Báo Công An Đà Nẵng

Ngày thứ 2 xét xử Vụ lừa đảo 1.000 tỷ đồng tại Đắc Nông: Vũ Việt Hùng bị đề nghị án tử hình

Thứ năm, 13/03/2014 09:40

(Cadn.com.vn) - Ngày thứ 2 của phiên tòa xét xử vụ lừa đảo 1.000 tỷ đồng tại Đắc Nông, HĐXX TAND tỉnh này tiếp tục phần xét hỏi với các bị cáo liên quan đến vụ việc lừa đảo hơn 580 tỷ đồng tại OCB- Sở giao dịch TPHCM và NH TMCP Nam Á, chi nhánh Hà Nội. Đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa đã đề nghị mức án dành cho các bị cáo, trong đó, Vũ Việt Hùng bị đề nghị mức án tử hình.

Các bị cáo tại tòa

Phạm tội vì nghe lời… hứa hẹn của Hùng 

Sau khi các khoản vay ở VDB Đắc Lắc- Đắc Nông đã quá hạn, các bị cáo không thể tiếp tục vay  vốn nên Nguyễn Thị Vân- Chủ nhiệm HTX Sông Cầu đã lập khống báo cáo tài chính, HĐKT xuất khẩu giả, ký khống HĐTD để được ngân hàng Nam Á, chi nhánh Hà Nội cho vay 50 tỷ đồng, qua đó chiếm đoạt số tiền trên. Cũng với hình thức tương tự, Nguyễn Thị Vân, Trần Thị Xuân, nguyên giám đốc Cty TNHH Nhật Tân, Cao Bạch Mai - nguyên giám đốc Cty TNHH Minh Nhật, Đặng Thị Ngân, nguyên Giám đốc Cty TNHH Thủy Ngân đã vay, chiếm đoạt của OCB - Sở Giao dịch TP HCM 530 tỷ đồng.

Tại phiên tòa, các bị cáo Mai, Vân, Ngân, Xuân cho rằng việc sử dụng tiền vay không đúng mục đích, dẫn đến nợ quá hạn tại VDB Đắc Lắc- Đắc Nông, nên phải xoay vòng đi vay ngân hàng khác để trả nợ cho VDB. Các bị cáo cũng cho rằng, việc đi vay tiền của ngân hàng khác đã được Hùng "khuyến khích". Cụ thể, sau khi các bị cáo vay được tiền của ngân hàng khác để trả cho VDB thì Hùng hứa hẹn sẽ tiếp tục cho các bị cáo vay lại để trả nợ cho ngân hàng đã vay.

Việc các bị cáo chiếm đoạt tiền của OCB có sự tiếp tay của Nguyễn Thị Kim Loan, nguyên Giám đốc Cty TNHH DV XNK Phát Long. Đứng trước nguy cơ không được Hùng cho vay TDXK vì còn tồn đọng những khoản nợ đáo hạn tại VDB Đắc Lắc- Đắc Nông  nên Xuân, Vân  nhờ Loan sử dụng tư cách pháp nhân của Cty XNK Phát Long vay vốn hộ, qua đó các bị cáo này chiếm đoạt tiền của OCB. Tại phiên tòa, bị cáo Loan khai nhận dù hồ sơ vay tiền đứng tên mình nhưng mọi thủ tục, hồ sơ đều do người khác làm. Loan cũng khai chỉ quen biết sơ sơ với Xuân, Vân, thực chất việc đứng ra vay hộ cho các bị cáo, dẫn đến việc vướng vào vòng lao lý là do lời hứa hẹn của Hùng.

Cụ thể, sau khi gặp Hùng, Hùng nói Cty Loan mới thành lập, kinh doanh chưa có lãi, nên đứng ra vay tiền giúp cho các bị cáo trên để trả tiền cho Hùng,  để Hùng "qua mặt" đoàn thanh tra của VDB về kiểm tra, nhằm giúp Hùng "giữ được ghế". Đổi lại, Hùng hứa hẹn sẽ cho Loan vay nhiều hợp đồng TDXK. Loan cũng thừa nhận, khi đứng ra vay vốn hộ, Loan không được hưởng bất kì nguồn lợi nào từ các bị cáo trên ngoài lời hứa hẹn của Hùng sẽ cho vay TDXK tại VDB.

Trong khi Mai, Xuân, Vân, Loan đồng ý với cáo trạng của VKS truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thì tại tòa, bị cáo Ngân lại kêu oan. Ngân thừa nhận có vay của OCB 30 tỷ đồng dưới hình thức doanh nghiệp với ngân hàng.  Khi vay, Ngân điện thoại cho Tạ Thị Xuân Ý, Phó bộ phận quan hệ khách hàng OCB.  Ý nhất trí cho vay rồi hướng dẫn tất tần tật hồ sơ, thủ tục cho Ngân. Tài sản đảm bảo để được vay tiền ở OCB không có gì ngoài dùng... uy tín của Hùng.

Vũ Việt Hùng đọc đơn kêu oan trước tòa.

Đại diện OCB xin giảm nhẹ tội cho "người nhà"

Tại tòa, Nguyễn Văn Khánh, cò tín dụng, đồng ý  với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà cáo trạng đã truy tố. Bị cáo Khánh "kể công"  khi cho rằng chính Khánh là người đứng ra tố cáo, làm vụ án  bị phanh phui. Thế nhưng, chủ tọa phiên tòa cho rằng Khánh chỉ là một trong những người đứng ra tố cáo chứ không phải là người đầu tiên.  Bị cáo Trương Đình Hải, nguyên Giám đốc Ngân hàng Nam Á - chi nhánh Hà Nội, không đồng ý với nội dung truy tố làm trái quy định cho vay. Hải "nại" rằng, hồ sơ  cho vay đúng trình tự, đúng quy định, có dẫn cán bộ đi thẩm định hồ sơ. Sự việc xảy ra do quá tin tưởng vào bản cam kết phong tỏa tiền gửi đối với VDB Đắc Lắc -Đắc Nông do Vũ Việt Hùng làm giám đốc.

