Báo Công An Đà Nẵng

Ngày mai hết dịch, ba về...

Thứ bảy, 08/08/2020 18:40

Những ngày này, người dân xúc động truyền tai nhau bài thơ gửi tặng những người lính đang căng mình chống dịch. Bài thơ là lời tâm tình nhưng cũng là niềm tin của những người mẹ, người vợ gửi người thương của mình nơi tiền tuyến.

"Anh và đồng đội an lành, vững bước nhé anh ơi!/ Đêm xuống một mình em lại thấy chơi vơi/Vầng trán con thơ ngoan hiền mẹ thổn thức/ Chắc giờ này anh vẫn đang ca trực... Sáng thức dậy con lại hỏi ba đâu?/ Đã một tuần qua đi, ba chưa về hở mẹ/Hết dịch rồi ba sẽ về nhé!... con yêu".

Thiếu úy Tùng chỉ dám chạm tay con qua tấm kính.

Qua tìm hiểu, cảm xúc bài thơ cũng được khơi gợi từ tấm hình người chiến sĩ CA đứng vẫy tay nhìn con qua ô cửa kính. Rất gần nhưng lại rất xa, những bức ảnh khiến người xem nghẹn ngào. Là nhân vật trong bức ảnh, Thiếu úy Nguyễn Đức Khánh Tùng (29 tuổi), cán bộ CA xã Hòa Sơn chia sẻ, nhiệm vụ của anh phải thường xuyên trực tại các "điểm nóng" trên địa bàn xã Hòa Sơn để chống dịch. Hàng ngày, anh cùng đồng đội tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Địa bàn nông thôn, rất nhiều người chủ quan, thờ ơ với dịch bệnh. Thời gian dịch bệnh nhưng nhiều lần các anh phải tức tốc chạy đến hiện trường để giải quyết các vụ gây gổ, đánh nhau, mất an ninh trật tự. Hàng ngày, lãnh đạo CA xã yêu cầu mỗi cán bộ phụ trách thôn phải thường xuyên xuống địa bàn, kịp thời nhắc nhở người dân chấp hành lệnh giãn cách nên tiếp xúc với rất nhiều người. Chính vì lẽ đó, anh và đồng đội dặn nhau chờ khi nào hết dịch mới gặp người thân. Những ngày xã Hòa Sơn có ca dương tính đầu tiên, anh cảm giác dịch càng ngày càng gần hơn. Hiện tại Trạm Y tế xã Hòa Sơn cũng đang cách ly hơn 20 người trong diện F1, các anh em CA lại chia ca chốt chặn 24/24 để bảo vệ, giám sát điểm cách ly.

Nhớ vợ, thương con, đơn vị cách nhà không xa nên thỉnh thoảng Tùng chạy về nhà để lấy đồ đạc hoặc ăn cơm. Nhiều lần gạt nước mắt, chị Nguyễn Thị Hoài Thương (25 tuổi) ôm con nhìn chồng bưng tô cơm ngồi ăn ở trước cổng nhà. Bé Sơ Ri ngày thường vẫn quấn lấy ba, mấy hôm ba về bé vẫn đòi Tùng bế như cũng chỉ có thể chạm tay qua ô cửa kính. "Mỗi lần thấy anh, bé Sơ Ri hớn hở đưa tay đòi bế, muốn ghi nhớ mãi khoảng khắc này nên tôi đã chụp lại bức ảnh", chị Thương ngẹn ngào.

Thấu hiểu nổi vất vả của chồng và đồng đội, mọi chuyện trong gia đình chị đều lo toan vẹn toàn. Tối nào con cũng quấy khóc vì nhớ ba nhưng chưa một lần chị dám kể cho chồng nghe. "Dẫu buồn nhưng tôi biết ngoài kia còn bao trường hợp vất vả hơn. Có cặp vợ chồng cùng công tác trong ngành, đi chống dịch nên đành gửi con nhờ ông bà nội ngoại chăm sóc. Và cũng bao ngày chưa được trực tiếp nhìn mặt con mình", chị Thương chia sẻ thêm.

Chị My chụp lại khoảnh khắc chồng nói chuyện với con qua ô cửa.

Giống như Hoài Thương, chị Nguyễn Trà My (25 tuổi) cũng có chồng công tác trong lực lượng CATP Đà Nẵng. Và cũng nhiều ngày, anh chưa dám bước vào nhà. Mọi giao tiếp chỉ thông qua ô cửa kính trong suốt. Do đặc thù công việc phải trực chiến, những lúc rảnh rỗi, chồng chị My mới gọi điện để gặp vợ con. Từ lúc tình hình dịch phức tạp, số lần anh gọi về cũng vơi dần đi hoặc chỉ gọi được lúc khuya khi con đã ngủ. Hôm đó, chồng của My đi làm nên ghé qua nhà, chị định ra mở cửa. Vội vàng anh chặn ngay lại và bảo sẽ đi ngay và không dám vào nhà. Dù không nằm trong diện phải tự cách ly sau khi làm việc, chồng chị My vẫn cố gắng giữ khoảng cách với người thân trong gia đình để đảm bảo an toàn. Anh nhờ chị bế đứa con ra để gặp và cũng chỉ dám nhìn qua ô cửa. Đây là một trong những lần về thăm nhà hiếm hoi của ông bố trẻ, bởi 100% cán bộ, chiến sĩ CA được huy động đi chống dịch. Qua lớp khẩu trang, đứa con 5 tháng tuổi vẫn nhận ra và cười giỡn với ba của mình. Khoảnh khắc xúc động đó được chị My chụp lại và đăng lên mạng xã hội đã nhận được rất nhiều sự chia sẻ, động viên của cộng đồng.

Để ghi trọn lại những kỷ ức mùa Covid19 không thể nào quên, chị Thương và My đã chụp lại khoảnh khắc chồng đứng vẫy tay chào đứa con qua ô cửa kính. Ngay sau khi đăng tải lên facebook cá nhân, hình ảnh trên nhận được sự quan tâm từ cộng đồng mạng. Nhiều người nghẹn ngào trước tình cảm của người cha, vì dịch bệnh mà chẳng được bế bồng con, chỉ có thể nhìn từ xa. Tất cả mọi người đều mong rằng, dịch hãy chóng qua, để ba được về với con...

MAI VINH