Nghề “hạ bạc”
(Cadn.com.vn) - Mò cua bắt ốc, chài lưới, đăng đó, nò cá... được dân gian gọi là nghề “hạ bạc”. Người làm nghề này trên sông nước Thu Bồn giờ không còn nhiều. Sau lũ, nghề “hạ bạc” cũng vào mùa, đem lại thu nhập đáng kể cho nhiều gia đình.
VÀO MÙA
Mùa mưa lũ là mùa sinh sôi nảy nở của các loại tôm cá trên sông. Sau khi lũ rút, người làm nghề “hạ bạc” ven sông Thu Bồn lại vào mùa. Ông Phạm Tám (người dân ở xã Đại Cường, H. Đại Lộc-Quảng Nam) cho biết từ 5 giờ chiều ông bắt đầu ra sông bủa lưới, mỗi mẻ lưới khoảng 20 phút thì gỡ cá một lần. Đến 5 giờ sáng hôm sau thu dọn lưới mang cá về bán cho các “mối” quen chờ sẵn. Từ sau cơn lũ đầu mùa, mỗi đêm bủa lưới vợ chồng ông Tám bắt được 0,5 - 1kg tôm, có hôm còn được thêm ít cá rô và cá tràu, trung bình kiếm được 100 nghìn đồng. “Chỉ mùa này mới làm ăn được thôi, sông nước bây giờ cá tôm còn ít lắm!”, ông Tám phân trần.
Trong khi nhiều người dân quê khá rảnh rỗi trong mùa mưa lũ thì những người làm nghề “hạ bạc” lại tất bật với việc bán cá sông, cá đồng. Anh Phạm Thích, một người làm nghề đặt nhá nhử bắt tôm trên sông Thu Bồn cho biết mỗi đêm bắt được gần 2kg tôm các loại. “Sau mùa lũ vừa qua, tôm càng xanh xuất hiện trên sông Thu Bồn nhiều nên nghề thả nhá cũng khá hơn”, anh Thích phấn khích. Có một cách đánh bắt tôm cá mà người làm nghề “hạ bạc” ở ven sông Thu Bồn hay áp dụng là làm đăng đó, rớ cá (kéo tủ), đặt lờ, trúm lươn... Thời điểm sau lũ, đăng đó thường dùng để bắt cá rầm (cá con), tôm tép và các loại cá nhỏ trên sông, khe rạch trên đồng ruộng. Đến khoảng giữa tháng chạp hằng năm, người làm nghề chài lưới lại đóng nò, giăng rớ để bắt các loại cá lớn như chép, trôi, trắm cỏ... Tôm cá bắt được thì có người đến tận nơi mua gom đem ra chợ bán. Vì thế, những phiên chợ cá ở quê mỗi sáng lại lao xao tiếng người bán mua.
Một “chợ cá” ngay đầu làng với nhiều loại cá đồng mùa lũ. |
TRĂN TRỞ VỚI NGHỀ
Làm nghề “hạ bạc” thường là cặp vợ chồng, một chiếc xuồng nhỏ với hai mái dầm, dụng cụ ít nhất thì vài tay lưới, một cây đèn... cứ thế lênh đênh sông nước chờ vận may. Gắn bó với nghề chài lưới từ thuở mới lọt lòng cho đến khi sắp bước vào ngưỡng tuổi lục tuần, ông Tám là người hiểu rõ những cực nhọc của cái nghề này. Một đời ông gắn bó với nghề nhưng cũng chỉ đắp đổi qua ngày. Đêm khuya mưa gió với bao bất trắc trên sông nước, đó là những vất vả mà người làm nghề này từng trải qua.
Ông Tám trăn trở: “Làm nghề ni khó ai mà giàu. Từ đời cha tới đời tôi quanh năm lênh đênh sông nước, đủ ăn là mừng lắm rồi. Chim trời, cá nước biết đâu mà lần”. Có lẽ vì điều đó mà không đứa con nào của ông Tám theo cha làm nghề chài lưới trên sông nước Thu Bồn.Thường thì sau tết, những người làm nghề chài lưới lại ngược sông Thu Bồn và Vu Gia để lên thượng nguồn đặt nhá, đánh lưới. Mỗi cặp vợ chồng đi một tháng có thể thu nhập được 10 triệu đồng. Nhưng nay cá tôm thượng nguồn khan hiếm. Vào mùa nước cạn, hầu hết các gia đình làm nghề “hạ bạc” phải treo lưới chờ mùa mưa lũ tới.
Người dân Đại Lộc kéo rớ (tủ) cá sau lũ đầu mùa. |
Nguyên nhân là cá tôm trên sông cạn kiệt do môi trường bị ảnh hưởng và nạn khai thác kiểu “tận diệt” như xung điện thường xuyên xảy ra. Việc đánh bắt cá trên sông bây giờ không còn là nghề nuôi sống gia đình nên chỉ có những lão ngư ngày này qua tháng khác quanh quẩn bên bến sông. “Chúng tôi chỉ sợ một mai kia những lão ngư sẽ về với đất, cá tôm trên sông nước cạn kiệt thì những hình ảnh nò cá, chà cá, thuyền câu giăng lưới... không còn, nghề “hạ bạc” cũng lụi tàn” - ông Tám nói.
Bài, ảnh: Th. Hà