Báo Công An Đà Nẵng

Ngày quyết định

Thứ hai, 12/05/2014 11:00

(Cadn.com.vn) - Bất chấp cảnh báo từ chính phủ tạm quyền Kiev về khả năng "chuốc lấy thảm họa" cũng như lời kêu gọi "hoãn" của Tổng thống Nga Vladimir Putin, "quốc gia cộng hòa tự xưng" Donetsk, Lugansk ở miền đông Ukraine ngày 11-5 vẫn tổ chức trưng cầu dân ý, đòi quyền tự quyết định cho tương lai của chính họ.

Và cũng đúng như dự đoán, người dân địa phương tỏ ra rất hân hoan khi đến các điểm bỏ phiếu để chọn tương lai rằng, liệu Donetsk và Lugansk có tiếp tục duy trì là một phần của Ukraine hay không.

Các lá phiếu sẽ quyết định cái gọi là chủ quyền của hai "quốc gia cộng hòa tự xưng" này trong bối cảnh làn sóng chiến đấu mới lại bùng lên trong cuộc xung đột đẫm máu vốn gây ra lo ngại nội chiến và ném mối quan hệ giữa Nga và phương Tây vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Đụng độ tiếp tục bùng phát vào đêm 10-5 quanh một tháp truyền hình ở vùng ngoại ô của Slaviansk, điểm nóng nhất trong các cuộc xung đột nhiều ngày qua. Tuy nhiên, không có báo cáo đụng độ trong suốt thời gian bỏ phiếu, từ 8 giờ đến 22 giờ.

Mặc dù vậy, Tổng thống tạm quyền Ukraine Oleksander Turchinov cho rằng, độc lập cho vùng phía đông đồng nghĩa với việc "sẽ phá hủy nền kinh tế đất nước" và là một "thảm họa". "Đây là bước đi vào vực thẳm", ông Turchynov nhấn mạnh đồng thời cho rằng cuộc trưng cầu dân ý như thế này là bất hợp pháp, và hối thúc người dân chấp nhận các cuộc đối thoại "bàn tròn" về một nền tự trị lớn hơn.

Trước khả năng  mất đi cả hai khu vực miền đông quan trọng này, Ukraine và phương Tây tiếp tục đổ lỗi cho Nga, cáo buộc Moscow kích động các vụ bạo lực bất ổn ở phía đông, với mục tiêu gây bất ổn quốc gia láng giềng hòng tìm cớ xâm lược.

Tuy nhiên, Moscow hoàn toàn bác bỏ mọi vai trò liên quan đến các cuộc nổi dậy đòi ly  khai mở miền đông hoặc bất kỳ tham vọng nào trong nỗ lực "cuốn" khu vực chủ yếu nói tiếng Nga này vào Liên bang Nga sau việc Crimea tự đòi về với "đất mẹ" sau cuộc trưng cầu vào tháng 3.

Và thực tế nhiều nhà quan sát cũng chứng minh đúng như vậy. Ông chủ Điện Kremlin thậm chí ra tuyên bố yêu cầu hai khu vực trên hoãn tổ chức trưng cầu dân ý để thời gian cho ông đàm phán với các cường quốc phương Tây về điều kiện xoa dịu cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất lịch sử Ukraine này.

Vì sao lực lượng ly khai từ chối lời kêu gọi ngọt ngào này? Nhiều người cho rằng, đối với một cuộc bỏ phiếu gây tranh cãi như thế này, việc Donetsk, Lugansk kiên quyết mở các điểm bỏ phiếu cho thấy quyết tâm "dứt áo ra đi".

Thanh Văn