Báo Công An Đà Nẵng

Ngày hè của công nhân chui cống ngầm

Thứ năm, 20/08/2015 11:47

(Cadn.com.vn) - Khi người đi đường muốn chạy thật nhanh trốn cái nắng gắt ngày hè, thì cũng là lúc dưới cống ngầm, các công nhân thông cống vẫn đang phải ngâm mình trong dòng nước đen ngòm, nồng nặc mùi xú uế và nóng nực để móc lên từng xô bùn rác.

Làm việc ở nơi bẩn nhất

Đã quá trưa nhưng đội công nhân chui cống của Cty thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng vẫn gắng làm xong phần việc trong cống ngầm trên đường Mai Am, Q.Hải Châu. Đội phó Nguyễn Hoài Nam cho biết, với các đường cống chính thế này, đã mở nắp là phải vét sạch bùn rác mới đậy lại. Là người cuối cùng trong đội chui lên từ lỗ cống, chàng công nhân trẻ Phạm Văn Tứ (20 tuổi) kể, dưới đó tối tăm nên chẳng quan tâm đã trưa hay chiều. Ngồi quây quanh bóng cây trên vỉa hè, nhóm thợ mở cơm hộp ra ăn, trên mặt vẫn lấm lem bùn đất, mồ hôi. “Đã quen rồi, có hôi thối mấy cũng phải ăn để có sức làm tiếp. Dưới cống là nơi bẩn nhất tụi em còn chịu được, huống gì trên này”-Tứ vừa ăn vừa nói.

Nhiều thợ chui cống cho biết, làm nghề này bẩn mấy rồi cũng quen, nhưng nếu không vượt qua mặc cảm thì sớm muộn cũng bỏ nghề. Trần Hoàng Tân (30 tuổi) quê ở Quế Sơn- Quảng Nam phiêu bạt ra Đà Nẵng buôn bán trầm hương nhưng thu nhập bấp bênh, nên khi cưới vợ, Tân muốn tìm một công việc ổn định. Từ 1 năm nay Tân vào làm công nhân nạo vét cống của trạm Sơn Trà thuộc Cty thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng. Lần đầu tiên chui cống, Tân có cảm giác như vào địa ngục vì tối tăm, hôi thối, nóng nực. Tân nói vui, ngày trước buôn trầm đi với người yêu lúc nào cũng thơm tho, thì nay chui cống nhiều mùi xú khí ảm vào người, về nhà tắm rửa sạch đến mấy người vẫn “bốc mùi”. Cũng may đã có vợ, chứ còn yêu nhau, chắc sớm muộn người yêu cũng bỏ.

Trong những cống ngầm lớn thế này thường có khí độc ở một số điểm đòi hỏi thợ chui cống phải có kinh nghiệm để “né”.

“Bí quyết” chui cống

Có thâm niên gần chục năm chui cống khu vực Sơn Trà, anh Trần Hữu Trung (35 tuổi) cùng đội với Tân bảo, mọi ngõ ngách dưới cống anh đều thuộc trong lòng tay. Nơi anh Trung cảm thấy “ớn lạnh” nhất là đường cống chỗ chợ Hà Thân. Ở dưới đó nào là xác chuột chết, nhớt, hóa chất, mảnh chai, xác mỡ thối... Bình thường chui xuống đó mùi xú uế đã muốn ngột thở, vậy mà lúc trời nắng, nước càng bốc mùi nặng hơn, nửa người dưới thì dầm trong nước, nửa người trên thì toát mồ hôi, chẳng may vơ phải đống mảnh chai, kim tiêm thì khổ lắm. Nhưng vì nắm rõ đặc điểm các đường cống, nên anh Trung rất kinh nghiệm, ít khi để mình rơi vào tình thế hiểm nguy.  Khu vực Sơn Trà có khoảng 30km đường cống ngầm, trước mùa mưa bão phải được móc hết bùn rác để nước thải đô thị được thông suốt về trạm xử lý. Vì vậy, những ngày hè này, đội thợ chui cống của anh phải hoạt động hết công suất.



Công nhân móc lên từng xô bùn đất trong thế giới cống ngầm tối tăm, bẩn thỉu,
ngột ngạt mùi xú uế.

Mặc dù Cty có trang bị mặt nạ than để phòng độc, nhưng đeo một thời gian ngắn, xuống đường cống nóng quá, anh em đều lột ra hết. Ngược lại với các đường cống nhỏ hơn, để cào được bùn rác, họ phải ngâm mình trong nước thải ngập tới cổ, thậm chí phải ngụp lặn xuống mới móc được bùn, rác. Còn mùa mưa thì cống nghẹt vì rác, xuống dưới đó, nếu không kinh nghiệm, rất dễ bị nước cuốn trôi. Vì thế anh em thường phải cột dây ngang bụng, lỡ mưa đột ngột, nước tràn xuống cống nhanh, anh em ở trên đường sẽ giật mạnh sợi dây để biết mà chui lên...

 Phần đông gia đình những công nhân làm vệ sinh cống ngầm đều nghèo, vợ không có việc làm ổn định hoặc làm công nhân, vất vả. Như anh Nguyễn Hữu Khanh, vợ làm công nhân ở KCN Hòa Khánh công việc không ổn định, phải nhờ Cty hỗ trợ mới có thể dựng được căn nhà nhỏ khu vực bãi rác Khánh Sơn. Cuộc sống gia đình chật vật, song bù lại 2 đứa con anh đều học rất giỏi. Sống trên bãi rác, làm việc trong cống ngầm, nhưng anh Khanh luôn lạc quan, bởi chính các con đang là nguồn động lực thôi thúc anh bước đi mạnh mẽ hơn trong cuộc sống gian nan này.

Phóng sự: Hải Hậu