Báo Công An Đà Nẵng

Nghệ thuật Chăm-pa: Nghiên cứu kiến trúc và điêu khắc đền - tháp

Thứ bảy, 19/02/2022 20:01

Tháp Chiên Đàn (Tam Kỳ, Quảng Nam).

"Nghệ thuật Chăm-pa: Nghiên cứu kiến trúc và điêu khắc đền - tháp" là tựa sách mới nhất của nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật Chăm-pa Trần Kỳ Phương, do Nxb Thế Giới liên kết cùng Truongphuongboooks xuất bản và phát hành năm 2021. Sách tập hợp 11 bài khảo cứu công phu và sâu sắc nói về tính đặc sắc của nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc đền - tháp Chăm-pa, dựa trên những suy nghiệm lâu dài và những tư liệu phong phú có được từ nhiều cuộc điền dã sâu của tác giả. Một vài chương trong sách đã được công bố trước đây, tuy nhiên trong lần xuất bản này, tác giả đã biên tập và chỉnh sửa rất kỹ lưỡng cũng như bổ sung nhiều hình ảnh và bản vẽ minh họa để độc giả tiện dụng.

Hơn bốn thập kỷ qua, Trần Kỳ Phương đã được giới chuyên môn và bạn đọc biết nhiều trên lãnh vực nghiên cứu lịch sử nghệ thuật và kiến trúc Chăm-pa, một vương quốc đã một thời hùng mạnh, thịnh vượng, và tài năng nghệ thuật thiên phú tại miền Trung Việt Nam ngày nay. Ông cũng là một trong những người đầu tiên khôi phục và đưa Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng bị hư hại sau chiến tranh trở lại phục vụ công chúng, khoảng thập niên 1980. 

Bảo tàng thời hậu chiến, với những phương tiện còn hạn chế, đã từng bước hồi sinh sau 30 năm thầm lặng từ 1945-1975. Tuy nhiên, các nguồn tài liệu và hiện vật được lưu giữ trong kho bị mai một, không có một ghi chép nào về các cổ vật bị hư hại hoặc bị thất thoát trong thời chiến. Năm 1987, Trần Kỳ Phương đã biên soạn một danh mục cơ bản, bằng 3 ngôn ngữ (Việt, Anh và Nga) được Nxb Ngoại văn Hà Nội ấn hành. Công trình khiêm tốn, thầm lặng này là sự tiếp nối các nhà nghiên cứu tiên phong người Pháp là Henri Parmentier và Philippe Stern, đưa công việc của ông bắt nhịp cùng các đồng nghiệp thuộc thế hệ kế thừa Jean Boisselier, Thierry Zéphir. Chào mừng hội nghị thượng đỉnh 21 quốc gia về Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng năm 2017, bảo tàng đã được mở rộng hệ thống trưng bày; một quyển danh mục mới được công bố cũng trong dịp này có tựa đề "Vibrancy in Stone: Masterpieces of the Đà Nẵng Museum of Cham Sculpture/Tiếng vọng trong Đá: Những kiệt tác của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng", do nhóm Trần Kỳ Phương, Võ Văn Thắng và Peter D. Sharrock đồng chủ biên, được xem là danh mục thứ hai về các hiện vật của bảo tàng.  Các ý kiến tư vấn của Trần Kỳ Phương được giới chuyên môn  đánh giá là một sự bảo chứng tại các di tích khảo cổ học Chăm-pa mới  phát hiện từ sau chiến tranh.

Bìa sách Nghệ thuật Chăm-pa: Nghiên cứu kiến trúc và điêu khắc đền - tháp.

Trong lời giới thiệu về tác phẩm "Nghệ thuật Chăm-pa: Nghiên cứu kiến trúc và điêu khắc đền - tháp", cố GS John K. Whitmore (1940-2020) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Đại học Michigan viết: "Tôi rất hân hạnh được giới thiệu công trình nghiên cứu xuất sắc của Trần Kỳ Phương đến với độc giả. Đây là một tác phẩm cốt yếu để tìm hiểu về lịch sử nghệ thuật Chăm-pa, và là công cụ tốt để thu thập kiến thức về lịch sử của Nagara Champa (vương quốc Chăm-pa) và thật ra là của Việt Nam. Những tiểu luận này sẽ dẫn độc giả vào sự phát triển của đền tháp Ấn Độ giáo và Phật giáo của cư dân Chăm-pa, ở cả miền xuôi lẫn miền ngược của vùng đất này, trong quá khứ và hiện tại. Trong mối tương quan này, sự tương đồng và khác biệt giữa tư tưởng của Ấn Độ và Chăm-pa cũng như yếu tố riêng có của Nagara Chăm-pa đã được tác giả nêu lên. Thật vậy, Nagara Champa đã hội nhập như thế nào, bằng những mối liên kết giữa các con đường hàng hải, cảng thị địa phương, thung lũng vùng hạ lưu, cao nguyên, và những nền văn minh khác nhau bằng cả đường bộ lẫn đường biển đã được Trần Kỳ Phương khám phá và dẫn chứng đầy đủ" (NT Tú Anh dịch). 

Nhà văn Nguyên Ngọc nêu nhận định: "Trần Kỳ Phương đã đặt đối tượng nghiên cứu của mình trong cả một hệ thống các mối quan hệ nhiều mặt địa lý, lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ, tôn giáo, kinh tế, giao thương… trong thời gian và trong không gian rộng lớn hơn rất nhiều, bao gồm không chỉ Đông Dương, Đông Nam Á, mà đến cả Đông Á, Nam Á, và không ít khi đến tận Arabia. Là một nhà khoa học thật sự, bằng con mắt và đam mê quan sát đến từng vật thể tưởng chừng rất quen thuộc và thông thường, nhiều lần anh dắt người đọc đến những phát hiện bất ngờ mà rất quan trọng, như chẳng hạn từ vai trò của chiếc ché hay của lá trầu… mà lần ra những con đường đi của cư dân (các) vương quốc từ vùng ven biển Nam Trung Bộ len lỏi đến vùng các sắc tộc Tây Nguyên, và xa, rất xa hơn nữa, tạo nên những mối quan hệ giữa người với người đa dạng, phức tạp đến không ngờ, và để lại trên những nẻo đường ấy dấu vết văn hóa không chỉ tinh thần mà cả vật chất của họ: những ngôi tháp Chàm trong rừng sâu, mãi đến gần đây thỉnh thoảng mới được phát hiện ra, và hầu như chắc chắn vẫn còn ẩn khuất đâu đó chưa phát hiện được…".

Cũng theo nhà văn Nguyên Ngọc: "Cuốn sách nhỏ và súc tích này do vậy là một cuốn sách đầy gợi mở. Trần Kỳ Phương là một nhà Chăm-pa học luôn còn muốn đi tìm. Có một số điều anh nghĩ là đã tìm thấy và khẳng định, có những điều trước đây anh đã khẳng định nay thấy cần nghĩ lại, xác định lại. Cũng có những ý tưởng mới nảy sinh anh còn cố đeo đuổi để có thể đi đến khẳng định...". 

Khép tập sách lại, điều thú vị dễ nhận được với người đọc, đó là cảm giác như ta vừa trải qua cuộc hành trình lắm khi nhọc nhằn mà hấp dẫn, thú vị, bởi  được đi theo cùng tác giả thân mật, chuyện trò, tâm sự… về những con người, sự việc tưởng đã bị mất tích trong lớp bụi thời gian từ nhiều thế kỷ xa xôi.                                                                                   

TRẦN TRUNG SÁNG