Nghệ An quyết giữ vững thành quả phòng, chống dịch
Từ chỗ trên địa bàn tỉnh có nhiều huyện, thành phố, thị xã thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg và Chỉ thị số 15/CT-TTg với rất nhiều nguy cơ tiếp tục bùng phát dịch, nhưng với tinh thần nỗ lực của từng địa phương, của Sở Y tế, sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt, đúng hướng của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Nghệ An, nhiều địa phương trong tỉnh đã cơ bản khống chế được dịch, đang dần trở về trạng thái “bình thường mới”.
Một địa điểm bị phong tỏa vì có ca nhiễm ở TP Vinh, Nghệ An. |
Phát huy vai trò đội tình nguyện
Ở nhiều địa phương trong tỉnh Nghệ An, dịch COVID-19 tràn qua đã để lại nhiều dư âm, có cả những lo ngại, hoảng sợ cho không ít người dân.
Xuân Hòa là xã thuần nông của huyện Nam Đàn. Chỉ trong thời gian ngắn, do tính chất phức tạp của các ca F0 xuất hiện trên địa bàn, xã đã phải thực hiện theo mức cao hơn Chỉ thị số 16/CT-TTg. Trước bối cảnh này, Ban Thường vụ Huyện ủy Nam Đàn quyết định phân công một Ủy viên Huyện ủy, Phó Chủ tịch HĐND huyện và một Ủy viên BCH Đảng bộ huyện trực tiếp về xã để lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch cũng như điều hành các hoạt động tại xã. Ngay sau khi được phân công về xã, các cán bộ này bắt tay ngay vào công việc, cùng với sự giúp đỡ, hỗ trợ của các lực lượng và ngành y tế, người dân địa phương, công tác phòng, chống dịch tại Xuân Hòa đã đi đúng hướng, đến nay dịch cơ bản được kiểm soát.
Đó là ở xã Xuân Hòa (huyện Nam Đàn), còn ở xã Sơn Thành (huyện Yên Thành) với những khó khăn, đặc thù riêng, nếu không có cách làm phù hợp sẽ rất khó khống chế được dịch. Đây là xã có nhiều công dân đi làm ăn xa ở trong và ngoài tỉnh, khiến việc quản lý di chuyển dân cư gặp nhiều khó khăn, trong khi nhu cầu trở về địa phương của con em trong xã là rất lớn. Trong đợt bùng phát dịch từ ngày 27-4, xã có 112 người phải cách ly tập trung, 302 lượt người phải cách ly tại nhà; toàn xã có 26 trường hợp dương tính, trong đó có 3 người là lực lượng làm nhiệm vụ trong khu cách ly tập trung. Với nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp với đặc thù địa phương, đến nay dịch COVID-19 tại Sơn Thành đã được kiểm soát; người dân không còn tâm lý bất an, lo lắng như trước.
Kiểm soát chặt người từ ngoài vào
TP Vinh là trung tâm của tỉnh Nghệ An, số lượng ca bệnh lớn thứ 2 so với các huyện, thành phố, thị xã khác trong tỉnh, với 648 trường hợp dương tính được phát hiện tính đến 6 giờ ngày 25-9.
Dịch COVID-19 đã lan trên diện rộng đến các phường, xã và các khối, xóm dân cư, với các nguồn lây chủ yếu là chợ đầu mối và từ một số chợ trên địa bàn cũng như các khu vực, địa phương khác. Để nhanh chóng khống chế dịch, Thành ủy, chính quyền thành phố chỉ đạo quyết liệt; phối hợp, thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh. Ông Trần Ngọc Tú, Chủ tịch UBND TP Vinh cho biết, đợt dịch trước, thành phố có 80 ca dương tính, phải mất đến 20 ngày mới kiểm soát được thì nay với hàng trăm ca dương tính, chỉ trong khoảng một tháng thành phố đã cơ bản khống chế được. Chính vì vậy, từ chỗ cả thành phố phải thực hiện mức cao hơn Chỉ thị số 16/CT-TTg thì nay thành phố đang thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg với nhiều hoạt động dần được nới lỏng để sớm chuyển về trạng thái “bình thường mới”.
Ông Trần Ngọc Tú cho biết thêm, đối với đặc thù của TP Vinh, việc kiểm soát chặt chẽ người từ bên ngoài vào, trong đó có người đi từ các vùng dịch trong và ngoài tỉnh về là việc làm quan trọng, quyết liệt nhất. Thực tế tại TP Vinh cho thấy, ngay khi dịch tại nhiều địa phương trong tỉnh Nghệ An đang diễn ra căng thẳng, phức tạp, bên cạnh việc kiểm soát dịch bên trong, TP cũng phải kiểm soát tốt người từ bên ngoài vào. Để làm được việc này, TP Vinh đã thành lập 14 chốt ở khu vực vành đai xung quanh thành phố; các phường, xã cũng thành lập các tổ để kiểm tra; ngoài ra thành phố còn duy trì các tổ tuần tra, kiểm tra lưu động.
Qua một tháng tập trung cao độ cho việc phòng, chống dịch, nhiều địa phương trong tỉnh Nghệ An đã rút ra được các bài học quý trong phòng, chống dịch COVID-19. Vấn đề đặt ra với các địa phương hiện nay là làm sao và làm cách nào để dịch không quay trở lại, duy trì cho được trạng thái “bình thường mới”, nhanh chóng khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội.
P.V