Bị cáo Lâm Hữu Hạnh, nguyên phó Tổng giám đốc OCB, thừa nhận những sai phạm trong hoạt động cho vay xảy ra vì... nhận thức yếu. Bị cáo Võ Tiến Đạt, nguyên Giám đốc OCB - Sở giao dịch TP HCM thừa nhận hành vi phạm tội. Bị cáo Tạ Thị Xuân Ý, nguyên phó bộ phận quan hệ khách hàng OCB - Sở giao dịch TP HCM - cho rằng việc truy tố về hành vi tiếp tay cho các bị cáo lừa đảo là oan. Đại diện OCB- Sở giao dịch TPHCM đã xin giảm nhẹ hình phạt cho nguyên các cán  bộ của ngân hàng. Phía OCB cho rằng, các bị cáo Hạnh, Đạt là nạn nhân của vụ lừa đảo, không có tư lợi cá nhân nên xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt, tạo điều kiện cho các bị cáo sớm hòa nhập với cộng đồng.

Vũ Việt Hùng bị đề nghị tử hình

Giống như phiên tòa xét xử ngày 11-3, đến ngày xét xử thứ 2, sau khi nghe các bị cáo "kể tội" mình, Vũ Việt Hùng vẫn một mực... kêu oan. Theo Hùng, các hình thức, quy trình cho vay đều đúng quy định, trình tự. Hùng không thừa nhận với lời khai của các bị cáo khác về việc Hùng có bàn bạc với các lãnh đạo doanh nghiệp đã vay vốn TDXK của Hùng về việc vay vốn ở các ngân hàng khác, dẫn đến việc chiếm đoạt của OCB và NH TMCP Nam Á.

Lý do mà Hùng đưa ra là vì "bị cáo luôn thực hiện việc thu hồi nợ trong mọi trường hợp nên không cần bạc với ai". Việc vi phạm quy định cho vay, dẫn đến việc các doanh nghiệp chiếm đoạt tiền, Hùng phân bua: "khi xảy ra, bị cáo thành lập tổ thu hồi nợ, chỉ đạo nhân viên đi thu nợ. Kết quả bị cáo thu gần hết nợ, chỉ còn 98 tỷ đồng của công ty Minh Nhật thôi".

Sau khi đại viện VKS đề nghị mức án dành cho các bị cáo, Vũ Việt Hùng đã tự đứng ra bào chữa bằng việc đọc lá đơn kêu oan dài không dưới 3 trang, nội dung phủ nhận lại tất cả các tội trạng của mình. Hùng lý giải: đối với hồ sơ giả vay tại VDB, khách hàng làm hồ sơ, thủ tục vay vốn phải tự có trách nhiệm với hồ sơ vay của mình, còn đối với các ngân hàng khác, nếu có việc các bị cáo trên dùng hồ sơ giả vay vốn cũng không liên quan đến Hùng. Về việc cho vay, bị cáo Hùng cho rằng vẫn thực hiện thủ tục cho vay đúng quy định, thực hiện đúng chức năng, quyền hạn của mình, căn cứ vào luật để phê duyệt cho vay. Hùng cũng phủ nhận việc nhận hối lộ chiếc siêu xe.  

Hùng cũng lý giải về việc ký cam kết không hủy ngang với các ngân hàng: "Bị cáo nghĩ doanh nghiệp nó đang nợ mình, giờ cứ ký là có tiền chuyển về nên mình mừng quá ký luôn". Đến khi các ngân hàng giải ngân tiền cho các doanh nghiệp vay, Hùng đã chỉ đạo thu hồi  nợ TDXK mà các doanh nghiệp đã vay của VDB Đắc Lắc-Đắc Nông trước đó. Nói về việc này, Hùng giải thích: "Việc doanh nghiệp người ta sử dụng tiền của họ rút ra, rồi trả nợ cho VDB là đúng pháp luật.  Còn nếu như họ không trả tiền cho VDB, khi hết hạn hợp đồng, bị cáo cũng trích luôn tiền gửi để thu nợ như đã nói rõ trong cam kết".

Cũng trong ngày xét xử thứ 2, đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa cũng đã đề nghị các mức án cho các bị cáo. Cụ thể: phạt Vũ Việt Hùng chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 15 đến 16 năm tù về tội vi phạm các quy định cho vay, Tử hình về tội nhận hối lộ, tổng hình phạt là tử hình; Cao Bạch Mai, Trần Thị Xuân chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chung thân về tội đưa hối lộ, tổng hình phạt chung thân.

Nguyễn Thị Kim Loan, Nguyễn Thị Vân tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Đặng Thị Ngân: 18 đến 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Nguyễn Văn Khánh: 12 đến 13 năm tù lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Trần Xuân Lộc: 6 đến7 năm tù về tội vi phạm các quy định cho vay; Nguyễn Thị Hồng Liên: 5 đến 6 năm tù về tội vi phạm về các quy định cho vay; Tạ Thị Xuân Ý: 8 đến 9 năm tù về tội vi phạm các quy định về cho vay; Lâm Hữu Hạnh:  6 đến 7 năm tù  về tội vi phạm các quy định cho vay; Võ Tiến Đạt:  6 đến 7 năm tù về tội vi phạm các quy định cho vay; Trương Đình Hải: 10 đến 11 năm tù cũng về tội vi phạm các quy định cho vay.

Hữu Phúc