Nghệ An: Nhân lực ngành y tế đã thiếu trầm trọng, khó tuyển dụng lại còn giảm biên chế!
Có chính sách thu hút vẫn thiếu 5.000 nhân lực ngành y tế
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Hoa - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An, vấn đề thiếu nhân lực là khó khăn và thách thức rất lớn đối với ngành y tế tỉnh này, đặc biệt sau đại dịch COVID-19. Toàn ngành hiện đang thiếu 5000 nhân lực. Đáng nói hơn, không chỉ thiếu nhân lực trình độ cao ở y tế cơ sở mà còn thiếu nhân lực chung của toàn ngành, ở các tuyến, các vị trí đều thiếu với số lượng lớn.
“Việc thiếu nhân lực ngành y tế xuất phát từ các vấn đề khác nhau. Sau đại dịch COVID -19, nảy sinh rất nhiều loại dịch bệnh. Đặc biệt, mạng lưới y tế công lập, y tế tư nhân rất phát triển nên liên quan đến nhu cầu khám, chữa bệnh, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Các cơ sở y tế có giường bệnh kế hoạch liên quan đến nhân lực theo quy định. Hiện nay, giường bệnh kế hoạch kể cả trong công lập và ngoài công lập của toàn tỉnh là hơn 18.600 giường bệnh (tăng 120%). Điều này xuất phát từ nhu cầu của người dân đến cơ sở khám chữa bệnh. Hiện, nhân lực của toàn ngành là 19.426, trong đó hệ thống công lập là 14.038 (chiếm 72,3%), hệ thống ngoài công lập 5.388 (chiếm 27, 7%)” – bà Hoa cho biết.
Về nhân lực tuyến xã, trong 460 xã thì có 360 xã có bác sĩ, ngành đã có điều chuyển cán bộ nghỉ hưu tại một số cơ sở y tế tuyến xã. Hiện 39 Trạm Y tế không có bác sĩ nên ngành đã bố trí y sĩ để thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh. Về nhân lực trình độ cao, ở tuyến tỉnh, nhân lực trình độ chuyên môn sau đại học hiện có 10,2 %, y tế cơ sở là 5,9%.
Trong thời gian qua, tỉnh Nghệ An có nhiều chính sách quan tâm đến phát triển nhân lực ngành y tế, trong đó có chính sách thu hút cho các bác sĩ tốt nghiệp ra trường bằng giỏi, bằng khá về các xã vùng sâu, vùng xa và các đơn vị đặc thù. Ngoài ra, có chính sách đào tạo hỗ trợ các chức danh là Giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ, Bác sĩ CK1,CKII. Tỉnh cũng đã dành nguồn ngân sách để hỗ trợ hàng năm trong thu hút và đào tạo nhân lực y tế. Cụ thể năm 2023, có 210 nhân lực y tế được đào tạo và kinh phí tỉnh chi trả khoảng 9,4 tỷ đồng, diện thu hút nhân lực có 32 bác sĩ. Tuy nhiên, kết quả này chưa đáp ứng được yêu cầu về khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân hiện nay. Đặc biệt, luật khám, chữa bệnh mới quy định nhân lực trên giường bệnh là những tác động rất lớn liên quan đến vấn đề thu hút, đào tạo, giữ chân cán bộ y tế.
Đã khó tuyển dụng lại còn giảm biên chế!
Theo Giám đốc Sở Y tế, thực tế hiện nay, việc tuyển dụng của các cơ sở y tế rất khó khăn. Đối với tuyến cơ sở là những đơn vị thực hiện tự chủ nhóm 3 và nhóm 4 thiếu 1.142 nhân lực, trong khi đó phải thực hiện giảm biên chế hàng năm. “Chúng tôi đã báo cáo nhiều lần với tỉnh, đã làm việc với Sở Nội vụ để trình bày những trăn trở về vấn đề này. Nhân lực đã thiếu rồi lại còn giảm biên chế nữa. Do nhân lực không đủ nên việc cử đi đào tạo nâng cao lại càng khó hơn, tạo áp lực lên những người đang làm việc. Ngay cả đối với tuyến tỉnh, đơn vị thực hiện tự chủ nhóm 1, nhóm 2 phải cân đối nguồn thu để chi trả. Tuy nhiên, cơ chế tự chủ hiện nay của chúng ta còn nhiều bất cập nên rất khó khăn trong việc tuyển dụng đủ nhân lực trên giường bệnh và không đủ kinh phí để chi trả. Đây là bài toán rất khó cho Giám đốc các bệnh viện hiện nay” – bà Hoa lý giải.
Một nghịch cảnh đáng buồn hơn nữa, dù thiếu nhân lực nhưng lại tuyển không được. Năm 2023, tuyển dụng của ngành đối với các đơn vị tự chủ nhóm 3, nhóm 4 chỉ được 46%. Đối với các đơn vị tự chủ nhóm 1, nhóm 2, ngay cả tuyến tỉnh chỉ tuyển dụng được cao nhất là 92 % (2 đơn vị), còn lại chỉ hơn 60%. Đơn cử như Bệnh viện đa khoa huyện Đô lương, chỉ tiêu là 11 bác sĩ nhưng chỉ tuyển được đúng 1 người.
Bà Nguyễn Thị Hồng Hoa cho biết, việc tuyển dụng nhân lực ngành y tế khó khăn do nhiều nguyên nhân, trong đó có chính sách thu hút được ban hành từ năm 2014, không còn đáp ứng được yêu cầu với hiện nay. Một số tỉnh lân cận Nghệ An như Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Trị đã ban hành chính sách thu hút rất tốt. “Nhân lực có trình độ tiến sĩ, các tỉnh bạn thu hút đến 400 - 500 triệu đồng, Nghệ An mới có 80 triệu đồng. Đối với bác sĩ, họ đã thu hút gấp 3, gấp 4 lần Nghệ An, và thu hút ở tất cả trạm y tế chứ không phải chỉ dành cho vùng sâu, vùng xa”- bà Hoa dẫn chứng.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh nêu, các địa phương khác phối hợp các trường đại học y tuyển dụng, thu hút sinh viên ngay khi ra trường, trong khi đó, Nghệ An chưa làm được điều này. Mặt khác, mỗi năm có khoảng hơn 200 cử nhân điều dưỡng được đào tạo tại các trường ở Nghệ An nhưng khi tốt nghiệp chủ yếu chọn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, thay vì ứng tuyển vào các cơ sở y tế trong tỉnh. Nhân lực đào tạo tại các Trường Y trong tỉnh cũng đi các tỉnh khác làm việc. “Mỗi năm có 40 bác sĩ đào tạo trên địa bàn, tuy nhiên ra trường chỉ có hơn 30% ở lại. Con em Nghệ An đi học các trường đại học Y trên cả nước cũng không muốn về, có nhiều lý do, trong đó có vấn đề chính sách thu hút, môi trường làm việc...”, bà Hoa trăn trở chia sẻ.
Hiện tại, chỉ tiêu tuyển dụng năm 2024 tại các đơn vị y tế tự chủ đã được tỉnh phê duyệt nhưng vẫn chưa thể triển khai do còn phải chờ để rà soát chỉ tiêu tuyển dụng năm 2025. Theo đó, nhân lực ngành Y tế Nghệ An vốn đã thiếu trầm trọng, giờ lại chưa được tuyển dụng nên càng thiếu hơn.
Dương Hóa