Báo Công An Đà Nẵng

Ngày trở về bên sông Thạch Hãn

Thứ hai, 12/03/2018 22:33

Sau Hiệp định Paris được ký kết (27-1-1973), đầu tháng 3-1973, cuộc trao trả tù binh - tù chính trị giữa ta và đối phương được triển khai đồng loạt trên các địa điểm tại sông Thạch Hãn (Quảng Trị), Lộc Ninh (Tây Ninh), và nhiều nơi khác tại miền Nam, trong đó có Đà Nẵng. Các cuộc trao trả được Phái đoàn Quốc tế giám sát (ICCS) và Phái đoàn Quân sự 4 bên ấn định 4 đợt trong năm 1973, ngày 12-3 là đợt đầu tiên trao trả tại sông Thạch Hãn, tiếp đó các địa điểm khác cũng được tiến hành...

Ông Trần Huynh-nhân chứng tại khu vực trao trả tù binh - tù chính trị giữa ta và đối phương tại sông Thạch Hãn (năm 1973) kể chuyện với tác giả.

Những câu chuyện cảm động

Cuối năm 2017, tình cờ tôi cùng phòng điều trị bệnh tại Bệnh viện C Đà Nẵng, qua chuyện trò được biết: ông Trần Huynh, cấp bậc Đại úy, chức vụ Chính trị viên đoàn Văn công - Bộ Tư lệnh Hải quân được điều đến biểu diễn phục vụ tù binh - tù chính trị "Quân chiến thắng trở về" tại điểm trao trả phía Bắc sông Thạch Hãn cách đây 44 năm. Đầu tháng 3-2018, tôi tìm gặp ông Trần Huynh (trú P. Thanh Khê Tây, TP Đà Nẵng), khi biết nội dung cần trao đổi, ông kể: điều cảm động, sâu sắc khó quên của tôi là "Quân chiến thắng trở về", khi xuống thuyền để về bắc sông Thạch Hãn đều cởi bỏ quần áo dài, chân không giày dép, không mũ, nhiều người bị thương tật phải chống nạng gỗ, thân thể gầy còm ốm yếu, trên thân mang nhiều vết thương tím bầm, chứng tỏ trong trại giam bị quân địch tra tấn dã man. Quân chiến thắng trở về, khi sang gần bờ Bắc đều nhảy ùa xuống dòng sông, cảm động vui mừng ôm chầm, nắm chặt tay bộ đội và du kích địa phương, trong đó có cả các bà mẹ, người vợ chờ đón chồng con mình. Tiếp theo, anh em ta được đưa về nơi tiếp đón, nhận quân tư trang, ăn uống, nghỉ ngơi viết thư gửi về gia đình, tối đến xem văn công biểu diễn hoặc xem chiếu phim màn ảnh rộng. Thế nhưng, tù binh VNCH, phía ta trao trả được trang bị đầy đủ bộ quần áo dài mới, giày dép, túi xách, mũ đội, quà lưu niệm với những hành động, việc làm thiện cảm để lại ấn tượng tốt đẹp với tù binh của đối phương. Tại khu vực trao trả, các bên qua lại bình thường để tiến hành công việc trao trả. Khi các bên đang thống nhất danh sách trao trả tiếp trong ngày, một trung úy VNCH liều mình băng qua bãi mìn chưa được tháo gỡ, chạy về vùng giải phóng của ta. Sau đó tôi và một sĩ quan đặc công đưa được người này về giao cho đoàn quân sự 4 bên. Tai đây, một người trong đoàn quân sự hỏi: "Tại sao ông liều lĩnh chạy qua bãi mìn chưa được tháo gỡ như vậy?", viên trung úy trả lời: "Tui biết chạy về phía các ông sẽ được an toàn, cho dù vẫn biết dưới bãi đất trống đó còn bom mìn, bởi tôi đã từng tham chiến tại Thành Cổ này. Nếu không may chết thì được chết tại quê hương mình Quảng Trị, nhưng nếu c̣n sống th́ tui không c̣n tiếp tục dấn thân vào cuộc chiến phi nghĩa này nữa"...

Ông Huỳnh Văn Cang (6 năm tù đày tại Côn Đảo), hội viên, Hội tù yêu nước quận Sơn Trà, trú P.An Hải Tây kể: "Khi đưa chúng tôi ra điểm trao trả tại sông Thạch Hãn, anh em tìm gặp hội tụ được 62 người cùng quê Quảng Đà, một số tại Quảng Ngãi, TT-Huế, đấu tranh không trao trả tại đây mà phải đưa về trao trả cho Mặt trận DTGP miền Nam Việt Nam tại Đà Nẵng. Biết không thể ép buộc được chúng tôi, nên đối phương đã dùng máy bay L130 đưa về sân bay Đà Nẵng. Đáp xuống sân bay vào ban đêm, đối phương dùng xe tải đưa chúng tôi về Ty Cảnh sát Gia Long và trại huấn luyện quân Mỹ tại Thanh Bồ - Đà Nẵng. Sáng hôm sau, tên thiếu tá, Trưởng ty Cảnh sát Gia Long đến nói "các ông phải chờ người của phía các ông đến mới trao trả được"; đồng thời đưa vào các phòng có khóa, nhưng chúng tôi nhất quyết không vào mà tiếp tục ở ngoài sân đấu tranh. Anh em chúng tôi họp bàn, thống nhất không để đối phương trao trả lẻ, từng tổ, tốp nhỏ (sợ bị đưa đi thủ tiêu), bắt phải được trao trả cho Mặt trận. Lợi dụng sự sơ hở đó, một số anh em ta trốn ra chợ Hàn, chợ Cồn, các nhà dân gần đó nhờ viết truyền đơn rải trên đường phố, nội dung trong đó có tên, nơi giam giữ để người nhà, bạn bè biết và không quên lời dặn, khi đi nhớ mang theo áo quần dài cho chúng tôi. Khoảng 8 đến 9 giờ sáng hôm sau người nhà, bạn bè và nhân dân kéo đến chật đường phố, trước sân Ty Cảnh sát Gia Long, trại huấn luyện quân Mỹ tại Thanh Bồ. Lợi dụng lúc đó, anh em chúng tôi cởi bỏ quần áo dài, kéo nhau vượt qua cổng gác chạy ào ra đường phố nhập vào đám đông, mặc quần áo dài do người thân mang theo lên xe Hon đa, xe lam về nhà. Những người quê Quảng Ngãi, Huế được bạn bè, nhân dân và các cơ sở hoạt động bí mật trong nội đô thành phố đến đón. Trước cảnh tượng như vậy, quân địch chỉ biết bắn chỉ thiên lên trời, rú còi điều quân, điều xe inh ỏi, nhưng sự việc xảy ra quá nhanh, không còn cách nào ngăn cản lại được. Vì, chúng tôi đoán biết, đối phương không dám nổ súng vào đám đông, nếu nổ súng thì giết hại nhân dân và vi phạm Hiệp định Paris". Dù phải chịu đựng tra tấn cực hình tàn ác của bọn cai ngục, nhưng các cán bộ, chiến sĩ tù chính trị tại Côn Đảo - tù binh tại Phú Quốc và các nhà tù khác vẫn trung thành tuyệt đối với cách mạng, với Tổ quốc "không bao giờ phản bội, xưng khai", đoàn kết đấu tranh vạch mặt quân thù, bảo vệ lẽ phải, giành lại tư thế hiên ngang của đội quân chiến thắng trở về.

Nguyễn Nhân Mùi