Báo Công An Đà Nẵng

Ngày thứ 2 cứu nạn vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng: Chạy đua với thời gian

Thứ năm, 18/12/2014 08:00

* Đình chỉ thi công đối với công trình hầm thủy điện Đạ Dâng

* Điều công nhân mỏ giỏi ở Quảng Ninh vào cứu hộ

* Xác định danh tính 12 người bị nạn

(Cadn.com.vn) - Ngày thứ 2 tại hiện trường vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng, trong giá rét 14, 15o C, vẫn rền tiếng máy khoan lẫn trong tiếng lực lượng cứu hộ hối hả trao đổi. Nhiều nhóm cứu hộ tiếp tục dầm mình trong mưa để bằng mọi cách cứu những anh chị em công nhân đang mắc kẹt bên trong. Nhận định ban đầu, rất có thể phải mất từ 1 - 2 ngày nữa mới có thể đưa được khối đất đá khổng lồ ra bên ngoài để cứu người bị nạn.

Bộ trưởng Công Thương và Bộ trưởng Xây dựng trực tiếp chỉ đạo tại hiện trường.

Nỗ lực không ngừng

Từ 0 giờ 45 ngày 17-12, lực lượng cứu hộ đã khoan, đưa được đường ống (đường kính 6cm), xuyên lớp đất đá dày 25m chắn ngang đường hầm và liên lạc được với những nạn nhân bị mắc kẹt. Anh Giản Viết Dũng, công nhân Cty CP Sông Đà 505, người đầu tiên đối thoại với các nạn nhân reo mừng cho biết, tất cả 12 người đều an toàn, trong đoạn đường hầm các nạn nhân mắc kẹt (khoảng 100m) vẫn còn điện để sưởi ấm. Đến 1 giờ 45, các công nhân mắc kẹt bên trong báo ra: “Chúng tôi đã nhận được cháo rồi”.

Liên lạc với các công nhân bị mắc kẹt thông qua đường ống khoan xuyên đất đá.

5 giờ, lực lượng cứu hộ đưa thêm nhiều phương tiện, dụng cụ đến hiện trường tập trung cứu các nạn nhân. 29 chiến sĩ thuộc Lữ đoàn Công binh 25 (Quân khu 7) được điều động từ Đồng Nai đến hiện trường phối hợp với các đơn vị tác chiến cứu những người mắc kẹt. Đây là lực lượng tinh nhuệ, được tập huấn cũng như có nhiều kinh nghiệm trong công tác cứu hộ cứu nạn.

7 giờ 30, lực lượng cứu hộ khẩn trương đưa các nẹp gỗ vào bên trong hầm để gia cố các vách hầm đảm bảo an toàn cho lực lượng cứu hộ cứu nạn để đào đất, khoét lỗ cho công nhân chui ra, nhưng công việc gặp khó khăn do khối lượng đất đá lớn. Đến 9 giờ, ông Nguyễn Xuân Tiến - UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng có mặt tại hiện trường vụ tai nạn. Ông Nguyễn Xuân Tiến truyền đạt ý kiến của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang yêu cầu địa phương, các lực lượng phối hợp nhanh chóng triển khai công tác cứu hộ cứu nạn, sớm giải cứu các công nhân bị nạn. Ông Nguyễn Xuân Tiến cũng biểu dương tinh thần của các lực lượng tham gia cứu hộ đã làm việc không ngừng nghỉ, vì những người đang mắc kẹt bên trong.

Lực lượng công nhân mỏ từ Quảng Ninh tham gia cứu hộ.

10 giờ, điều mà nhiều người lo ngại đã xảy ra, thông tin từ các nạn nhân trong hầm cho biết, nước mưa đã thấm vào trong hầm không thoát kịp, mức nước trong hầm cao khoảng hơn 1m. Các nạn nhân cho biết họ đã cố gắng leo lên các thiết bị máy móc có ở trong đường hầm để đảm bảo an toàn tính mạng. Ông Lê Việt Quang - Giám đốc Cty Nhôm Lâm Đồng, cho biết: thực hiện theo phương án cứu hộ mới dựng đường hầm dài 35m, dùng gỗ kè hai bên đường vào đường hầm là phương án tối ưu. Với tốc độ làm việc không ngừng nghỉ phải mất khoảng 2 ngày mới có thể hoàn thành đường hầm vì bên trong đất sụt lở nhiều.

Tiếp tế lương thực cho 12 công nhân mắc kẹt.

Thay đổi phương án cứu hộ để đảm bảo an toàn

Theo đó, thay vì dùng máy khoan công suất lớn để khoan rồi đặt ống sắt cứng như ngày 16-12, hiện được chuyển thành đào đất theo hình chữ A, đào đến đâu kè mái đến đó. Khoảng cách đào dự kiến khoảng 27m. Nguyên do không khoan đặt ống là sợ khoan sẽ gây chấn động lớn, đất đá sập xuống thêm sẽ càng làm khó khăn cho công tác cứu hộ. Theo đánh giá của các chuyên gia, khu vực này địa chất rất phức tạp. Việc dùng cuốc xẻng đào cũng không thể nhanh chóng bởi đào đường hầm nhỏ, chỉ có số lượng ít nhân công đào (thậm chí chỉ 1 người), quá trình đào đất có thể sạt lở thêm, tăng khối lượng đất đá phải chuyển ra ngoài.

