Báo Công An Đà Nẵng

Ngày về Tây Trường Sơn

Thứ sáu, 14/02/2020 19:00

Mưa cuối mùa giăng trắng cả núi rừng tây Trường Sơn hùng vĩ. Quốc lộ 49, con đường duy nhất khởi đầu từ H. Phú Vang về huyện vùng cao A Lưới (TT-Huế) nước lênh láng, chảy ào ào như thác. Cái gạt nước xe liên tục lắc lư qua lại nhưng kính vẫn mờ bởi những hạt mưa tấp xuống xối xả. Xe chúng tôi phải vượt qua ba con đèo, trong đó hiểm trở nhất là đèo A Co ngoằn ngoèo, uốn lượn vòng vèo suốt 16 km.

Chị Tuyết (giữa) trao quà cho bà con nghèo tại A Lưới.

Tôi đã từng qua nhiều đèo của một số địa phương trong cả nước nhưng đèo A Co có những đặc điểm rất khó quên bởi nó không chỉ nằm ở độ cao mà một bên là vách núi dựng đứng chọc trời, một bên là vực sâu thăm thẳm, mặt đường lại chật hẹp, lọt trong một màu xanh ngút ngàn của cây rừng bao phủ. Xe chầm chậm đổ đèo và chẳng mấy chốc tới ngã ba Bốt Đỏ, điểm cuối cùng của Quốc lộ 49 nhập với đường Hồ Chí Minh. Trung tâm thị trấn A Lưới bắt đầu hiện dần theo con đường đã đi vào lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Đây là thung lũng rộng lớn, bằng phẳng, một địa danh phía tây của dãy Trường Sơn, xứ sở, núi rừng của đồng bào Pa Kô, Tà Ôi chiếm đa số.

Theo lộ trình, buổi trưa chúng tôi sẽ trao quà cho bà con nghèo tại nhà dài của xã Hồng Trung, bởi chuyến đi này doanh nghiệp lưu trú Long Tuyết, tức chị Võ Thị Tuyết (tổ 21, P. Thuận Phước, Q. Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) chở theo 1.000 suất quà trị giá 200 triệu đồng, 25 bộ bàn ghế học sinh trị giá 18 triệu đồng để tặng một số người nghèo của 5 xã nghèo nhất và một trường tiểu học của H. A Lưới. Do đường trơn, lấp xấp nước, có đoạn bị sạt lở, xe chạy chậm nên bị trễ nhưng thỉnh thoảng lại nhận được điện thoại của cán bộ xã Hồng Trung: "Các anh chị tới đâu rồi? Dân xã mình tập trung từ sáng để chờ nhận quà mà chưa thấy?". Biết không thể kịp trao trong buổi sáng, chị Tuyết bảo họ xin lỗi giúp bà con về lý do trễ và hẹn họ đầu giờ chiều tập trung trở lại. Ăn vội bữa cơm trưa dọc đường xong, chúng tôi gấp gáp đi ngay tới nhà dài của thôn Lê Triện 1, xã Hồng Trung. Tuy chưa tới một giờ chiều nhưng bà con đã tập trung ở đây rất đông và qua trao đổi với cán bộ xã, số gia đình được mời đã có mặt đầy đủ. Tôi bỗng chạnh lòng về hai từ "đầy đủ" ấy bởi bà con Pa Kô, Tà Ôi nơi đây đang còn thiếu nhiều về vật chất nên họ rất cần sự giúp đỡ. Rồi lần lượt đại diện các hộ nghèo được xã mời nhận quà rất trật tự. Nhiều người nhận xong túi quà gồm quần áo, gạo, mì tôm, nước mắm xong rồi cứ ngắm nhìn mãi vào túi quà với ánh mắt tràn đầy niềm vui. Anh Hồ Văn Ôn - Trưởng thôn Lê Triện 1 nói với tôi: "Thôn mình có 97% người Pa Kô, tất cả đều mang họ Hồ, có truyền thống cách mạng. Tuy bây giờ cuộc sống khá hơn trước nhưng đồng bào vẫn còn thiếu thốn nhiều thứ quá. Thay mặt bà con thôn xin cảm ơn tấm lòng của chị Tuyết và mấy anh nhiều".

