Báo Công An Đà Nẵng

Ngày thi đầu tiên Kỳ thi THPT Quốc gia 2019: Đề Văn - Toán vừa sức...

Thứ tư, 26/06/2019 09:42

Hôm qua (25-6), các thí sinh (TS) tham dự Kỳ thi THPT Quốc gia 2019 đã kết thúc ngày thi đầu tiên với hai môn Ngữ Văn (120 phút), Toán (90 phút). Phần lớn các TS nhận xét, so với đề thi năm 2018, đề thi môn Ngữ Văn và Toán năm nay "dễ thở" hơn, nhưng mức độ phân hóa lại khá cao.

Các TS Nghệ An làm thủ tục vào phòng thi.

* Tại Đà Nẵng, trong môn thi Ngữ Văn, có 31 TS vắng mặt trong tổng số 9.959 TS đăng ký dự thi; môn Toán vắng 64 TS/10.231 TS đăng ký dự thi. Không có TS vi phạm quy chế.

Phần lớn các TS tại Đà Nẵng đều nhận xét, so với đề thi năm 2018, đề thi môn Ngữ Văn và Toán năm nay "dễ thở" hơn, nhưng mức độ phân hóa lại khá cao. Cụ thể, đối với môn Ngữ Văn, tuy có phần "dễ chịu" hơn so với đề năm ngoái, nhưng theo phản ánh của nhiều TS, tác phẩm "Ai đã đặt tên cho dòng sông" của Hoàng Phủ Ngọc Tường thuộc thể loại bút ký, đòi hỏi TS phải có độ thẩm thấu tác phẩm sâu và tinh tế. Vì vậy, để diễn đạt tốt ở câu nghị luận văn học này là không dễ. Đặc biệt, với những TS học tủ, ôn tủ chắc chắn sẽ bị "gãy" ở câu này...

Trong tâm trạng khá hài lòng với bài làm môn Ngữ Văn, TS Huỳnh Đình Hùng- HS trường THPT Phan Châu Trinh dự thi để xét tuyển khối A đại học- khách quan nhận xét: "Với em, đề năm nay ra vừa sức, không quá khó để đạt điểm trung bình. Tuy câu nghị luận xã hội nhiều bạn cho là dễ trình bày, nhưng theo em, để viết sâu và hay đòi hỏi TS phải có vốn hiểu biết xã hội tốt, kiến thức căn bản vững".

Về đề thi môn Toán, TS Nguyễn Văn Hiếu- HS trường THPT Trần Phú- cho biết, đề Toán năm nay nằm trong tầm tay đối với những bạn có học lực khá, giỏi; còn những bạn thi để xét tốt nghiệp thì vẫn có thể đạt điểm trung bình. Tuy môn Toán không phải là môn "sở trường", nhưng cả hai  TS Phạm Gia Bảo và Trần Lê Minh An- cùng là HS trường THPT Nguyễn Hiền- có chung nhận xét: "So với đề Toán năm ngoái, đề Toán năm nay dễ hơn. Với đề thi này, chúng em nghĩ kiếm điểm 5, 6 không khó, nhưng kiếm điểm khá- giỏi thì không "dễ ăn" đối với những bạn có học lực trung bình-khá. Đề đều nằm trong chương trình, chủ yếu lớp 12, nhưng có độ phân hóa rõ nét từ câu 37 trở đi". 

Nhận xét đề Ngữ Văn năm nay, cô Nguyễn Thị Thu Thủy- Tổ trưởng tổ Văn trường THPT Ngũ Hành Sơn- cho rằng, đề ra phù hợp với cấu trúc đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT nhưng có phần dễ hơn. Nếu so sánh với đề Ngữ Văn năm ngoái có cả chương trình 11 thì đề Ngữ Văn năm nay chỉ ra trong chương trình lớp 12 nên TS làm bài cũng đỡ vất vả hơn. Tuy nhiên, theo cô Thủy, đề Văn năm nay có tính phân hóa cao, thể hiện rõ ở câu nghị luận văn học. Với đoạn trích nằm ở phần đầu tác phẩm "Ai đã đặt tên cho dòng sông" thuộc thể loại bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường, để diễn đạt tốt và sâu các yêu cầu đề ra, nhất là phần nhận xét "cách nhìn mang tính phát hiện về dòng sông của nhà văn" đòi hỏi TS phải có sự cảm nhận tinh tế, có vốn sống cùng sự rung động thì mới diễn đạt tốt ở phần thi này.

