Nghề làm cá khô cuối đường Xuyên Á
(Cadn.com.vn) - Những ngày đầu tháng 6 nắng nóng như thiêu đốt, đi về cửa biển cuối con đường Xuyên Á (Quảng Trị) đón ngọn gió mát rượi, thơm lừng hương cá hấp phơi khô trải dài từ xã Gio Việt về TT Cửa Việt (H.Gio Linh). Màu cá lấp lánh, mặn mòi biển cả cứ níu chân người.
Dưới cái nắng gắt 40 độ, gió Lào khô quắt, nhiều người tìm nơi râm mát thì bà con nơi đây lại hào hứng "bắt nắng", khẩn trương lao động sau chuỗi ngày dường như bị "đóng băng" do thiếu nguyên liệu từ ảnh hưởng cá chết bất thường. Chị Lê Thanh Hương, xã Gio Việt cho biết: "Đây là nghề không ưa râm mát, nóng, nắng càng lớn, gió Lào càng mạnh thì phơi cá mới nhanh. Cũng vì làm lâu năm thành ra mọi người thừa kinh nghiệm để đối phó với thời tiết khắc nghiệt ni rồi". Nụ cười tươi rói với bàn tay thoăn thoắt lẩy cá trên tấm liếp của chị khiến nắng cũng muốn nhảy theo. "Chỉ cái nắng, cái gió nơi đây mới khiến cá dai, ngon và đậm hương, là thứ đặc sản không thể trộn lẫn. Chính vì rứa, có nắng là phải "bắt" ngay", ông Nguyễn Sáu phấn khởi, thoắt lau giọt mồ hôi cứ như muốn chực rơi trong cơn gió nóng bủa vây.
Do yếu tố nắng, gió, cá nục khô tại Gio Việt và Cửa Việt dai và thơm ngon. |
Được biết, 10 năm lại đây, đặc sản cá nục và cá cơm khô xuất khẩu đã trở thành thương hiệu nổi tiếng của xã Gio Việt và Cửa Việt. Hoạt động sản xuất cũng ngày được mở rộng, tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Ông Trần Đình Mẫn, Phó Chủ tịch UBND TT Cửa Việt cho biết hiện địa bàn có khoảng 40 lò hấp cá. Nguyên liệu không chỉ do ngư dân Quảng Trị cung cấp mà còn nhập từ các địa bàn khác. Tại Gio Việt, dù không có đội tàu đánh bắt xa bờ mạnh như TT Cửa Việt nhưng hoạt động hấp sấy cá nổi trội, với hơn 70 lò hấp cá, mỗi năm sử dụng gần 20 ngàn tấn nguyên liệu. Cá khô được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, bên cạnh đó phục vụ cho nhiều tỉnh miền Bắc và duy trì ổn định nhiều năm qua.
Mỗi năm, số lượng càng tăng lên và thêm được ưa chuộng. Cái nghề tưởng đơn giản nhưng đầy nhọc nhằn này, nhiều người còn nhớ trước đây có thời điểm nắng không đủ độ, râm mát kéo dài, người dân phải chở cá lên tận Lao Bảo để phơi. Mỗi ngày, người lao động đội nắng, phơi gió nóng nhiều giờ để thực hiện nhiều công đoạn, trong đó lật cá và loại bỏ phần đầu đòi hỏi tỉ mẩn, kiên trì. Đây là công việc thu hút đông đảo chị em, bình quân mỗi người thu nhập khoảng từ 170 đến 220 ngàn đồng/ngày. Ngày hè, nhiều học sinh cũng tranh thủ làm thêm, tham gia các công đoạn nhẹ nhàng, kiếm thêm thu nhập, phụ thu cho gia đình đón năm học mới.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm, người dân chú trọng đầu tư máy móc thiết bị hiện đại hơn, các lò hấp đã chủ động đảm bảo nguồn hàng, hoạt động luôn có lãi, khấm khá, trừ mọi chi phí, nhân công, các lò thu về 200 đến 250 triệu đồng/năm. Trong không khí lao động nhộn nhịp, chủ lò hấp Ky - Hòa (xã Gio Việt) cho biết chỉ gần 10 ngày qua, lò hấp cả xã ước "ngốn" chừng 1 ngàn tấn cá nục tươi, hoạt động hết công suất để kịp nắng. "Thị trường ổn định, chúng tôi muốn tạo thêm việc làm cho ngư dân, nhất là giai đoạn khó khăn do hiện tượng cá chết bất thường", chủ lò Nguyễn Văn Từ (thôn Xuân Tiến, xã Gio Việt) bày tỏ. Tình người dường như chan chứa hơn nữa.
Bảo Hà