Tại hiện trường, ông Phan Văn Hùng - Phó Tham mưu trưởng BCH Quân sự tỉnh Lâm Đồng cho biết, công tác đào hầm để cứu 12 nạn nhân sẽ gặp nhiều khó khăn vì lượng đất đá, bùn nhão rất lớn. Lực lượng Công binh sẽ kết hợp với các lực lượng khác vừa đào lấy đất đá ra khỏi hầm vừa gia cố mái chống sạt lở. Công tác cứu hộ thủ công như thế này rất tốn thời gian, chưa thể xác định được khi nào sẽ thông hầm để cứu 12 người bị nạn bên trong. Đến 13 giờ 30, Thiếu tướng Bùi Văn Sơn - Giám đốc CA tỉnh Lâm Đồng thông tin: “Công tác cứu hộ vẫn đang được thực hiện khẩn trương. Hiện lực lượng Công binh, CA, Quân đội và công nhân công trình đang gấp rút đào hầm để mở đường vào cứu các nạn nhân. Lượng đất đào ra đến đâu, chuyển ra xe chở ngay đi đến đó. Cùng với đó là việc gia cố, tránh không để hầm tiếp tục bị sập”.

Lực lượng cứu hộ đã khoan thành công vị trí sập đất.

14 giờ, ngay sau khi thị sát hiện trường và nghe các đơn vị cứu hộ cứu nạn báo cáo tình hình nhưng không có mặt chủ đầu tư, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã phê bình chủ đầu tư thiếu trách nhiệm. Đại diện nhà đầu tư cho biết chủ đầu tư đang ở nước ngoài, thì Bộ trưởng yêu cầu phải thông báo buộc về ngay. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng thống nhất với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng sử dụng cùng lúc cả 2 phương án để cứu người là khoan ngang hút nước và khoan cọc nhồi từ trên xuống, nên phải tính toán kỹ để bảo đảm an toàn cho những người cứu hộ. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo Tổng Cty Xây dựng số 1 phải điều máy khoan cọc nhồi từ TPHCM lên hỗ trợ. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đề nghị tỉnh Lâm Đồng liên lạc với Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng - Vinacomin nếu có phương tiện phù hợp thì hỗ trợ ngay. Bộ trưởng Công Thương giao nhiệm vụ cho 9 thành viên Trung tâm cấp cứu mỏ của tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, với kinh nghiệm của mình phối hợp cứu các nạn nhân ra ngoài.

15 giờ, một nhóm công nhân mỏ có kinh nghiệm đã bay cấp tốc từ Quảng Ninh đến hiện trường, tham gia công tác cứu hộ. Trong bối cảnh việc cứu nạn cứu hộ đang gặp nhiều khó khăn, vẫn chưa định hình được phương án tối ưu thì sự góp mặt của các công nhân từng làm việc nhiều năm trong lòng đất tham gia vào công tác cứu nạn hy vọng sẽ đưa ra được phương án cứu hộ tốt hơn, sớm tiếp cận và đưa các nạn nhân ra ngoài.

Lực lượng công binh đang tiến vào hầm cứu nạn.

Đến 17 giờ, tin từ đội cứu hộ, sức khỏe của các nạn nhân vẫn ổn, ô-xy đã được cung cấp, đồng thời tiếp tục tuồn lương thực vào trong để duy trì năng lượng cần thiết cho các nạn nhân. Nhận định ban đầu, rất có thể phải mất 1 - 2 ngày nữa mới có thể đưa được khối đất đá khổng lồ ra bên ngoài để cứu người bị nạn.

Chiều 17-12, danh sách của 12 công nhân bị mắc kẹt bên trong đường hầm đã được xác định gồm: 1. Phạm Xuân Đăng (1964, Vĩnh Phúc), 2. Nguyễn Anh Tuấn (1981, Hà Tĩnh), 3. Phạm Viết Lành (1994, Nghệ An), 4. Phạm Viết Nam (1973, Nghệ An), 5. Đặng Thị Hồng Ngọc (1988, Nghệ An), 6. Trương Tuấn Việt (1984, Hà Nội), 7. Nhữ Văn Tường (1986, Hà Nam), 8. Hoàng Tiến Đoàn (1989, Nam Định), 9. Hoàng Anh Văn (1980, Nam Định), 10. Hoàng Đình Hường (1984, Nam Định), 11. Hoàng Đình Thịnh (1986, Nam Định), 12. Nguyễn Văn Quang (1976, Hà Tĩnh).

Cũng chiều qua, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết đã đình chỉ thi công đối với công trình hầm thủy điện Đạ Dâng. Đến khi nào hai Bộ Công Thương và Xây dựng đồng ý mới được làm trở lại.

* Theo thông tin của đội cứu hộ, 22 giờ cùng ngày có một công nhân đang có dấu hiệu ngạt thở. Theo lực lượng y tế, việc đưa thuốc vào cho nạn nhân là không thể thực hiện được.

Ông Đặng Quang Đạt, Giám đốc Công ty cổ phần Sông Đà 505 cho biết, công nhân có dấu hiệu bị ngạt có tiền sử về bệnh hen suyễn. 

Lê Kiên