Báo Công An Đà Nẵng

Nghề lân Hội An và nỗi buồn một nét văn hóa

Thứ bảy, 14/09/2013 11:49

(Cadn.com.vn) - Hội An vốn được biết đến với những nét đẹp về văn hóa, và nghề làm Lân là một trong những nghề truyền thống mang đậm chất văn hóa của vùng đất này. Nhưng cùng với sự đổi thay và phát triển của xã hội, nghề lân đã không còn giữ và duy trì được những vẻ đẹp của mình.

Điểm đến cho người yêu Lân

Chúng tôi về với Hội An đúng vào dịp sắp đến mùa trung thu, những con phố vẫn nhộn nhịp với muôn sắc màu. Quanh co qua từng con hẻm, cuối cùng chúng tôi cũng tìm đến được nhà anh  Nguyễn Hưng (thôn Trảng Kèo, P.Cẩm Hà), một người đã gắn bó với nghề này gần 23 năm. Anh Hưng cho biết, theo lời của các bậc thầy làm Lân trước đây thì nghề Lân Hội An đã có từ rất lâu và được phát triển mạnh vào những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XX. Việc làm Lân theo từng hộ gia đình đã giúp nghề này định hình được tên tuổi và nhanh chóng trở thành một nét văn hóa độc đáo của Phố cổ. Hội An được biết đến như là cái nôi của những "lò" Lân nổi tiếng. Các bạn trẻ cùng với đại lý kinh doanh mặt hàng này trên nhiều tỉnh, thành phố luôn muốn tìm về đây. Đặc biệt, giới chơi Lân chân chính luôn lấy Hội An làm điểm mốc để hướng đến một vẻ đẹp hoàn mỹ của nghề. Từ Quảng Nam, Đà Nẵng, Gia Lai, Hà Nội... nhiều người tìm đến Hội An để "thưởng thức" vẻ đẹp của Lân.

Là một trong số rất ít người còn theo đuổi niềm đam mê với nghề, xưởng sản xuất nhỏ của anh Hưng đã trở thành một điểm đến đặc biệt của nhiều người. Trung bình một năm xưởng của anh cho ra lò khoảng 3.000 con Lân các loại, chủ yếu phục vụ cho những đại lý trò chơi và người yêu Lân từ khắp mọi nơi. Không những vậy những sản phẩm của anh còn dành cho cả khách du lịch nước ngoài, những du khách muốn khám phá nét đẹp truyền thống của Việt Nam. Có thể khẳng định, Lân Hội An đã trở thành một nét biểu trưng cho nền văn hóa truyền thống của  Phố cổ. Nghệ nhân Bùi Quý Phong, người gắn bó với nghề này từ năm 1980 khẳng định "Lân Hội An đã được thịnh hành từ rất lâu. Nó được phát triển nhờ vào những lớp người có tâm huyết từ thời xưa để lại. Qua thời gian, bằng sự đam mê và sáng tạo, những nghệ nhân làm Lân đã tạo ra vẻ đẹp riêng cho Lân Hội An so với những nơi khác như màu sắc, hoa văn, cách bẻ sừng Lân...". Tuy nhiên cũng theo ông thì nghề Lân bây giờ đang có dấu hiệu bị mai một dần.

Làm sao giữ được nghề làm Lân ở Hội An?

Nỗi buồn một nét văn hóa

Trải qua gần 100 năm, nghề Lân không chỉ mang lại giá trị to lớn cho Hội An mà còn tô điểm thêm những nét độc đáo cho văn hóa truyền thống Việt. Tuy nhiên trong những năm gần đây, do nhiều nguyên nhân nghề Lân đã không còn giữ được những vẻ đẹp truyền thống vốn có của mình, và nghề Lân cũng như thú chơi Lân ở đây đang đi xuống. Theo tìm hiểu của chúng tôi, Hội An bây giờ đang vắng bóng dần những người làm Lân chuyên nghiệp. Đi khắp thành phố, chỉ có hai địa điểm làm nghề này đúng chất đó là cửa hàng của anh Hưng và anh Dũng.

 Ông Trần Đình Châu - Phó giám đốc Sở VH-TT&DL TP Hội An cho biết: "Nghề Lân thuộc dạng truyền nối từ các thế hệ, ở Hội An có khoảng 3 đến 4 gia đình gắn bó với nghề này". Nhưng thực tế con số này chưa đến nếu xét về góc độ nghề làm Lân thực thụ, Hội An giờ đây chỉ còn rất ít người làm Lân, phần lớn những nghệ nhân trước đây đã không còn, một số thì bỏ nghề vì nhiều lý do.

 Có mặt tại cửa hàng Đồng Lợi, một trong những nơi bán Lân lâu đời nhất của Phố cổ, chị chủ cửa hàng tâm sự: "So với những năm về trước, Lân Hội An bây giờ ít hơn xưa rất nhiều về số lượng. Người gắn bó với nghề này cũng thưa thớt dần". Theo quan sát, những cửa hàng bán Lân ở những con phố cổ cũng thưa dần. Họ đã đến với những công việc hiện đại và thu được lợi nhuân nhiều hơn là cái nghề chỉ làm vì sự đam mê này. Cũng theo nghệ nhân Bùi Quý Phong thì Hội An  hiện nay đang phải đối mặt với tình trạng "loạn Lân", nghĩa là thú chơi Lân bây giờ không đơn thuần chỉ mang tính chất giải trí hay biểu trưng văn hóa nữa mà chủ yếu chú trọng đến vấn đề trục lợi. Cứ đến mỗi mùa trung thu hay dịp lễ hội, hàng loạt đội Lân thi nhau xuống đường "biểu diễn" mà đơn giản chỉ là múa theo cảm tính chứ không theo một bài vở nào cả. Đã từ lâu những bài Lân làm nên tên tuổi cho biểu tượng văn hóa Hội An không còn xuất hiện. Nỗi trăn trở của người làm Lân Hội An là đang thiếu hụt dần những lớp người kế tục. Rõ ràng, Lân Hội An đang phải đối mặt với những bài toán khó để bảo tồn được những giá trị đặc sắc vốn có của mình. "Thành phố đang giao cho trung tâm nghiên cứu và phục hồi lại nghề Lân và thiên Cẩu. Cũng như thường xuyên tổ chức cuộc thi hướng đến Lân"-ông Trần Đình Châu chia sẻ. Đúng là thành phố phải vào cuộc cho nghề Lân trở lại với giá trị văn hóa thực. Nhưng để có một hướng đi mới cho tương lai không phải là ngày một ngày hai.

Tấn Việt - Văn Tiến