Báo Công An Đà Nẵng

Ngày khủng bố đẫm máu ở Afghanistan

Thứ tư, 02/05/2018 12:26

Afghanistan vẫn chưa hết chấn động sau loạt vụ đánh bom và tấn công khủng bố liên tiếp xảy ra tại nhiều khu vực của nước này vào hôm 30-4, khiến gần 40 người thiệt mạng, trong đó có 10 nhà báo và 11 trẻ em. Nhóm IS đã nhận trách nhiệm.

Hai vụ tấn công xảy ra tại nhiều khu vực của Afghanistan, khiến 10 nhà báo thiệt mạng.  Ảnh: CNN

9 phóng viên thiệt mạng trong một vụ đánh bom tại Kabul và 1 phóng viên của hãng tin BBC bị giết hại trong một vụ nổ súng tại tỉnh Khost của Afghanistan. Nhiếp ảnh gia chính của AFP tại Kabul, Shah Marai, nằm trong số những người thiệt mạng. "Thảm kịch này nhắc nhở về sự nguy hiểm mà các đồng nghiệp của chúng tôi liên tục phải đối mặt cũng như vai trò quan trọng của các nhà báo đối với nền dân chủ Afghanistan", giám đốc điều hành AFP Fabrice Fries cho biết.

"Thảm họa" đối với ngành truyền thông

Đây còn được coi là ngày "thảm họa" đối với các nhà báo trên thế giới kể từ vụ tấn công nhằm vào văn phòng của tờ Charlie Hebdo hồi năm 2015.

Theo CNN, dường như vụ đánh bom thứ hai tại Kabul chủ yếu nhằm vào giới phóng viên, khi kẻ tấn công đóng giả phóng viên đến đưa tin tại chính hiện trường một vụ đánh bom xảy ra trước đó không lâu. Người đứng đầu lực lượng cảnh sát Kabul, Mohammad Daud Amin cho biết: "Kẻ đánh bom, giả danh một phóng viên quay phim, cho phát nổ bom trên mình khi đứng giữa nhóm phóng viên đến đưa tin. Một số phóng viên và nhiều người xung quanh hiện trường vụ nổ thứ nhất đã thiệt mạng và bị thương".

Trong khi đó, phóng viên của BBC tại Afghanistan, Ahmad Shah, bị bắn chết bởi các tay súng ở tỉnh Khost. "Đây là một mất mát lớn và tôi gửi lời chia buồn chân thành đến bạn bè và gia đình của Ahmad Shah cũng như toàn bộ đội ngũ BBC tại Afghanistan", giám đốc BBC Jamie Angus cho biết.

Tổ chức Nhà báo Không biên giới (RSF), một trong những nhóm ủng hộ sự an toàn của các nhà báo, cho biết đây là cuộc tấn công tồi tệ nhất đối với các nhà báo tại Afghanistan kể từ khi chính phủ Taliban sụp đổ vào tháng 12-2001. "Giết hại các nhà báo là một cuộc tấn công vào quyền tự do ngôn luận. Theo luật chiến tranh, các cuộc tấn công có chủ ý nhằm vào dân thường là tội ác chiến tranh. Thực hiện một cuộc tấn công nhằm vào nhà báo cũng là một hành động tội lỗi, một tội ác chiến tranh", Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Thế giới (HRW) cho biết.

Theo Ủy ban bảo vệ các nhà báo, 30-4 là ngày tồi tệ nhất đối với ngành báo chí kể từ khi những kẻ khủng bố xông vào trụ sở của tạp chí Charlie Hebdo ở Paris hồi năm 2015, giết hại 12 người. Joel Simon, giám đốc điều hành của Ủy ban, cho rằng vụ đánh bom ở Kabul "là một cuộc tấn công nhằm vào ngành truyền thông toàn cầu". "5 trong số các nhà báo thiệt mạng làm việc cho các hãng truyền thông quốc tế", ông Simon nói. Đây là thực trạng ở Afghanistan, nhưng cũng là thực trạng ở các vùng xung đột trên toàn thế giới. Đó là một sự mất mát khủng khiếp đối với người dân Afghanistan, cũng như tất cả mọi người trên toàn cầu.

Vài giờ sau vụ tấn công ở Kabul, một kẻ đánh bom liều chết lái xe tải mang thuốc nổ tấn công một đoàn tàu vận tải quân sự của NATO ở tỉnh Kandahar, giết chết 11 trẻ em đang theo học tại một trường tôn giáo gần đó. Ngoài ra, 16 người, trong đó có 8 nhân viên của NATO bị thương trong vụ việc. Nhóm khủng bố IS lên tiếng nhận tiến hành hai vụ tấn công trên.

Hồi chuông cảnh báo

Các cuộc tấn công lần này xảy ra chỉ một tuần sau vụ đánh bom đẫm máu nhằm vào địa điểm đăng ký cử tri ở thủ đô Kabul, khiến 60 người thiệt mạng và hơn 130 người khác bị thương. Vụ tấn công cho thấy những lỗ hổng an ninh nghiêm trọng tại quốc gia Nam Á, bất chấp cam kết lặp đi lặp lại của chính phủ Kabul về việc thắt chặt an ninh cũng như sự hỗ trợ từ phía Mỹ và các nước đồng minh.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về tình hình an ninh của Afghanistan hiện nay.  Ông Guterres nhấn mạnh, mục tiêu tấn công nhằm vào các nhà báo cho thấy rõ mối nguy hiểm mà những người làm truyền thông phải đối mặt trong khi tác nghiệp. Tổng Thư ký LHQ kêu gọi nhanh chóng đưa những kẻ thực hiện hành động tội ác này ra chịu tội trước pháp luật. Bộ Ngoại giao Mỹ lên án các vụ tấn công tại Afghanistan là "man rợ và phi nghĩa".

 Loạt vụ tấn công khủng bố là hồi chuông cảnh báo cho một tiến trình hòa bình cần phải được tiến hành ngay lập tức giữa chính phủ  Afghanistan và các lực lượng nổi dậy, đứng đầu là Taliban.

AN BÌNH

Afghanistan giảm quân số

Tổng thanh tra Đặc biệt về tái thiết Afghanistan (SIGAR) - Cơ quan giám sát độc lập các quỹ tái thiết của chính phủ Mỹ tại Afghanistan ngày 1-5 cho biết, quân số của lực lượng an ninh Afghanistan giảm gần 11% trong năm ngoái, dấu hiệu cho thấy khó khăn mà Kabul sẽ gặp phải trong việc đối phó với tình hình an ninh bất ổn hiện nay.

Trong một báo cáo, SIGAR cho biết, quân số trong Các lực lượng an ninh và quốc phòng Afghanistan (ANDSF), bao gồm Lục quân, Không quân và cảnh sát, có tổng cộng 296.400 nhân viên tính đến tháng 1 vừa qua, tức là đã giảm 10,6% so với cùng kỳ năm 2017. Quân số chỉ tiêu của ANDSF là 334.000 nhân viên.

B.N