Báo Công An Đà Nẵng

“Ngày đen tối” cho Tây Ban Nha

Thứ tư, 11/10/2017 10:00

Thị trưởng thành phố Barcelona của Tây Ban Nha Ada Colau đã hối thúc nhà lãnh đạo vùng Catalan Carles Puigdemont không tuyên bố độc lập, cảnh báo, hành động này sẽ gây ra nguy cơ cho “sự cố kết xã hội”. 

Căng thẳng gia tăng tại một cuộc biểu tình ở Valencia khi những người biểu tình cánh hữu cố gắng chặn những người ủng hộ Catalan độc lập. Ảnh: AFP

Cuộc khủng hoảng Catalan ở Tây Ban Nha đang đối mặt với thời điểm quyết định khi nhà lãnh đạo khu vực tự trị này, ông Carles Puigdemont sẽ có bài phát biểu quan trọng trước các nghị sĩ trong Quốc hội khu vực này trong ngày 10-10 (giờ địa phương). Những người ủng hộ hy vọng, ông Puigdemont sẽ ra tuyên bố độc lập cho Catalan, động thái có thể gây ra những cú sốc khắp Châu Âu.

Cho dù nhà lãnh đạo 54 tuổi của Catalan có quyết định như thế nào, câu hỏi ván cờ này sẽ đi đến đâu vẫn còn là một bí ẩn. Vấn đề là tương lai của khu vực 7,5 triệu người này, một trong những điểm kinh tế quan trọng nhất của Tây Ban Nha, mà nếu họ tuyên bố độc lập sẽ làm dấy lên mối quan ngại về sự ổn định ở Liên minh Châu Âu (EU).

Chính phủ Tây Ban Nha sẽ làm gì?

Các nhà lãnh đạo chính trị ở Catalan, chính phủ Tây Ban Nha và cả EU đã kêu gọi các nhà hoạt động ly khai của Catalan “quay đầu” nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng lớn nhất ở nước này kể từ những năm 1970. Nhưng ông Puigdemont kiên quyết nhấn mạnh, vùng lãnh thổ tự trị này sẽ áp dụng đạo luật trưng cầu ý dân, trong đó sẽ tuyên bố độc lập nếu kết quả cho thấy phe ủng hộ chiếm đa số. 

Khoảng 90% người tham gia bỏ phiếu đã ủng hộ độc lập. Tuy nhiên, tỷ lệ bỏ phiếu ở mức rất thấp, chỉ khoảng 40% vì người Catalan không muốn độc lập tẩy chay cuộc trưng cầu bất hợp pháp này. Ông Puigdemont khẳng định sẽ tuyên bố độc lập nếu chính quyền Madrid tiếp tục từ chối đối thoại. Phó Thủ tướng Tây Ban Nha Soraya Saenz de Santamaria đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ. “Nếu quý ông này (ông Puigdemont) đơn phương tuyên bố độc lập, các biện pháp sẽ phải được thực hiện”, bà Santamaria nói với đài Phát thanh COPE. Thủ tướng Mariano Rajoy cuối tuần qua cũng bác bỏ cơ chế hiến pháp chưa từng có để áp đặt quy tắc nắm quyền trực tiếp của vùng tự trị này -  một động thái làm gia tăng căng thẳng hơn nữa.

Căng thẳng gia tăng

Các nhà hoạt động ly khai Catalan phải chịu áp lực rất lớn cả trong và ngoài nước để ngăn chặn các kế hoạch thoát khỏi Tây Ban Nha.

Tối 9-10, bà Ada Colau, thị trưởng nổi tiếng của Barcelona, đã cảnh báo một tuyên bố độc lập sẽ khiến “sự gắn kết xã hội” gặp rủi ro và hối thúc nhà lãnh đạo vùng Catalan không tuyên bố độc lập. “Kết quả của cuộc trưng cầu dân ý không thể là sự chứng thực để tuyên bố độc lập nhưng chúng tạo thành khả năng mở một cuộc đối thoại và hòa giải quốc tế”, bà Colau nói.

Tại Pháp, Bộ trưởng các vấn đề Châu Âu của Pháp Nathalie Loiseau cho biết, Paris sẽ không công nhận Catalan nếu miền đất thuộc Tây Ban Nha này đơn phương tuyên bố độc lập. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel ủng hộ Tây Ban Nha thống nhất trong một cuộc điện đàm với người đồng cấp Rajoy vào cuối tuần. Áp lực cũng đến từ các nẻo đường ở Tây Ban Nha. Hàng trăm ngàn người biểu tình vây quanh trung tâm Barcelona phản đối kế hoạch độc lập. Trong khi đó, ANC, một tổ chức độc lập ủng hộ độc lập của Catalan, kêu gọi những người ủng hộ xem phiên họp Quốc hội khu vực được trực tiếp trên truyền hình ở Barcelona.

Những mối lo

Nỗ lực của chính quyền vùng Catalan nhằm tách khỏi Tây Ban Nha đang làm dấy lên lo ngại về hiệu ứng domino. Trên thực tế, chính nó đã thắp lại những giấc mơ độc lập ở những khu vực sắc tộc khắp Balkan, một tham vọng nguy hiểm tiềm ẩn tại khu vực đã nổ ra cuộc bạo loạn mang chủ nghĩa dân tộc khiến hàng chục ngàn người thiệt mạng vào những năm 1990. 

Từ những người sắc tộc Albania ở Nam Serbia cho tới những người Serb ở Cộng hòa Srpska, những lãnh đạo theo chủ nghĩa ly khai đang đặt ra một câu hỏi sau cuộc trưng cầu ý dân đòi độc lập của Catalan hôm 2-10 rằng: Tại sao chúng ta không thể làm giống như vậy? Có một sự thật, Kosovo đã khuyến khích nhiều lãnh đạo có cùng mục đích trong khu vực trong khi lại khiến nhiều lãnh đạo khác tức giận. Và sự bất nhất của EU chính là khối này coi cuộc trưng cầu ý dân của chính quyền Catalan là bất hợp pháp trong khi lại ủng hộ sự độc lập của Kosovo như một “trường hợp đặc biệt” và đã chọc giận Serbia.

Cuộc khủng hoảng Catalan cũng gây ra sự không chắc chắn trong giới kinh doanh. Dưới sự dẫn dắt của hai ngân hàng lớn của khu vực, CaixaBank và Sabadell, một loạt các Cty đã chuyển trụ sở pháp lý của họ - chứ không phải nhân viên - từ Catalan đến các vùng khác của Tây Ban Nha.

KHẢ ANH