Báo Công An Đà Nẵng

Nghệ sĩ đâu rồi?

Thứ năm, 03/07/2014 09:13

(Cadn.com.vn) - 8 trận đấu của vòng loại knock-out trôi qua trong sự nhạt nhòa đến thất vọng. Mà ở đó, những người bại trận lại được nói đến nhiều hơn, để lại nhiều nuối tiếc hơn là những đội đi tiếp.

Điều gì đã làm nên sự nhạt nhòa đó? Không gì khác ngoài sự lên ngôi của... máy móc. Ở đây không phải là máy móc, công nghệ mà là lối chơi các đội bóng đang áp dụng tại giải đấu năm nay: lối chơi cứng nhắc, thiếu sáng tạo của hầu hết các đội bóng, kể cả đấy là Brazil, Argentina hay Hà Lan... Tất cả các đội bóng này đều thiên về việc sử dụng một bộ đôi tiền vệ cơ bắp làm nhiệm vụ đánh chặn, thu hồi bóng ở giữa sân, còn nhiệm vụ tấn công được giao phó hoàn toàn cho một tiền đạo có thiên hướng chơi tự do như Neymar, Messi hay Robben...

Với sự cứng nhắc đó, họ dễ dàng đẩy trận đấu đi vào ngõ cụt, nhạt nhòa và thiếu sức sống khiến người hâm mộ phát ngán và buồn ngủ. Điều đó cũng lý giải vì sao ở vòng bảng, bàn thắng bùng nổ thì ở vòng knock-out, sau 8 trận chỉ có vỏn vẹn 11 bàn thắng được ghi trong thời gian thi đấu chính thức.

Khi các đội bóng đều ưa thích lối chơi "cơ bắp" như thế, các nghệ sĩ sân cỏ, những người có thể mang lại đột biến với sức sáng tạo vô hạn đều dần mất đất diễn, bị gạt bỏ. Điển hình là Brazil, HLV Scolari sẵn sàng bỏ qua Kaka để trọng dụng những gã lực điền như Hulk, Gustavo, Ramires... Xu hướng của bóng đá thế giới như thế và hậu quả là chúng ta phải xem những trận đấu khô khan, thiếu cảm xúc. "Đau" hơn, một giải đấu diễn ra tại Nam Mỹ, nơi sản sinh ra vô vàn những mẫu cầu thủ nghệ sĩ, lại thiếu đi chất nghệ sĩ sân cỏ.

Tất nhiên sẽ có người cho rằng Messi hay Robben đã tỏa sáng để đưa đội nhà đi tiếp nhưng như thế chưa đủ. Bởi sự tỏa sáng của họ chưa phải đến từ sự sáng tạo của một mẫu nhạc trưởng khiến người xem phải trầm trồ.

Dẫu sao, vòng tứ kết vẫn còn đó một Colombia đầy nhiệt huyết, sự ngẫu hứng của người Nam Mỹ và Costa Rica hứa hẹn lắm bất ngờ... để hy vọng và chờ đợi.

Mai Hàn