cuộc chiến 14 năm chống Taliban ở vùng nông thôn Afgahnistan vẫn đẫm máu hơn bao giờ hết. Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 6-7 tuyên bố sẽ hoãn kế hoạch rút 9.800 quân hỗ trợ Afghanistan vì tình hình an ninh bất ổn tại đây, trong đó có các mối đe dọa đang nổi lên từ IS. “Trước những thách thức to lớn mà họ phải đối mặt, người dân Afghanistan cần sự hợp tác của thế giới, dẫn đầu là Mỹ, trong nhiều năm tới”, ông Obama nêu rõ.

An Bình

(Theo Diplomat, CNN)