Báo Công An Đà Nẵng

"Nghệ sỹ lang thang" phố Hội

Thứ tư, 25/12/2013 12:59

(Cadn.com.vn) - 10 năm gắn với từng con đường ở phố cổ Hội An và gần 20 năm lang thang trên mọi miền đất nước để mưu sinh, ông tự gọi mình là người "nghệ sỹ lang thang", lang thang ngay trên xứ sở mình, lang thang ngay trên chính thân phận mình. Hằng ngày, ông ngồi ở một góc phố cổ  với nghề làm máy bay từ vỏ lon bia, lon nước ngọt...

Tài hoa đủng đỉnh qua ngày...

Người ở Hội An trong 10 năm qua không lạ với hình ảnh một người đàn ông chân đi khập khễnh, nói giọng lơ lớ, hằng ngày hay ngồi bán máy bay cắt bằng vỏ lon bia, lon nước ngọt ở một góc vỉa hè trên các con đường Nguyễn Huệ, Bạch Đằng từ 8 giờ sáng,  khoảng 4 giờ chiều ông thu xếp ra về. Ít ai biết ông cư ngụ ở đâu. Một dịp tình cờ lang thang trên phố cổ, vô tình tôi gặp ông đang ngồi làm máy bay trong một căn phòng trọ bé tí, ẩm thấp. Câu chuyện ban đầu không trôi chảy lắm, bởi giọng ông rất khó nghe, phải tập trung mới hiểu được.

Nhưng rồi, sự cởi mở của ông đã át đi cách trở về ngôn ngữ. Ông kể về chuyện đời, chuyện nghề của mình. Ông bảo cứ gọi ông là Tôn, bởi ông thích cái tên ấy. Những người trong cùng khu trọ và cả những khách quen mua hàng của ông cũng chỉ biết có vậy. Ông Tôn năm nay  gần 50 tuổi, từng rong ruổi mưu sinh trên mọi miền đất nước. Đôi chân tật nguyền của ông đã giẫm qua biết bao vùng đất lạ, để rồi, giờ lại về với chốn yên bình này. Căn phòng trọ của ông trong ngoài chất đầy những vỏ lon bia, nước ngọt các loại. Ông cười và bảo rằng đó là tất cả tài sản quý giá nhất của mình.

Ông Tôn đang miệt mài làm những chiếc máy bay nơi căn phòng trọ của mình.

Trọn 1 ngày xem ông làm việc, mới thấy hết sự tài hoa của con người kỳ lạ này. Từ một vỏ lon bia, đôi tay ông thoăn thoắt cắt, ghép thành một chiếc máy bay trực thăng rất đẹp. Theo quan sát của chúng tôi, ở Hội An hiện nay, chỉ duy nhất một mình ông Tôn có cái nghề độc đáo như thế. Lon bia, lon nước ngọt thì xin hoặc mua rẻ ở các điểm bán phế liệu. Một chiếc máy bay hoàn thành, ông bán cho khách nước ngoài từ 10 đến 15 USD. Nếu khi ngẫu hứng làm được một chiếc khá ưng ý và gặp khách sộp, ông lên giá 20 USD.

Ông bảo vì đây là hàng lạ và độc quyền nên hầu như du khách đều mua ngay chứ ít khi trả giá. Mỗi ngày vừa bán, vừa làm khoảng 3 chiếc máy bay như thế là ông đã rủng rỉnh vào hạng thu nhập khá. Nhưng ông bảo chỉ đem tài năng mưu sinh cho vừa buổi cơ cầu, đủ chắt chiu qua ngày và gửi về cho vợ con một ít. Ông làm cũng theo ngẫu hứng và bán cũng theo ngẫu hứng. Có khi, một ngày bán được 5 chiếc máy bay, thu vào hơn 1 triệu đồng, nhưng rồi sau đó ông lại nghỉ ngơi hàng nửa tháng, chỉ rong chơi qua từng con phố, chứ không làm, không bán. Đến khi hết tiền, ông lại làm máy bay và đem ra phố bán...