Nhận xét về đề Toán, thầy Trịnh Minh Tuấn- GV Toán Trường THPT Phan Châu Trinh- cho rằng, so với đề năm ngoái, mức độ khó của đề Toán năm nay có phần dễ chịu hơn nhưng không "dễ hơn nhiều" như một số TS phản ánh. Cấu trúc đề Toán năm nay ra tương đối chuẩn và khá giống với đề thi minh họa năm 2019 của Bộ GD-ĐT, nên TS nào ôn tập kỹ sẽ làm được. Cũng theo thầy Tuấn, mức độ phân hóa của đề Toán năm nay khá tốt. Có một số câu hỏi tuy khó nhưng rất hay, ngoài đòi hỏi TS phải có kỹ năng tính toán, và phải có trí tưởng tượng về không gian mới làm được.

 Các TS sau khi kết thúc môn Ngữ Văn tại Đà Nẵng. 

* Tại TT-Huế, trong ngày thi thứ nhất, có 117 TS vắng thi (trong đó, môn Ngữ Văn vắng 57, môn Toán vắng 60). Tại các điểm thi trên toàn địa bàn, tình hình diễn ra nghiêm túc, không có trường hợp cán bộ coi thi và TS nào vi phạm quy chế.

TS Nguyễn Thị Phương Thảo đến từ Trường THPT chuyên Quốc học Huế cho biết, năm nay đề văn rất hay, lại có thêm hình ảnh sông Hương của xứ Huế vào đề thi trích trong tác phẩm "Ai đã đặt tên cho dòng sông". Ở phần cảm nhận của TS về đoạn văn có thể nói rằng "có chút ít may mắn cho TS Huế", bởi lẽ, các TS Huế không xa lạ với sông Hương cũng như với tác phẩm văn học này. 

Đánh giá về thi môn Ngữ văn sáng nay, cô Nguyễn Thị Ngọc Anh, giáo viên giảng dạy môn ngữ văn Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (TT-Huế) cho rằng, đề thi rất phù hợp với nội dung đã ôn tập, có phần mở, thể hiện sự phân hóa cao. Tuy nhiên, sự cảm nhận, lập luận khi thể hiện trình bày bài thi là tùy cách suy nghĩ, tư duy của mỗi em.

Thí sinh sau khi kết thúc môn thi Ngữ Văn tại Trường THPT Quốc Học-Huế.

* Tại Quảng Nam, Thông tin từ Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam cho biết môn Ngữ Văn có 34 TS và môn Toán có 52 TS vắng thi. Không có trường hợp vi phạm quy chế.

Sau khi kết thúc thời gian làm bài môn Ngữ văn, nhiều thí sinh ủ rũ cho biết mình không làm được bài. Theo ý kiến nhận xét của các thí sinh, sở dĩ đề văn khó vì tác phẩm "Ai đã đặt tên cho dòng sông" thuộc thể loại bút ký và lại nằm trong phần đọc thêm của sách giáo khoa. Em Nguyễn Thị Kiều Vy (trường THPT Lê Hồng Phong) cho biết, trong đề thi môn Ngữ Văn,  câu 1 thường là câu cho học sinh dễ lấy điểm. Tuy nhiên, đề năm nay ra đoạn trích có ý nghĩa rất rộng, nếu thí sinh không cẩn thận rất dễ viết lan man, lạc đề. Tại một số điểm trường chuyên như Lê Thánh Tông (TP Hội An), Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP Tam Kỳ), nhiều TS cho biết, năm nay quá trình ôn tập diễn ra bao quát, các em khá sẵn sàng với các dạng đề khác nhau, tuy nhiên với đề Ngữ văn năm nay, thì khả năng được trên 7 điểm là rất khó.

Khác với môn Ngữ văn thì đề Toán năm nay được đánh giá là khá hay vừa sức với học sinh. Nhiều TS cho biết nếu ôn luyện tốt thì khả năng đạt 8 điểm môn toán là không quá khó.