Đêm ở  A Lưới rất lạnh. Do quên mang theo áo ấm, tôi không sao chợp mắt được. Thỉnh thoảng những cơn mưa rừng trút sầm sập xuống mái nhà dài, gió đêm lùa từng cơn xao xác, tái tê làm tôi không sao chợp mắt nổi. Không ngủ được nên tuy mưa lạnh nhưng nghe nói chợ đêm A Lưới vẫn nhộn nhịp lạ thường, tôi cố đi xem thử. Đến nơi mới biết chợ đông từ 1 giờ đến 5 giờ sáng trên một khu đất ở gần với chợ của thị trấn A Lưới. Đây là phiên chợ rất độc đáo của 5 dân tộc anh em là  Pa Kô, Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Hy và Kinh. Hàng hóa mua bán chủ yếu là những củ quả chính họ sản xuất cũng như đặc sản tự nhiên của rừng như búp măng, chuối, khoai, sắn, mật ong, mộc nhĩ, cá suối... Chợ này hình thành khoảng hơn ba chục năm rồi. Trước đây không có điện nên ai đi mua sắm cũng phải mang theo cái đèn pin để rọi xem hàng. Bây giờ nhờ ánh đèn đường hắt xuống, tuy tờ mờ nhưng cũng nhìn rõ từng loại hàng hóa. Sở dĩ chợ họp vào giờ ngủ vì bà con dân tộc thiểu số tranh thủ mua bán để khi trời sáng thì lên nương rẫy trồng tỉa, tìm kiếm cái ăn của rừng.

Ngày hôm sau, chúng tôi tranh thủ từng giờ để đi trao quà cho bà con 4 xã còn lại là Hồng Vân, Sơn Thủy, Đông Sơn và A Đớt. Ở đâu tôi cũng cảm nhận được một điều là tất cả bà con dân tộc thiểu số đều thật thà, tốt bụng nhưng cái nghèo, cái khổ vẫn còn đeo đẳng theo họ nhiều quá. Bà con háo hức đón nhận những phần quà với sự biết ơn, trân trọng đến khó tả bằng lời đã làm cho chúng tôi vô cùng xúc động. Về với A Lưới mới thấy vùng núi rừng tây Trường Sơn có hơn 56 ngàn người này bây giờ tuy đã khá, song bà con còn quá nhiều thiếu hụt về vật chất, tinh thần, đời sống của dân bản còn muôn vàn khó khăn. Tuy vậy, ở họ luôn có niềm tin mãnh liệt vào Đảng, trước sau vẫn vẹn nguyên là con cháu Bác Hồ, luôn lạc quan với cuộc sống hôm nay. Một số gia đình đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên của cải có phần dôi dư, tuy vậy số gia đình này chưa nhiều. Cho dù ở bất cứ hoàn cảnh nào thì bản sắc văn hóa vùng cao A Lưới cũng không bao giờ thay đổi, họ luôn giữ gìn, bảo tồn nét đẹp của nhiều lễ hội truyền thống, đặc biệt là lễ hội Ycha Ada. Cứ đến thời điểm gần cuối năm, lúa trên nương rẫy đã uốn câu vàng rộp, sương sớm là đà từng mảng trắng xóa trên núi A Túc, A Bia thì bà con các bản làng của nhiều dân tộc xúm xít giã gạo nếp, nấu những món ăn ngon nhất. Đàn bà, con gái mặc váy, xà lùng màu mè rực rỡ để bước vào mùa lễ hội. Đây là lễ mang đậm tín ngưỡng dân gian độc đáo của cộng đồng các dân tộc A Lưới, còn gọi là lễ mừng cơm mới. Bên cạnh đó, lễ cưới của đồng bào dân tộc Pa Kô lại có những nét đặc trưng rất riêng. Khi con trai, con gái đến tuổi xây dựng gia đình, thương yêu nhau thì nhà trai phải chuẩn bị tiền, vàng, bò, heo, rượu... còn nhà gái thì sắm zèng (vải dệt thổ cẩm), chiếu Alơ, gạo, gà, vịt với số lượng tùy theo điều kiện của từng gia đình rồi làm lễ báo cáo hai bên gia đình sau đó đám cưới được tổ chức cả nhà trai và nhà gái...

Tạm biệt A Lưới trong xế chiều se lạnh. Phía xa xa, mây xám phủ kín đỉnh Tơ Lang Ai. Chỉ có hai ngày về A Lưới trong gió mưa ảm đạm mà khi xa lòng bỗng chộn rộn bao nỗi nhớ nhung. Nhớ những em bé ngây thơ, tóc vàng cháy nắng, chân đất với ánh mắt hồn nhiên hôm đến nhận quà; nhớ những nụ cười rúc rích, với bao lời chân chất của những chàng trai, cô gái Pa Kô, Tà Ôi, Pa Hy mà tôi đã gặp. Vẫn biết A Lưới hôm nay đã khởi sắc so với những năm trước đây nhưng cái khổ, cái nghèo vẫn còn bám theo cuộc sống của bà con không ít. Hy vọng, A Lưới sẽ tiếp tục chuyển mình vượt qua bao khó khăn, vất vả. Mong sao vùng đất trập trùng núi non hiểm trở của một thời là chiếc nôi cách mạng Khu ủy Trị Thiên, mảnh đất được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND sớm trút bỏ được cái nghèo khó...

T.M