Ngày gần nhất ba mẹ sẽ về bên con
Trong những ngày gần đây, trên mạng xã hội hình ảnh 2 đứa trẻ mặc áo blouse và bộ quần áo CA đã chạm tới trái tim của tất thảy những ai vô tình lướt qua. Có lẽ, những ánh mắt ngây thơ, nụ cười hồn nhiên ấy đã làm dịu lại những cơn nắng chói chang trong ngày hè và xua tan bầu không khí căng thẳng đang phủ lên cả thành phố trước cơn đại dịch.
Hai em bé mặc áo blouse và bộ quần áo CA nhờ người lớn chụp ảnh để gửi đến ba mẹ (hình ảnh từ mạng xã hội facebook). |
Một trong hai đứa trẻ trong bức hình (xin giấu tên) được chia sẻ và nhận được nhiều sự quan tâm của mọi người trong những ngày vừa qua có ba công tác trong lực lượng CA và mẹ là điều dưỡng BV Giao thông Vận tải. Trong những ngày ba đi công tác xa, mẹ trực cách ly tại BV, bé cả ngày lủi thủi trong nhà cùng ông bà. Bé cùng bạn cạnh nhà hẹn mặc đồ CA và bác sĩ phần vì thích thú phần vì muốn gửi đến ba mẹ hình ảnh đẹp để ba mẹ có thêm niềm vui, vơi bớt mệt nhọc và hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Không riêng gì em, trong những ngày Đà Nẵng trở thành tâm dịch, những đứa trẻ có ba mẹ làm trong ngành Y tế và CA thiệt thòi hơn cả. Có dịp trò chuyện với chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh đang công tác tại Trạm y tế P. Hải Châu 2 (Q. Hải Châu) mới thấu hết nỗi vất vả của chị trong những ngày cùng đơn vị phòng, chống dịch. Được biết, chồng chị là Thượng úy Dương Văn Ngọc công tác tại CAP Hòa Minh (Q. Liên Chiểu). Những ngày vừa qua, vợ chồng anh chị ngậm ngùi gửi 2 đứa con cho bà con lối xóm và nhà cô giáo để cùng đồng nghiệp chiến đấu đẩy lùi dịch bệnh.
Chị Hạnh trải lòng: "Đứa con gái đầu lòng năm nay lên 5 tuổi buổi sáng khi con còn say giấc chị phải thức dậy và dắt sang gửi nhà hàng xóm. Chị hai đã hiểu chuyện, ở nhà các cô chú ngoan ngoãn, biết vâng lời. Còn em nhỏ vừa tròn 2 tuổi nhờ cậy cả vào cô giáo. Thấu hiểu hoàn cảnh, công việc của vợ chồng nên cô giáo nhận lời nhưng tôi cũng ái ngại sợ làm phiền cô".
Những ngày Đà Nẵng đang trong tâm dịch, vợ chồng chị thường xuyên vắng nhà. Chuyện chợ búa đành gác lại, bếp núc cũng không đỏ lửa. Hàng ngày, chị nhận các suất cơm từ thiện do tận tay của các chị em trong phường nấu và mang về 3 mẹ con cùng ăn. Khi ăn cơm xong chị lại ngồi vào bàn làm việc đến tận khuya, 2 chị em tự chơi với nhau rồi lăn ra ngủ khi nào không hay. Còn chồng thì thỉnh thoảng ghé về nhà thăm con rồi lại vội đi, tranh thủ những lúc nghỉ ngơi là điện về nói chuyện, nhắc nhở con tự chăm lo sức khỏe, bảo vệ bản thân.
Gia đình chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh và Thượng úy Dương Văn Ngọc (hình ảnh do nhân vật cung cấp). |
Chị Hạnh vui vẻ cho biết: "Ông bà ngoại ở tận trong Quảng Nam còn ông bà nội còn phải đi làm nhưng vì không ai trông nom cháu nên ông bà thu xếp công việc là vội vàng đón cháu về trông nom nên vợ chồng cũng yên tâm phần nào và chuyên tâm vào công việc". Theo lời chị Hạnh, không chỉ riêng chị mà nhiều đồng nghiệp cùng cơ quan cũng có hoàn cảnh tương tự. Nhiều lúc, các chị em nghĩ đến con cái bơ vơ, thiếu sự săn sóc, vỗ về của ba mẹ ai nấy đều không cầm được nước mắt, ôm nhau khóc. Sau khi trút bỏ hết những nỗi buồn trong lòng các chị lại mạnh mẽ, kiên cường hơn và làm tốt nhiệm vụ được giao để chung tay cùng thành phố chiến thắng dịch bệnh.
Dẫu biết rằng, "chống dịch như chống giặc" và những CBCS, đội ngũ y, bác sĩ luôn xung phong trên mặt trận đầy gian khổ và gai góc đó nhưng đằng sau họ còn những đứa con thơ mong được mẹ vỗ về, còn ba mẹ già phải chăm sóc hàng đêm. Tuy nhiên các bệnh nhân, người dân đang cần ba mẹ các con nơi tuyến đầu chống dịch nên các con đành chịu thiệt thòi. Dù rằng ba mẹ không ở bên nhưng vẫn luôn dõi theo các con và kiên cường chiến đấu đẩy lùi dịch bệnh để về bên con trong ngày gần nhất.
NGUYỄN LIÊN