Báo Công An Đà Nẵng

Nghe hát giao duyên trên non cao...

Thứ hai, 02/01/2017 09:33

(Cadn.com.vn) - Giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ bảng lảng khói sương, những bản làng Cơ Tu với những con người mộc mạc, chân chất, thủy chung với núi rừng, nương rẫy, con sông, dòng suối quê nhà. Những chàng trai Cơ Tu ngực trần, đầu đội trời, chân đạp đất, can trường. Những cô gái Cơ Tu đẹp như đóa lơ-lang, tươi trẻ như suối nguồn nước mát, mang cả cuộc sống trên chiếc gùi trĩu nặng bờ vai... Và mùa xuân cây đầm chồi nảy lộc, muôn hoa khoe sắc, chim muông cất tiếng líu lo cũng là mùa trai gái ở các bản làng Cơ Tu tìm đến với nhau trong những câu hát giao duyên cùng những nhạc cụ truyền thống trầm bổng, réo rắt hân hoan giữa non cao...

Trong một bài dân ca của dân tộc mình, người Cơ Tu đã đưa ra những "tiêu chuẩn" cho người đàn ông Cơ Tu: "Là đàn ông Cơ Tu, biết đốn gỗ dựng nhà, phát nương, đan gùi, làm rẫy và bẫy chim, săn thú trong rừng/ Là đàn ông Cơ Tu, biết đánh trống, thổi kèn, gánh vác công việc trong thôn và biết lo hạnh phúc gia đình...". Còn người phụ nữ thì "... biết cấy hái, gieo trồng, sớm hôm lo việc ruộng nương, lại khéo tay may vá thêu thùa; việc nhà luôn giỏi giang, khéo léo chăm làm, hát hay, múa dẻo tay và dễ thương như những thiên thần..." (điệu Ba booch).

Làng Cơ Tu tỉnh Quảng Nam vào hội.

Khung cảnh nên thơ hữu tình, trong công việc nương rẫy, những lễ hội văn hóa âm vang cồng chiêng với những vũ điệu tung tung da dá rạo rực giữa xuân tươi... là dịp để trai gái Cơ Tu phải lòng, hò hẹn, trao duyên rồi nên chồng nên vợ, với lời thề ước "no đói ta có nhau, hạnh phúc ta có nhau...". Trong những làn điệu dân ca, điệu lý... của người Cơ Tu, đề tài về tình yêu trai gái, tình vợ chồng chiếm "dung lượng" lớn, vừa chân thực vừa trữ tình lãng mạn, cách ví von cũng bay bổng nhất. Có lẽ, bất luận chàng trai Cơ Tu nào khi đã phải lòng một cô gái thì đều trở thành...thi sĩ! Hãy nghe các chàng làm thơ "tán": "Chân em gái thon đẹp như thân dong/ Chân em trắng xinh giống cây chuối rừng xanh/ Đôi môi em tươi tựa như đóa hoa lơ-lang/ Lấp lánh trong anh cánh hoa đờ-lôm...", hay ví các cô gái với loài chim Avưưch, Avang - những con chim đẹp nhất của núi rừng! Thế thì cô gái nào lại không xiêu lòng: "Ai cõng em qua sông, em biếu chiếc vòng vàng/ Ai dắt em sang, em sẽ trao chiếc vòng bạc" (Ba booch). Trong một bài dân ca khác, tình cảm trai gái Cơ Tu thể hiện qua "trường đoạn" mà "bối cảnh" chính là cô gái đang chăm bón rẫy ngô trồng xen lúa tươi bên kia sông. Vì "nhìn em xinh tươi hồn nhiên, lòng anh xốn xang" nên chàng trai đã bộc bạch tình cảm chân thành: "Chờ anh sang sông em ơi, làm chi cho anh làm với/ Mình vui bên nhau tính chuyện dài lâu/ Con chim kia bay có đôi, cùng nhau đùa vui". Trước lời tỏ tình đáng yêu và đầy "trách nhiệm" như thế nên cô gái đã mơ đến chuyện trăm năm: "Chàng ơi, mình như đôi chim ngang trời/ Cùng vui hôm sớm bên nhau như đũa có đôi" (lý giao duyên). Và, khi đã nên duyên chồng vợ, tình yêu của họ càng thêm thắm thiết, mặn nồng. Chàng trai đã nói với cô gái, rằng trên rừng bao nhiêu lá thì anh thương em bấy nhiêu! Họ quấn quýt không rời nhau để cùng xây đắp cuộc đời: "Trên rẫy ta có nhau/ Bên suối ta có nhau/ No đói ta có nhau/ Hạnh phúc ta có nhau...". Sự thủy chung gắn bó, cùng nhau gắng sức lao động sản xuất, no đói có nhau của đôi vợ chồng trẻ đã đem lại nhiều hoa thơm trái ngọt: "Anh gắng công, em gắng công/ Đôi ta cùng chăm bón vun trồng/ Ngô lúa thêm trĩu bông/ Hoa trái thêm sắc hồng/ Ta đã trọn ước mong/ Cuộc sống thêm thắm hồng" (điệu Đhruych). Cuộc sống gia đình tràn đầy yêu thương, những đứa con thơ ra đời với bao hy vọng.

Người đàn ông Cơ Tu can trường, hào hoa, đầy trách nhiệm với gia đình và cộng đồng. Dẫu có cố sự gì xảy ra, thì người vợ vẫn dành tất cả tình yêu, sự thủy chung, kính trọng để nuôi dưỡng giấc mơ và hoài bão cho những đứa con của họ. Trong lời hát ru con, người phụ nữ Cơ Tu mong ước "ngày mai con lớn như giàn nhà, giọng sang sảng như cha". Ngày mai ấy, qua lời ru của mẹ, đứa con sẽ lớn lên và trưởng thành cùng với "hành trang" mà người cha trao lại: "Ru con, con ngủ đi/ Mẹ để dành cái nỏ, ống tên của cha cho con/ Ru con, con ngủ đi/ Mẹ cất chiếc áo giáp cho con, con ngủ đi..." (điệu Kru kacoon - hát ru con).

Đến các lễ hội hay có dịp ghé mái nhà sàn truyền thống ở bản làng nào đó, chúng ta sẽ có dịp thưởng thức các bài dân ca, điệu hát lý của người Cơ Tu. Nếu thấy các cụ ông, cụ bà hoặc chàng trai, cô gái đang quấn quýt bên nhau bên tiếng đàn Abel, Ânrưl... truyền thống, thì chắc chắc họ đang thủ thỉ những "câu hát tỏ tình" của đồng bào mình, giữa đại ngàn phóng khoáng và nên thơ...

Thạch Hà