Ngày thứ 2 xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát:TIẾP TỤC CÔNG BỐ BẢN CÁO TRẠNG
Hôm nay 6-3, ngày thứ 2 phiên tòa xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát tiếp tục phần công bố cáo trạng. Trước đó, trong phiên xử ngày 5-3, buổi sáng HĐXX tiến hành thẩm tra lý lịch, nhân thân của các bị cáo; buổi chiều, đại diện Viện KSND giữ quyền công tố tại tòa công bố đến trang 43 của bản cáo trạng.
Nội dung cáo trạng được công bố liên quan đến hành vi phạm tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng" của các bị cáo đồng phạm với bị cáo Trương Mỹ Lan. Cụ thể, cáo trạng công bố liên quan đến hành vi phạm tội của các bị cáo nguyên là giám đốc, phó giám đốc các chi nhánh của Ngân hàng SCB; lãnh đạo, nhân viên Định giá và tài sản đảm bảo SCB; nhân viên Tập đoàn Vạn Thịnh Phát..., như: Nguyễn Anh Thép, Nguyễn Ngọc Tú, Phạm Thế Quảng, Võ Tấn Hoàng Văn, Bùi Ngọc Sơn, Bùi Đức Khoa, Nguyễn Thị Khánh Vân, Trần Thị Kim Chi...
Trong cáo trạng nêu rõ phương thức phạm tội của bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm như; Thâu tóm cổ phần Ngân hàng SCB; Tuyển chọn, bố trí nhân sự để nắm quyền chi phối, chỉ đạo, điều hành toàn bộ hoạt động của Ngân hàng SCB; Thành lập các đơn vị thuộc SCB chỉ để cho vay, giải ngân theo yêu cầu của bị cáo Trương Mỹ Lan; Thành lập, sử dụng các công ty "ma", thuê/nhờ các cá nhân để đứng tên hồ sơ vay, cổ phần, tài sản bảo đảm, ký hợp thức hóa chứng từ rút, nộp tiền để tạo lập hồ sơ vay khống, rút tiền của SCB; Cấu kết với các đối tượng là chủ sở hữu, đại diện theo pháp luật các công ty có liên quan để tạo lập khoản vay, cùng sử dụng, chiếm đoạt tiền của SCB; Tạo lập hồ sơ vay vốn khống để hợp thức việc rút tiền Ngân hàng SCB...
Các bị cáo liên quan đến hành vi phạm tội trên có bị cáo Nguyễn Văn Thanh Hải (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB), Chiêm Minh Dũng (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB), Hoàng Minh Hoàn (nguyên Quyền Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB), Bùi Nhân (nguyên Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB); Diệp Bảo Châu (nguyên Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB)...
Nội dung cáo trạng liên quan đến những sai phạm của các bị cáo thuộc đoàn thanh tra, giám sát đối với SCB. Vụ án này có tổng cộng 16 bị cáo là cựu cán bộ cơ quan thanh gia giám sát ngân hàng (TTGSNH) Ngân hàng nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Riêng bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, NHNN, trưởng đoàn thanh tra) bị truy tố về tội: “Nhận hối lộ” với cáo buộc đã nhận 5,2 triệu USD.
Cáo trạng xác định Cơ quan TTGSNH đã thành lập Đoàn thanh tra tại SCB năm 2017-2018 và được triển khai thành 2 đợt thanh tra. Đợt một ngày 1-8-2017, bị cáo Nguyễn Văn Hưng (Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan TTGSNH) ra quyết định thành lập Đoàn thanh tra liên ngành để thanh tra SCB, trưởng đoàn là bà Đỗ Thị Nhàn. Đoàn thanh tra có trách nhiệm thanh tra về hoạt động cấp tín dụng; các khoản lãi và phí phải thu; thực trạng xử lý nợ xấu; đánh giá hoạt động quản trị...
Sau khi có kết quả của những sai phạm tại SCB, các thành viên trong đoàn thanh tra đã có hành vi bao che sai phạm theo đề xuất, kiến nghị của SCB. Cáo trạng cũng xác định các bị cáo còn có hành vi điều chỉnh kế hoạch thanh tra không đúng chỉ đạo của Chính phủ theo hướng có lợi cho SCB.
Như vậy, bị cáo Nguyễn Văn Hưng với vị trí là Phó Chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan TTGSNH, người ra quyết định thanh tra là người trực tiếp chỉ đạo bị cáo Đỗ Thị Nhàn và có trách nhiệm báo cáo kết quả thanh tra lên NHNN và Chính phủ.
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn, trưởng đoàn Thanh tra thực hiện chỉ đạo của bị cáo Nguyễn Văn Hưng, trực tiếp chỉ đạo Nguyễn Thị Phụng và tổ tổng hợp (gồm: Vũ Khánh Linh, Nguyễn Tuấn Anh, Bùi Văn Khoa) lập, chỉnh sửa các báo cáo của Đoàn Thanh tra, dự thảo Kết luận thanh tra. Các thành viên còn lại của Đoàn thanh tra có vai trò thực hiện, đồng ý theo ý kiến chỉ đạo, đã báo cáo không đầy đủ, không trung thực, bao che sai phạm của SCB lên lãnh đạo NHNN và Chính Phủ và ra Kết luận thanh tra theo hướng: Không đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt, để SCB tiếp tục thực hiện tái cơ cấu; Không chuyển hồ sơ sai phạm sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định; Ưu tiên áp dụng giải pháp kinh tế dẫn tới không kịp thời ngăn chặn để Trương Mỹ Lan và đồng phạm rút, sử dụng tiền của SCB trái pháp luật, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là 514.102 tỷ đồng. T.H