Ngày nhà giáo ở vùng động đất
(Cadn.com.vn) - Không như chốn phố thị với rộn ràng, tấp nập hoa tươi, quà đẹp..., ngày 20-11 ở những miền núi cao, món quà ý nghĩa mà các thầy cô nhận được là nhánh hoa rừng, là tấm thiệp tự tay các em làm lấy... Giản dị, chất phác vậy thôi nhưng cũng đủ ấm lòng giáo viên vùng núi...
Chúng tôi đến Trường THCS Trà Tân (H.Bắc Trà My, Quảng Nam) khi các em học sinh vừa mang những tấm thiệp 20-11 đến trưng bày. Những tấm thiệp được làm từ giấy A1 với những nét vẽ ngây ngô khiến các thầy cô phải bật cười. Thậm chí, có em học sinh lớp 6 còn nắn nót sửa lại tấm thiệp vì... lỡ sai lỗi chính tả. Em cười cho biết: “Tụi em không có nhiều bút màu nên chỉ tự nghĩ ra cái gì thì trang trí cái đó thôi”.
Có tấm thiệp chép tặng thầy cô bài thơ, có tấm thiệp vẽ hình cô giáo với mái tóc dài. Đồ vật trang trí được các em sáng tạo nên từ những bông hoa giả đã bỏ đi hay những sợi dây ruy băng, những nhánh hoa rừng khô... Trường THCS Trà Tân có 164 học sinh chia thành 7 lớp. Trong đó hơn một nửa là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Cô Vũ Thị Hải Vân (Tổng phụ trách Đội) cho biết: “Trong năm có lẽ đợt thi đua 20-11 là sôi nổi nhất bởi em nào cũng muốn được làm thầy cô vui”.
Năm nay Trường THCS Trà Tân phát động thi đua 20-11 với nhiều hoạt động: Thi đua tiết học tốt, thi đua hoa điểm tốt, vé số trúng thưởng. Địa bàn ở đây khá là rộng, nhiều em phải đi bộ 2 tiếng mới tới trường. Sau giờ học các em còn phải làm rẫy cho gia đình, cuộc sống rất khó khăn. Sống ở vùng tâm chấn, những đợt động đất của thủy điện Sông Tranh 2 đã khá quen thuộc với giáo viên và học sinh nơi này. Từ Trường THCS Trà Tân đến thủy điện chưa đầy 3km.
Những năm trước khi những trận động đất xảy ra lẻ tẻ, các em học sinh rất hoảng hốt, thậm chí sau động đất mấy ngày có em còn ở nhà, đến khi được nhà trường vận động các em mới yên tâm trở lại lớp học. “Bây chừ có tháng động đất xuất hiện cả chục lần. Ngày xưa rung nhẹ đã sợ giờ thì quen rồi nên các em học sinh cũng không còn nghỉ học nữa. Trường cũng đã tổ chức nhiều buổi tập huấn cho học sinh biết cách xử lý khi động đất xảy ra”, cô Vân cho biết.
Khuôn mặt hồn nhiên của các em học sinh miền núi. |
Ngoài nỗi lo động đất, thầy cô giáo của trường vẫn canh cánh bên lòng về cuộc sống khó khăn nên nhiều học sinh phải đi nhặt ve chai, sắt vụn phụ giúp gia đình. Địa điểm các em hay lui tới là tại đập thủy điện Sông Tranh 2.
Tuần trước, em Huỳnh Văn Trà (14 tuổi, học sinh lớp 8 Trường THCS Trà Tân) tranh thủ giờ nghỉ học đến khu vực thủy điện nhặt sắt vụn chẳng may trượt chân ngã xuống chân đập tử vong. Cô giáo Đỗ Thị Hoài Thương (chủ nhiệm lớp em Trà) kể lại: “Trà là học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Ba em là người Kinh, mẹ là người Mơ Nông, sau em còn có 2 em nhỏ.
Sau khi xảy ra sự việc đau lòng, toàn trường đã phát động ủng hộ cho gia đình em Trà. Ở đây em nào cũng có hoàn cảnh khó khăn”. Sau cái chết của Trà, Trường THCS Trà Tân đã có buổi tuyên truyền, nhắc nhở các em học sinh không được đến gần thủy điện, khu vực nguy hiểm. Từ khi có thủy điện đến nay đã có gần 70 trường hợp chết ở thủy điện trong đó có nhiều học sinh Trường THCS Trà Tân...
Ngày 20-11, ngôi trường co ro trong cơn mưa rừng. Gần đó đập thủy điện Sông Tranh 2 vẫn âm ỉ mang trong mình những mối hiểm nguy. Biết đến bao giờ các em mới có thể vô tư đến trường, được học những con chữ tròn trịa mà không phải âu lo nhiều nỗi?
Hà Dung