Báo Công An Đà Nẵng

Nghe bước chân lịch sử vọng về!

Thứ năm, 25/01/2018 10:40

“Vì sao Mỹ thất bại trong cuộc chiến tranh Việt Nam”? Đó là một câu hỏi lớn, một đề tài cuốn hút mà đến nay dư luận thế giới vẫn dành sự quan tâm đặc biệt. Để đi đến thắng lợi hoàn toàn, quân và dân ta đã trải qua nhiều bước ngoặt lịch sử đáng nhớ, trong đó có cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968. Trải qua 50 năm (1968- 2018), ý nghĩa và tầm vóc của cuộc tổng tiến công vẫn còn nguyên vẹn. Để giúp đoàn viên thanh niên (ĐVTN) hiểu biết sâu sắc về chiến công lịch sử này, ngày 24-1, Thành đoàn Đà Nẵng chủ trì phối hợp Tỉnh đoàn Quảng Trị và TT-Huế tổ chức tọa đàm “Vai trò của tuổi trẻ và tổ chức Đoàn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968”.

Tuổi trẻ Đà Nẵng giao lưu với nhân chứng lịch sử Hồ Văn Sang (bìa trái).

CHUYỆN THỜI CHIẾN CHINH

3 chứng nhân lịch sử trong cuộc tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968 đã kể cho lớp con, cháu nghe về những năm tháng tuổi trẻ bi hùng mà họ đã trải qua. Đó là người nữ du kích gan dạ, trung kiên Hoàng Thị Nở trong Tiểu đội 11 cô gái sông Hương (TT-Huế), người cựu binh già đồng bào Vân Kiều, Hồ Văn Sang, từng vào sinh ra tử tại chiến trường Khe Sanh (Quảng Trị) năm 1968, hay chuyện của Đại tá Lê Ngọc Bảy, nguyên Phó Chỉ huy trưởng BCH Quân sự tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, chiến sĩ trinh sát của Tiểu đoàn R20 Quảng Đà trong trận đánh Xuân Mậu Thân 1968 vào Đà Nẵng.

Tại buổi tọa đàm, Đại tá Lê Ngọc Bảy cho biết, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Tiểu đoàn R20 Quảng Đà nhận nhiệm vụ tấn công Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 ngụy trong đêm giao thừa Tết Mậu Thân 1968. Đại tá Bảy kể, chiều 30 Tết, đơn vị bắt đầu triển khai các mũi tiến công đã gặp phải nhiều khó khăn, trở ngại từ phía địch. Tuy nhiên, nhưng với tinh thần quả cảm, mưu trí, đến giao thừa thì lực lượng Tiểu đoàn R20 đã tiếp cận được cổng Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 ngụy, tấn công tiêu diệt cứ điểm của địch tại Cồn Dầu. Tuy nhiên, do tương quan lực lượng quá chênh lệch nên phần lớn chiến sỹ trong tiểu đội đã hi sinh. “Dù có muôn vàn khó khăn, nhưng tinh thần vẫn phải luôn vững vàng, quyết tâm giải phóng quê hương, đất nước. Đó chính là bài học về lòng yêu nước, sự tự cường của tuổi trẻ…”, ông Bảy  nhắn nhủ với các ĐVTN.

Hay như câu chuyện của những người con gái Huế với dáng vẻ thùy mị, đằm thắm nhưng đầy gan dạ, kiên trung của Tiểu đội du kích 11 cô gái sông Hương. Tuổi thanh xuân của 11 cô gái gắn với những chiến công vang dội, như: chiến đấu đẩy lùi một tiểu đoàn thủy quân lục chiến Mỹ có xe tăng, máy bay yểm trợ ngay giữa Cố đô, giúp cho bộ đội chủ lực và các đội biệt động đánh đúng vào các mục tiêu địch…

Còn bác cựu binh Hồ Văn Sang thì chia sẻ, thanh niên thời đó tham gia cách mạng đều xác định “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, do đó quân và dân Hướng Hóa, Quảng Trị quyết không để Khe Sanh nằm trong tay giặc. “Bác mong thế hệ trẻ hôm nay nâng cao tinh thần cách mạng, phấn đấu học tập để tiếp tục xây dựng đất nước giàu đẹp, phát triển vững mạnh”, bác Hồ Văn Sang nhắn nhủ.

SỨC MẠNH TINH THẦN CHO TUỔI TRẺ

Tại buổi tọa đàm, những người trở về từ “mưa bom, bão đạn” ấy đã truyền lửa cho thế hệ trẻ qua những câu chuyện thấm đẫm lý tưởng anh hùng cách mạng. Từ đó, khơi dậy trong tuổi trẻ truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, truyền thêm bản lĩnh về sức mạnh và trí tuệ Việt Nam. Chỉa sẻ về vai trò của tuổi trẻ trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, nhà nghiên cứu Lưu Anh Rô cho rằng, vai trò của tuổi trẻ trong sự kiện lịch sử này được thể hiện rất rõ, bởi cả 3 lực lượng trực tiếp tham gia trong cuộc tổng tiến công đều là thanh niên, sinh viên, học sinh. Ở đó, lực lượng chính quy hầu hết là những thanh niên độ tuổi mười tám, đôi mươi, rồi lực lượng thanh niên các địa phương tham gia vận thương, tải đạn… Đặc biệt, trong các cuộc tiến công vào nội đô, lực lượng sinh viên, học sinh đã tích cực tham gia làm công tác giao liên, hoặc trực tiếp dẫn đường cho lực lượng chính quy tiến nhanh, an toàn, tấn công thần tốc vào các cứ điểm của địch.

Tham gia buổi tọa đàm, bạn Phan Bảo Thư, sinh viên Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng, nói: “Chúng em biết đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 qua những kiến thức lịch sử từ sách giáo khoa, tư liệu tham khảo, nhưng khi được nghe các cô, bác nhân chứng lịch sử kể lại thì càng hiểu hơn những chiến công hiển hách của thế hệ cha ông. Tuổi trẻ chúng em cảm phục trước tinh thần đấu tranh quật cường của thế hệ cha anh, xen lẫn sự cảm phục ấy là lòng tự hào vể một Việt Nam trung dũng kiên cường. Chúng em hứa nỗ lực học tập, rèn luyện để không phụ sự hy sinh lớn lao của thế hệ cha anh, không lung lay bởi những luận điệu xuyên tạc của kẻ thù…”. Thượng sỹ Lê Nguyễn Vân Anh, đoàn viên CATP Đà Nẵng nêu cảm tưởng sau khi nghe các nhân chứng lịch sử kể về cuộc tổng tiến công: “Đó là biểu tượng tuyệt vời của chủ nghĩa yêu nước, một thành công vang dội của chiến lược quân sự mưu trí, táo bạo góp phần làm nên truyền thống của lực lượng vũ trang Quảng Nam- Đà Nẵng trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ. Bài học lịch sử về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 sẽ luôn đi theo thế hệ trẻ lực lượng vũ trang thành phố Đà Nẵng để toàn quân học tập, nâng cao nhận thức, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống và trưởng thành”.

QUANG PHÚC