Báo Công An Đà Nẵng

Nghệ nhân biến gốc tre thành sản phẩm nghệ thuật

Thứ tư, 10/01/2018 13:13

Những ngày đầu năm, ngôi nhà cuối thôn Hạnh Đông, xã Đại Thạnh, H. Đại Lộc (Quảng Nam) bên dòng sông Thu Bồn lại vang lên những âm thanh quen thuộc từ tiếng đục đẽo gốc tre của ông Phan Văn Chánh (55 tuổi), "nghệ nhân" nổi tiếng ở địa phương với biệt tài chế tác bàn ghế bằng gốc tre.

Ông Chánh khiến mọi người nể phục khi có thể biến gốc tre thành những sản phẩm nghệ thuật. 

Mười mấy năm trước, ông Chánh không may bị tai nạn lao động mất cánh tay phải. Chỉ còn một cánh tay nhưng ông lại có biệt tài khiến nhiều người thán phục bởi có thể chế tác một gốc tre sần sùi bỏ đi thành món đồ gia dụng đắt tiền. Từ bộ bàn ghế, cơ ngơi đến những vật dụng có giá trị trong gia đình đều do ông gầy dựng nên. Ông Chánh kể, hồi năm 1985, gia đình ông vẫn còn nghèo khổ. Sau khi lập gia đình, ông làm bao nhiêu cũng không đủ ăn. Hồi ấy, ai kêu gì ông làm nấy miễn là có tiền nuôi vợ con. Trong một lần làm thuê cho cơ sở ép cây mía lấy đường, ông không may bị máy ép nghiền nát cánh tay phải. Tai nạn ấy giống như một ngã rẽ buồn của cuộc đời, từ một thanh niên khoẻ mạnh, trụ cột chính trong gia đình, bỗng chốc bị mất cánh tay khiến cuộc sống đảo lộn, rơi vào tuyệt vọng.

Sau đó, khi tư tưởng đã thông, ông bắt đầu đi làm lại. Tuy nhiên, vì chỉ còn một tay nên không ai thuê. Lúc này ông chuyển sang đan lát, làm những sản phẩm từ tre như thúng, rổ, nơm... bán kiếm tiền phụ giúp gia đình. Đến năm 2006, H. Đại Lộc hứng chịu trận lũ lụt lớn khiến hàng tre dọc bờ sông Thu Bồn bật gốc, trơ trọi. Nhìn thấy những gốc tre cong veo, sần sùi lộ thiên, ông suy nghĩ đến việc chế tác chúng thành một bộ bàn ghế kiểu. "Nghĩ là làm, ngay đêm hôm ấy tôi lên ý tưởng rồi vẽ ra giấy. Thức trắng đêm mới phác họa xong bộ bàn ghế mà nguyên liệu chính từ gốc tre. Hơn thế, tre chính là hồn cốt của dân tộc Việt, bảo tồn, phát huy những sản phẩm từ tre cũng là cách giữ gìn văn hóa" - ông Chánh tâm sự.

Một bộ bàn ghế từ gốc tre do ông Chánh tạo nên. 

Ông Chánh cho biết, vì gốc tre cong tự nhiên, bền, nếu biết cách sử dụng sẽ cho ra một bộ bàn ghế sofa với kiểu dáng bắt mắt. Và để thực hiện ý tưởng của mình, ông bắt đầu đi khắp nơi tìm những gốc tre người dân bỏ đi. Hay nghe tin ở đâu người dân bán tre ông đến xin hoặc mua lại. "Lúc mới bắt tay vào làm, cứ vài ngày tôi lại chở cả xe bò toàn gốc tre xù xì về chất trong nhà. Nhiều người thấy vậy nói tôi... bị điên..."-ông Chánh tâm sự. Gốc tre ông mang đi ngâm bùn non 3 tháng để không bị mối mọt ăn rồi bắt đầu công việc chế tác. "Mỗi gốc tre cong mỗi kiểu nên phải tỉ mỉ chọn những gốc tre khớp với nhau để khi ráp lại sẽ được một cái ghế, cái bàn liền mạch, cứng cáp. Một bộ bàn ghế hoàn thành cần khoảng 40 gốc tre. Gốc tre được dùng làm chân ghế, thành ghế, tay cầm... rất đẹp và chắc chắn.

Đặc biệt, để kết nối các gốc tre lại với nhau thành bộ bàn ghế hoàn chỉnh phải dùng chốt làm bằng tre, không được đóng đinh vì dễ gỉ sắt, mối mọt dễ xâm nhập phá hỏng sản phẩm"- ông Chánh giải thích. Cũng theo ông Chánh, các dụng cụ làm mộc hầu hết dùng cho người thuận tay phải nên ông phải chế tạo lại cho phù hợp với mình. Mọi công đoạn ông đều làm một mình, không ai phụ giúp nên khó khăn nhiều thứ. Tuy nhiên, chưa bao giờ ông có ý định bỏ cuộc. Cứ thế, nhờ sự kiên trì, cần mẫn, cuối cùng bộ bàn ghế làm từ gốc tre ra đời trong sự ngỡ ngàng của nhiều người. Không ai nghĩ một gốc tre tưởng chừng như bỏ đi lại được tận dụng để trở thành một sản phẩm đẹp như vậy. 

Ông Chánh tặng quà cho người dân vùng lũ.

Bộ bàn ghế sofa đầu tiên của ông Chánh được khách hàng mua với giá 20 triệu đồng. Chỉ riêng từ đầu năm 2017 đến nay, ông đã bán được 5 bộ bàn ghế, bộ thấp nhất 20 triệu, cao nhất 32 triệu đồng. Ông bảo phải mất một tháng để hoàn thành một bộ bàn ghế, chưa kể thời gian đi tìm những gốc tre có độ cong và cân xứng nhau. Không chỉ làm bàn ghế sofa, "nghệ nhân làng" Phan Văn Chánh còn tạo nhiều sản phẩm khác như nôi, giường, bàn thờ, tủ trang điểm... từ gốc tre. Giờ đây, hàng của ông làm ra đã được nhiều người các nơi như Sài Gòn, Vũng Tàu, Đà Nẵng... tìm đến mua. Ngoài ra, ông còn tham gia nhiều chương trình từ thiện. Đợt lũ vừa qua ông tổ chức trao 150 suất quà cho những người nghèo địa phương. Hiện, ông đang ấp ủ ý định tổ chức đấu giá một bộ bàn ghế để gây quỹ từ thiện.

Phi Nông