Báo Công An Đà Nẵng

Nghệ thuật điêu khắc gỗ truyền thống của người Cơ Tu

Thứ bảy, 06/08/2011 00:00

(Cadn.com.vn) - H. Tây Giang (Quảng Nam) là nơi cư trú lâu đời của dân tộc Cơ Tu. Cùng với các lễ hội văn hóa, nghệ thuật cồng chiêng, các làn điệu dân ca - dân vũ..., nghệ thuật điêu khắc độc đáo của đồng bào Cơ Tu cũng được lưu giữ và truyền lại từ đời này sang đời khác.

"Nghệ nhân chân đất" tài hoa

Nói đến nghệ thuật điêu khắc truyền thống của đồng bào Cơ Tu Quảng Nam, không thể không nhắc đến lão nghệ nhân Kêr Tik (74 tuổi) ở thôn Canoonh 2, xã A Xan, H. Tây Giang. Tài năng của Kêr Tik không chỉ bó hẹp ở bản làng nơi ông đang sinh sống mà đã được nhiều nơi trong nước biết tiếng. Năm 1985, những sản phẩm điêu khắc của Kêr Tik được đưa vào triển lãm ở TP Hồ Chí Minh nhân Ngày hội Văn hóa các dân tộc ít người. Bà Barbara Cohen -  nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa người Mỹ - khi xem tranh và tượng điêu khắc của Kêr Tik, đã đánh giá: "Truyền thống Cơ Tu chính là nguồn cảm hứng và năng lượng cho sự tự do sáng tạo của ông. Giờ đây, với tranh và tượng của Kêr Tik, một chương mới của nghệ thuật Cơ Tu bắt đầu!". Quả vậy, từ triển lãm ấy, nghệ thuật điêu khắc độc đáo của người Cơ Tu đã được nhiều người biết đến.

Đôi chân của Kêr Tik đã đi khắp các bản làng Cơ Tu ở các huyện Tây Giang, Nam Giang và Đông Giang (Quảng Nam) đến các huyện Nam Đông, A Lưới của tỉnh TT-Huế. Năm 2011, ông được mời về làm việc tại Làng văn hóa Về nguồn của tỉnh TT-Huế, do Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa dân gian Huế xây dựng với sự tài trợ của Quỹ Ford. Khi Tây Giang xây dựng Làng văn hóa truyền thống Cơ Tu, nghệ nhân Kêr Tik được giao làm "tổng chỉ huy" công trình. Cùng với những nghệ nhân Cơ Tu khác, đôi tay tài hoa của Kêr Tik đã để lại những dấu ấn trong những tác phẩm điêu khắc, tranh vẽ trang trí... nhà Gươl rất sống động.   

Ông Briu Pố (71 tuổi), ở thôn Arớh, xã Lăng, cũng là một trong những "truyền nhân" của nghệ thuật điêu khắc truyền thống của dân tộc Cơ Tu. Ngoài 200 hình điêu khắc nổi trên mặt gỗ, trên các cây cột, cây trính của nhà Gươl thôn Arớh, nghệ nhân Briu Pố còn có nhiều tượng gỗ thể hiện sinh động cuộc sống và sinh hoạt văn hóa của người Cơ Tu trên quê hương mình. Ông cũng đã chung tay với các nghệ nhân trên địa bàn huyện thực hiện nhiều công trình điêu khắc quan trọng tại Làng văn hóa truyền thống, nhà mồ Cơ Tu... Đến nay, tuổi cao sức yếu, nhưng nghệ nhân Briu Pố vẫn miệt mài truyền nghề cho con cháu. Ông tâm sự: "Những nghệ nhân lớp chúng tôi giờ không còn mấy người. Nếu không truyền nghề cho cháu con thì một ngày không xa các loại hình nghệ thuật văn hóa Cơ Tu nói chung, nghệ thuật điêu khắc nói riêng sẽ bị mai một".

Cùng với Brui Pố, Kêr Tik là các nghệ nhân C'lâu Nâm, C'lâu Nhất - những "nghệ nhân chân đất" chưa hề được học qua một trường lớp hội họa điêu khắc nào, dụng cụ sáng tạo cũng chỉ là những công cụ thô sơ như cái rìu, con dao, màu vẽ chế tác từ than củi, cây lá rừng.... nhưng đôi tay tài hoa của họ đã tạo nên nhiều tượng gỗ, phù điêu và những bức tranh sống động, mang tính nhân văn sâu sắc và tình yêu thiên nhiên tha thiết.

 Nghệ nhân Kêr Tik truyền nghề cho lớp trẻ.

Giải pháp bảo tồn bền vững

H. Tây Giang đã có những giải pháp toàn diện, bền vững trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa - nghệ thuật điêu khắc. Cùng với việc khôi phục 61/70 nhà Gươl truyền thống tại các thôn, Tây Giang cũng đã khôi phục được 2 làng truyền thống Cơ Tu tại làng Pơr'ning ở xã Lăng và Làng văn hóa truyền thống Cơ Tu tại trung tâm hành chính huyện.

Làng truyền thống Cơ Tu được xem là "đại công trình" kiến trúc, điêu khắc với quy mô xây dựng, kinh phí đầu tư và huy động hầu hết các nghệ nhân điêu khắc Cơ Tu trên địa bàn tham gia thi công trong nhiều tháng. Làng được xây dựng trên ngọn đồi nằm về phía đông của trung tâm huyện lỵ trên diện tích gần 5 ha, với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng. Ở trung tâm làng có ngôi nhà Gươl bề thế, 10 nhà sàn truyền thống, đặc biệt có cả căn nhà dài được phục dựng từ nguyên bản của căn nhà dài ở vùng cao Ch'ơm, khu 7 Tây Giang. Đầu năm 2010, tại Làng truyền thống trung tâm huyện được phục dựng ngôi nhà mồ với những lối kiến trúc và điêu khắc nguyên bản rất đặc sắc của đồng bào Cơ Tu. Đây không chỉ là nơi dừng chân của du khách, mà còn là điểm đến hấp dẫn cho những ai muốn tìm hiểu, nghiên cứu, khám phá văn hóa người Cơ Tu Quảng Nam. Nhiều người sau khi đến thăm đã có nhận xét "làng truyền thống tại trung tâm huyện giống như một bảo tàng về văn hóa kiến trúc và điêu khắc của người Cơ Tu H. Tây Giang".

Cuộc thi điêu khắc gỗ do H. Tây Giang tổ chức vào cuối năm 2010 đã tạo một "cú huých" để cho lớp trẻ tiếp bước con đường nghệ thuật điêu khắc truyền thống của cha ông. Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Huyện ủy Tây Giang Bh'ríu Liếc cho biết: "Văn hóa Cơ Tu rất đa dạng, phong phú. Trong đó, văn hóa điêu khắc cũng đa dạng, phong phú như điêu khắc của các dân tộc anh em, đã được phát huy và phát triển tốt. Sau một thời gian tưởng như mai một, Tây Giang đã có các giải pháp để quyết tâm bảo tồn các giá trị văn hóa này. Làng văn hóa truyền thống, nhà Gươl và nhà mồ điêu khắc gỗ ở trung tâm huyện được khôi phục lại là một minh chứng. Công đóng góp của nhiều người, nhưng vai trò lớn nhất là các nghệ nhân  như Kêr Tik, Brui Pố, C'lâu Nâm, C'lâu Nhất. Họ vừa làm vừa bày vẽ, truyền nghề điêu khắc lại cho lớp trẻ để góp phần bảo tồn và phát huy tích cực các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu".

Bài, ảnh: Thạch Hà