Báo Công An Đà Nẵng

Ngày xuân đi hội bài chòi

Thứ năm, 12/02/2015 09:17

(Cadn.com.vn) - Quảng Nam, nhắc đến bài chòi là biết mùa xuân về bởi loại hình này thường gắn liền với những lễ hội, với những hoạt động mừng Xuân.

"Rủ nhau đi hội bài chòi

Để con nó khóc cho lòi rún ra".

Những câu hát với từ ngữ mộc mạc, chân chất thể hiện đúng tinh thần của người xứ Quảng ăn cục nói hòn nhưng nói lên sự háo hức, niềm đam mê của người dân ta từ xa xưa với bài chòi. Từ 23-24 tháng Chạp, những chiếc chòi lá đã bắt đầu được dựng lên thường là ở ngã ba hoặc nhà văn hóa thôn. Người góp ít tre, người góp mái lá, chiếc chòi là kết quả của công sức và sự đoàn kết của cả xóm. Ông Phan Hộ (84 tuổi) người được xem là "nghệ nhân" bài chòi của xã Duy Hòa (H. Duy Xuyên) cho biết: "Hội Bài chòi bao giờ cũng được xếp theo hình chữ nhật và tùy theo số lượng chòi mà đặt tương ứng với nhau theo từng cặp. Ở giữa đặt một trống chầu dành cho người điều khiển cuộc chơi và cờ hiệu. Tuy là nghệ thuật văn hóa dân gian nhưng dàn nhạc cũng rất công phu gồm 1 sanh, 1 nhị, 1 kèn và 1 trống tum".

Một cuộc thi hát bài chòi ngày Tết.

"Bài chòi mở hội đầu xuân/ Hội vui đón tết hội mừng non sông/ Vui chơi cho phỉ tấm lòng/ Chờ mười hai tháng nữa mới mong tựu tề". Những câu hát bài chòi thường gắn liền với tình cảm hàng xóm láng giềng, dạy đối nhân xử thế và mong ước một mùa xuân an lành, ấm no. Đã nhiều năm làm Hiệu bài chòi, ông Hộ cho biết, cái làm nên tinh túy nhất của buổi diễn xướng bài chòi làm sao thu hút và liên kết được mọi người với nhau, không chỉ là với những người chơi mà cả khán giả đang xem. Với mỗi câu hát tùy sự sáng tạo của mỗi đội mà thêm bớt từng từ từng ý. Đôi khi chính sự ngẫu nhiên đó khiến cho cả không gian rộn ràng sức sống. Người dân xứ Quảng quan niệm rằng chơi bài chòi còn là để xả xui cuối năm. Với mỗi con bài được anh Hiệu phát được xem là một lá may mắn. Tuy nhiên, điều kỳ diệu nhất của ván bài chòi là không mang tính bài bạc đơn thuần mà còn là nơi trổ tài hát hò đối đáp. Vì vậy dù thắng hay thua, được hay mất mọi người ai nấy cũng đều vui vẻ.

Bằng sự thông minh, dí dỏm, ông cha ta đã khéo léo lồng vào trong mỗi lá bài những câu hát thương yêu, những lời khuyên nhủ cũng là một bài học trong năm mới. "Ông cha từng dạy rất nhiều/ Lá lành lá rách nhiễu điều gió sương/ Làm người phải biết yêu thương/Xóm thôn đất nước quê hương đồng bào/ giúp người giữa lúc lao đao/Phước dày hơn cả sóng trào biển Đông".

Trong tiết trời se lạnh của ngày đầu năm mới được về những vùng quê xứ Quảng đắm mình trong những câu hát dân gian mộc mạc thấm đượm bản sắc văn hóa dân tộc thì còn gì thú vị bằng?

H.D