Những chiếc máy bay ông Tôn làm ra.

Một cuộc đời lang bạt...

Ngồi rủ rỉ với tôi, ông tâm sự phận mình đã trải qua nhiều chông chênh, nhiều nước mắt hơn là nụ cười, niềm vui. Sinh ra ở một xã nghèo ở tỉnh Cao Bằng, tuổi thơ của ông Tôn càng cay đắng hơn khi một bên chân của ông bị khuyết tật, đi lại không bình thường. Nhưng quyết chí đi lên, chàng thành niên ấy ra phố và mong một ngày đổi đời. Hạnh phúc tưởng như đã nở hoa khi anh có một người vợ và một đứa con, trong một gia đình êm ấm, lại là chủ một cơ sở sản xuất có tiếng cả vùng.

Nhưng rồi, chỉ vì ham mê cờ bạc, tất cả một tay ông gây dựng rồi cũng một tay ông phá đi. Nhà cửa tiêu tan, vợ con ly tán. Ông phải phiêu dạt xứ người để quên đi quá khứ và mong tìm lại được chút bình yên. Con đường phiêu lưu của ông bắt đầu khi một mình tay không xuống thủ đô Hà Nội. Tất cả quá xa lạ, khó khăn, nhưng ông cũng nghĩ ra ngay cách mưu sinh mà có lẽ không ai nghĩ đến. Nhặt nhạnh những tờ giấy, báo cũ người ta bỏ đi, ông cắt, xếp thành những bông hoa, những con chim giấy rất đẹp để bán cho những đứa trẻ thành phố. Rồi, cắt những lá cọ ở công viên, ông xếp thành những con cào cào rất tinh xảo. Chừng ấy thôi, nhưng đủ để ông vừa chi tiêu, vừa thuê nhà trọ, vừa sắm sửa một ít áo quần cho mình trong hơn 3 tháng ở Hà Nội.

Bản lĩnh của một thanh niên không cam chịu đã đưa ông đi qua những miền đất khác trên cả nước. Ông không lo đói bởi đôi bàn tay ông biết biến những cái người khác đã bỏ đi thành những đồ vật đẹp có thể bán ra tiền và thậm chí nhiều tiền. Ông bảo đã có một người vợ mới và một đứa con nhỏ đang sống tại Quảng Ngãi. Hơn 10 năm trước, ông đến Nha Trang làm nghề cắt bán hoa giấy trên phố. Tại đây ông đã gặp người phụ nữ từ Quảng Ngãi vào bán bánh tráng (bánh đa) dạo. Bắt đầu với những lời trêu chọc, những lần ăn bánh tráng chịu..., cảm thông với số phận của người đàn ông nghèo từ phương Bắc dạt xiêu về đây, người phụ nữ ấy đã đem lòng yêu thương.

Rồi họ dìu dắt nhau về Quảng Ngãi, cưới và quyết định đến Hội An tìm kế sinh nhai. Chồng làm máy bay bán và thêm nghề thợ hàn, vợ bán vé số cùng nuôi con. 7 năm sau khi kinh tế ổn định, ông quyết định đưa vợ trở về Quảng Ngãi, xây nhà, an cư lạc nghiệp. Những tưởng cuộc sống đã bình yên, nhưng rồi vợ đổ bệnh nặng, tiền thuốc thang đi mất vài chục triệu. Vợ khỏe lại, trong nhà không còn gì, nợ nần thì đè lên lưng. Ông đành quay trở ra Hội An để tiếp tục đời mưu sinh xứ người...

Đi qua những thăng trầm của phận người, với bàn tay tài hoa, với ý chí tự nuôi sống chính mình bằng chính sức lao động của mình, ông Tôn đã làm nên một góc cuộc sống khá đẹp nơi phố cổ.

T.G