* Tại Gia Lai, không như một số địa phương khác bị ảnh hưởng nắng nóng, thời tiết trong ngày thi đầu tiên trên địa bàn tỉnh khá mát mẻ, tạo điều kiện cho các TS làm bài thi. Môn Ngữ văn có 42 vắng thi, môn Toán có 48 thí sinh vắng thi. Cán bộ coi thi và TS đều tuân thủ nghiêm ngặt quy chế thi, không có giám thị hay thí sinh nào vi phạm quy chế.

Tại một số điểm thi, hầu hết các thí sinh đều đánh giá môn Văn và môn Toán năm nay vừa sức. Tuy nhiên, đề Ngữ Văn khá dài nên cần đọc kỹ để hiểu yêu cầu của bài thi. Đối với môn Toán, các TS khá phấn khởi bởi môn thi này năm nay "khá dễ thở", đa phần câu hỏi nằm trong chương trình kiến thức lớp 12.

* Tại Nghệ An, ngày thi đầu tiên có 153 TS vắng thi (68 TS môn Ngữ Văn, 85 TS môn Toán), 1 TS tại Điểm thi THPT Nghĩa Đàn vi phạm quy chế đưa điện thoại vào phòng thi, 1 TS tại Điểm thi Huỳnh Thúc Kháng đến muộn giờ thi môn Ngữ văn so với quy định nên không được thi. Không có giám thị nào vi phạm quy chế thi.

Tại điểm thi Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh), khi vừa hết 2/3 thời gian làm bài môn Ngữ Văn, có khá đông TS ra về. Hầu hết các TS hào hứng với đề văn bàn về sức mạnh của ý chí. TS Nguyễn Thị Thùy Trang - Trường THPT Phan Bội Châu phấn khởi: "Em thấy đề cơ bản không khó. Với học sinh ban A như em cũng có thể làm được từ 6-7 điểm. Phần câu hỏi về nghị luận xã hội bàn về sức mạnh của ý chí khá sát với thực tế, em thấy đây là một câu hỏi khá hay. Trong cuộc sống, ý chí là sức mạnh để mỗi người vượt lên hoàn cảnh, hoàn thành ước mơ hoài bão của mình".

Còn theo đánh giá của hầu hết các thí sinh, đề Toán năm nay dễ hơn năm ngoái, đề vừa bám sát chương trình SGK nhưng cũng có tính phân loại cao.

P.Thủy- H.Lan- H.Dung- M.Tân- D.Hóa

Những câu chuyện xúc động

Tại Quảng Trị, nhiều câu chuyện xúc động trong Kỳ thi THPT Quốc gia được ghi nhận.

Sáng 25 - 6, khi các thí sinh chuẩn bị vào phòng thi, Đội tình nguyện Tiếp sức mùa thi của Đoàn trường THPT Đakrông phát hiện tại điểm thi trường THPT Đakrông vắng em Hồ Văn Lích (dân tộc Vân Kiều, trú bản Chân Rò, xã Đakrông). Ngay lập tức, đội tình nguyện dùng xe máy đến bản Chân Rò, cách điểm thi gần 10km, tìm Lích. Tại đây, Lích đang phụ giúp người nhà đi tìm bò bị lạc trong rừng. Đội tình nguyện đã đưa Lích về với điểm thi kịp giờ.  Hay tại điểm thi Trường THPT A Túc (H.Hướng Hóa), phát hiện thí sinh Hồ Thị Quý (xã A Túc) có nguy cơ trễ giờ thi, lực lượng tình nguyện và Công an tại điểm thi đã tức tốc tìm về nhà để kịp đưa Quý đến phòng thi.

Đau lòng nhất là câu chuyện của cô giáo Trần Thị Thúy (40 tuổi, giáo viên dạy Sử trường THPT A Túc, H.Hướng Hóa), cán bộ coi thi tại cụm 31 (TP Đông Hà) bị TNGT, va chạm với ô-tô tối ngày 24-6 khiến cô tử vong tại chỗ. Được biết, sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại điểm thi vào buổi chiều 24-6, cô Thúy xin phép ra thăm mẹ thì xảy ra vụ việc đau lòng. Chồng cô Thúy cũng là giáo viên tại A Túc, hoàn cảnh gia đình khó khăn, có con tật nguyền. Trong ngày 25-6, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị và Sở GD&ĐT đã đến thăm hỏi, chia sẻ mất mát với người thân cô giáo. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã gửi lời chia buồn, động viên gia đình.

B.Hà